Dự kiến, sáng 9-7, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao quyết định và giấy chứng nhận công nhận văn hóa chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động trong “Ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng” do UBND TP Cần Thơ tổ chức như một sự tôn vinh nét văn hóa đặc trưng của miền Tây sông nước.
Đặc trưng văn hóa sông nước
Theo học giả - nhà văn hóa miền Nam Vương Hồng Sển, Cái Răng có nguồn gốc từ tiếng Khmer “karan”, nghĩa là “cà ràng - ông táo” - thứ lò được nắn bằng đất của người Khmer. Trước đây, người Khmer ở Xà Tón (nay là huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) làm rất nhiều karan rồi chất đầy mui ghe lớn dọc theo sông Cái đến đậu nơi chợ Cái Răng hiện nay để bán. Năm này qua năm nọ, dần dần người dân địa phương phát âm karan thành Cái Răng và trở thành địa danh ngày nay.
Tài liệu nghiên cứu của TS Đào Ngọc Cảnh (Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường ĐH Cần Thơ) và cộng sự cho thấy chợ nổi Cái Răng được hình thành vào những năm đầu của thế kỷ XX, trước khi xuất hiện các chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng)… khi công cuộc đào kinh của Pháp hoàn thành năm 1915.
Theo soạn giả Nhâm Hùng (TP Cần Thơ), từ năm 1945-1975, chợ nổi Cái Răng và chợ nổi vùng ĐBSCL nói chung không sầm uất vì chính quyền thời bấy giờ không khuyến khích việc tụ tập ghe, tàu đông đúc ở thị tứ bởi khó kiểm soát về mặt an ninh. Mặt khác, do nhiều ruộng rẫy, vườn tược bị bom đạn tàn phá hoặc bỏ hoang nên nông sản ngày càng ít đi, các hoạt động mua bán trên sông thưa thớt. Từ sau năm 1975 và đặc biệt khi có chủ trương đổi mới của Đảng vào năm 1986, các hoạt động mua bán trên chợ nổi được khôi phục và phát triển nhanh do sản lượng hàng hóa nông sản nhiều, chủng loại phong phú.
Chợ nổi Cái Răng nằm trên trục đường thủy sông Hậu - kênh xáng Xà No nên rất thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán với các tỉnh lân cận và cả vùng ĐBSCL. Đây là lý do chợ nổi Cái Răng có quy mô lớn và sầm uất nhất so với các chợ nổi trong vùng .
Ngay từ khi mới hình thành, hàng trăm tàu ghe, ngang dọc ngày đêm mua bán, trao đổi hàng hóa trên chợ nổi Cái Răng. Có ghe hàng người Việt bán trái cây, rau củ; nhà bè của người Hoa bán tạp hóa; còn ghe thương hồ của người Khmer thì chở bán “cà ràng - ông táo” phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Cần Thơ. Các ghe chở hàng gia dụng, gốm sứ từ Biên Hòa, Sài Gòn, Lái Thiêu; các ghe chở lá lợp nhà, chiếu, than đước, cà ràng từ Cà Mau, Rạch Giá lên tụ họp đã giúp hoạt động buôn bán trên chợ nổi dần sung túc và góp phần hình thành mạng lưới các chợ nổi vùng ĐBSCL.
Nguy cơ bị “xóa sổ”
Cách đây vài chục năm, mật độ nhóm họp chợ nổi Cái Răng từ 500-600 tàu, ghe. Nhưng đến nay, theo khảo sát của Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, chợ nổi chỉ còn khoảng 350-400 tàu, ghe. Soạn giả Nhâm Hùng chia sẻ: “Nếu mỗi năm chợ nổi giảm 20-30 tàu, ghe thì đến năm 2035-2040, chợ nổi Cái Răng sẽ không còn”.
Hơn nữa, qua khảo sát khách du lịch đến với chợ nổi, họ cho rằng môi trường nước bị ô nhiễm do người dân trên ghe, tàu vô tư xả rác và phóng uế trước mặt du khách. Bên cạnh đó, tại chợ nổi có các dịch vụ như: ghe bán đồ ăn, nước uống, trái cây… nhưng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm và lây truyền các bệnh truyền nhiễm. Các trạm xăng, xưởng sửa máy trên sông… trở thành yếu tố hạn chế luồng lạch, gây mất an toàn giao thông thủy…
Trước thực trạng này, UBND quận Cái Răng đã giao Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ lập phương án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”. Trong tháng 4 vừa qua, Thành ủy TP Cần Thơ đã thông qua phương án “giữ nguyên hiện trạng, có sắp xếp, điều chỉnh lại chợ nổi”. Phương án này có tổng mức đầu tư 63 tỉ đồng sẽ lắp đặt các phao tiêu giới hạn ghe thuyền neo đậu, thành lập ban quản lý chợ nổi Cái Răng, xây dựng cầu tàu chợ nổi, nhà vệ sinh công cộng, du thuyền. Để có lượng hàng hóa lớn phục vụ du khách thì về lâu dài, quy hoạch địa điểm tập kết hàng hóa và các kho vựa với diện tích khoảng 5.000 m2. Đối với vấn đề rác thải trên sông, sẽ tổ chức dịch vụ thu gom hằng ngày, đồng thời bố trí một số thùng rác tại khu vực chợ nổi phục vụ du khách và thương hồ...
Ông Lê Hùng Dũng - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - rất tâm huyết trong việc bảo tồn chợ nổi Cái Răng. Để níu giữ thương hồ hoạt động trên chợ nổi, ông Dũng đã chỉ đạo quận Cái Răng phải miễn phí neo đậu trên sông cho các phương tiện; miễn giảm học phí cho con em các chủ phương tiện để họ yên tâm mua bán. Anh Lê Văn Nam, một thương hồ sống trên chợ nổi, nói: “Thương hồ ở chợ nổi vui mừng vì mình được đóng góp vào sự phát triển của TP. Bên cạnh đó, địa phương cũng tạo điều kiện như: cho vay vốn buôn bán, con em được miễn học phí…, giúp chúng tôi yên tâm để cùng giữ gìn nét văn hóa cho chợ nổi”.
6 tháng, trên 931.000 lượt khách lưu trú
Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, 6 tháng đầu năm nay, địa phương đã thu hút trên 931.000 lượt khách lưu trú, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khách quốc tế lưu trú trên 128.000 lượt, tăng 6% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm đạt gần 1.000 tỉ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Phần lớn du khách đến với Cần Thơ đều chọn tour tham quan sông nước, trong đó có chợ nổi Cái Răng.
Bình luận (0)