Đoạn bê tông này được ông Mai Văn Huế, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện Trường Sơn, cho biết là thi công tạm
Không trùng khớp
Theo ông Tuấn, ngày 16-10, chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Trường Sơn đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về tình hình tại công trình thủy điện Đakrông 3 trong đợt mưa lũ ngày 7-10. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết trước mắt, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ có công văn yêu cầu chủ đầu tư phải báo cáo lại tường tận quá trình thi công, tích nước, vận hành thử tổ máy phát điện, đặc biệt là xác định lại thời gian đập bị vỡ.
“Ngày 13-10, tôi đến làm việc thì đại diện chủ đầu tư khẳng định đập vỡ vào sáng 7-10 nhưng báo cáo lại nói rằng phía công ty cho phá đập vào trước đó 2 ngày là không trùng khớp” - ông Tuấn lý giải.
Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định rằng dù chủ đầu tư báo cáo lại thời điểm, nguyên nhân đập vỡ như thế nào thì sớm nhất vào cuối tuần này, muộn nhất vào đầu tuần sau, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ thành lập đoàn liên ngành kiểm tra công trình thủy điện Đakrông 3.
Việc lập đoàn liên ngành sẽ do Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và mời thêm chuyên viên bên ngoài ở các công ty chuyên kiểm định chất lượng đã được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này. “Chúng tôi phải mời thêm họ vì Sở Xây dựng hiện giờ chưa có trung tâm kiểm định chất lượng công trình xây dựng, cán bộ các phòng chức năng thiếu kinh nghiệm, thiếu phương tiện” - ông Tuấn giải thích.
Vỡ chứ không phải phá bỏ
Theo báo cáo của Công ty CP Thủy điện Trường Sơn gửi UBND tỉnh Quảng Trị, sau khi tích nước để kiểm tra độ an toàn đập thì công ty đã tiến hành tháo van phải cống dẫn dòng và phá bỏ khối bê tông dựng tạm vào ngày 5-10 chứ không phải là bị vỡ do nước lũ về mạnh.
Ngày 17-10, ông Mai Văn Huế, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện Trường Sơn, lại tiếp tục khẳng định với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề này. Ông Huế cho biết đây là đoạn tường bê tông xây tạm dày 1,5 m; cao 4 m và dài 25 m tại 2 khoang đập tràn dạng phím piano chưa hoàn thành. Việc xây bức tường tạm này vào khoảng ngày 9 và 10- 9 để tích nước.
Nếu UBND tỉnh Quảng Trị muốn kiểm tra chất lượng tại bức tường bị vỡ này thì sao? Ông Huế phân trần: “Tường tạm bỏ đi thì có gì mà kiểm tra, có cái gì đâu mà chất lượng. Nếu họ kiểm tra thì kiểm tra đập có chắc chắn không chứ kiểm tra gì cái đó. Nhưng chúng tôi sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng”.
Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn khẳng định rằng đây là vỡ đập chứ không thể do chủ đầu tư phá bỏ. Ông Tuấn phân tích: “Muốn phá đập thì phải dùng máy khoan cắt hoặc cho nổ mìn chứ máy xúc không thể làm được. Việc nổ mìn thì quá nguy hiểm còn dùng máy cắt thì tại hiện trường chẳng có dấu vết khoan cắt mà là vết đứt gãy do áp lực nước quá lớn”.
Là một kỹ sư ngành thủy lợi từng trực tiếp thi công nhiều đập thủy lợi, ông Tuấn khẳng định: “Ở bề mặt thân đập, đoạn đứt gãy do đổ bê tông không cẩn thận nên khe lạnh giữa các khối bê tông không đồng nhất, khối nọ chồng lên khối kia. Vì vậy, việc vỡ đập bắt đầu từ các khe lạnh này. Rất may là nó vỡ bây giờ chứ khi đã hoàn thành thi công rồi nước sẽ thấm qua các khe lạnh rất nguy hiểm. Ngoài ra, qua quan sát bằng mắt thường, tôi khẳng định bức tường này đổ bê tông dưới mác 250, chẳng qua chủ đầu tư muốn chối tội nên không nhận rằng đây là sự vỡ đập”.
Yêu cầu làm rõ trách nhiệm Liên quan đến sự cố vỡ đập thủy điện Đakrông 3, ngày 16-10, ông Mai Thức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đã gửi công văn yêu cầu chủ đầu tư tổ chức kiểm tra, làm rõ và xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sự cố; đền bù cho dân và khẩn cấp xây dựng phương án phòng chống lụt bão, an toàn đập trong mùa mưa lũ; đồng thời rà soát, hoàn thiện các hồ sơ về quy trình vận hành hồ chứa, các tổ máy phát điện. Công văn cũng yêu cầu Sở Công Thương kiểm tra sát sao Nhà máy Thủy điện Đakrông 3 khi đưa vào sử dụng và rà soát quy trình vận hành hồ chứa của tất cả các công trình thủy điện tại Quảng Trị. |
Bình luận (0)