Tại buổi làm việc với Cơ quan CSĐT Bộ Công an chiều 30-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã yêu cầu Bộ Công an thực hiện mọi biện pháp để hạn chế tối đa oan sai, bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra các vụ án.
Tham nhũng vặt phổ biến trong dịch vụ công
Báo cáo Chủ tịch nước, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm - Bộ Công an, cho biết 6 tháng đầu năm 2014 đã phát hiện 7.025 vụ, 7.684 đối tượng phạm tội về kinh tế (tăng hơn 3,2% về số vụ và 19,7% số đối tượng so với cùng kỳ năm 2013); phát hiện 162 vụ phạm tội về tham nhũng, xử lý 248 đối tượng và thu hồi số tài sản 21.887 tỉ đồng.
Bên cạnh những vụ việc, hành vi tham nhũng mang tính tập thể, có tổ chức được phát hiện thì tình trạng tham nhũng vặt biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, các hành vi lót tay, chạy chọt… để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền diễn ra phổ biến song khó phát hiện do người dân ngại tố cáo, tố giác và thiếu bằng chứng để xử lý.
Theo Trung tướng Vĩnh, tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng (NH), cho vay tiền gửi, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lượng lớn tài sản của nhà nước và doanh nghiệp. Qua điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lớn như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ Dương Chí Dũng, … cho thấy loại tội phạm này đang diễn ra đặc biệt nghiêm trọng.
“Đối tượng phạm tội có trình độ cao, quan hệ rộng, liên kết với nhau hình thành các nhóm lợi ích, tìm mọi kẽ hở của pháp luật để phạm tội. Khi bị phát hiện, chúng dùng mọi thủ đoạn tinh vi để chạy tội, tấn công, “bôi đen” cơ quan điều tra và các bộ, ngành” - tướng Vĩnh nói.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng việc giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, NH thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính và NH Nhà nước đang gặp khó khăn. Nhiều vụ án phải đình chỉ điều tra chỉ vì hết thời hiệu mà không có kết quả giám định. Trong khi đó, đại diện VKSND Tối cao đề nghị liên ngành công an, kiểm sát, tòa án xây dựng thông tư liên ngành hướng dẫn rõ ràng hơn trong việc xử lý tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm trong lĩnh vực NH.
Không để bức cung, nhục hình
Ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đề nghị VKSND Tối cao nghiêm trị những vụ bức cung, nhục hình. Đơn cử, vụ việc ở tỉnh Phú Yên đang gây bức xúc trong dư luận nên phải xử lý nghiêm. Ngoài ra, Bộ Công an cần có chế tài nghiêm khắc đối với những điều tra viên không cho luật sư tiếp xúc với bị can ngay trong quá trình điều tra. “Luật sư vào cuộc sẽ tạo điều kiện để phát hiện, hạn chế oan sai tốt hơn” - ông Anh nói.
Theo bà Lê Thị Thu Ba, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, đa số các vụ án xảy ra ở cấp huyện và đây đó đã xảy ra những vụ việc oan sai. Vì thế, việc tăng cường năng lực cho CQĐT cấp huyện cần được quan tâm hơn. Năm 2014, Bộ Công an cần xây dựng luật tạm giam, tạm giữ để minh bạch hơn trong hoạt động điều tra.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định oan sai, để lọt sót tội phạm, bức cung, nhục hình vẫn xảy ra đã gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Công an phải tìm mọi cách để giảm tối đa xu hướng đó. Khi có dư luận thì phải lập tức vào cuộc để mang lại niềm tin cho người dân.
Tội phạm ma túy có vũ trang lộng hành
Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết trên tuyến biên giới Việt - Lào, khu vực tỉnh Sơn La, Hòa Bình có nhiều nhóm người có vũ trang thường xuyên vận chuyển ma túy (từ 50-80 bánh heroin/ngày) vào sâu trong nội địa cho các đầu nậu khu vực Loóng Luông, Vân Hồ (Sơn La) và vùng phụ cận. Qua trinh sát phát hiện các đối tượng vẫn không chùn bước sau 2 chuyên án vừa qua của Bộ Công an. Các đối tượng này đang tập trung lực lượng, thậm chí trang bị hỏa lực mạnh hơn, sẵn sàng đối phó. Đáng chú ý các đối tượng có vũ trang đã vào sâu nội địa 40-45 km, tới tận xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ.
Bình luận (0)