Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, những vụ sạt lở nêu trên không gây thương vong về người nhưng khiến nhiều tài sản bị hư hại. Trong đó, vụ nghiêm trọng nhất xảy ra ở bờ trái Rạch Giồng - sông Kinh Lộ (huyện Nhà Bè) hôm 27-6 khiến 5 nhà dân bị ảnh hưởng.
Trong số 39 vị trí sạt lở được đánh giá đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm, Sở GTVT cho biết có 37 dự án đang được triển khai tại những vị trí này. Trong đó, 23 vị trí do các đơn vị trực thuộc Sở GTVT là Khu Quản lý đường thủy nội địa và Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư. Số còn lại do UBND các quận, huyện cùng một số đơn vị khác thực hiện.
Hiện trường vụ sạt lở ở bờ trái rạch Giồng - sông Kinh Lộ (huyện Nhà Bè) hôm 27-6 khiến 5 nhà dân bị ảnh hưởng
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở một số quận, huyện còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án xây bờ kè tại nhiều vị trí mang tính cấp bách. Đồng thời, việc san lấp, xây dựng trái phép lấn chiếm sông và trên hành lang bờ sông, kênh, rạch khiến dòng chảy bị thu hẹp, gia tăng tải trọng, tạo áp lực gây sạt lở, việc khai thác cát với quy mô lớn trên sông Sài Gòn, Đồng Nai,... và các vùng phụ cận cũng làm thay đổi chế độ dòng chảy, gây mất cân bằng bùn cát.
Trước đó, ngày 21-7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm đã có văn bản chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, khảo sát lại tất cả các vị trí có nguy cơ sạt lở cao và đề xuất giải pháp xử lý. Trong quá trình triển khai dự án và tổ chức di dời dân, nếu gặp vướng mắc, yêu cầu các đơn vị phải kiến nghị giải pháp, trong đó có đề xuất cơ chế thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và phải có báo cáo với UBND TP trước ngày 15-8.
Điểm sạt lở mới phát sinh ở ven rạch Tôm (huyện Nhà Bè) hôm 30-5
Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cũng chỉ đạo Sở GTVT làm việc với Khu Quản lý đường thủy nội địa rà soát chi tiết từng dự án trong tổng số 22 dự án mà đơn vị này đang triển khai. Đảm bảo trong năm 2017 phải hoàn thành tối thiểu 3 dự án và số còn lại hoàn thành trong năm 2018.
Văn bản cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở GTVT cùng một số đơn vị khác nghiên cứu các quy định để thực hiện những dự án có tính cấp bách theo cơ chế đặc thù để báo cáo lại UBND TP. Đồng thời, Sở Tài chính phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn để triển khai các dự án phòng chống sạt lở, trong đó có nguồn vốn thuộc Chương trình phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch giai đoạn 2016-2020 (trước mắt năm 2017 bổ sung thêm nguồn vốn cho chương trình này khoảng 20 tỉ đồng) và tạm ứng 10 tỉ đồng để triển khai thi công dự án Chống sạt lở bờ tả rạch Giồng - sông Kinh Lộ.
Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường khảo sát hiện trường các điểm sạt lở
Ngoài ra, Sở Tài chính cũng rà soát lại nguồn vốn thuộc Chương trình phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch để tham mưu, đề xuất trình UBND TP bổ sung thêm vốn cho chương trình này giai đoạn 2016-2020. Trước mắt, đảm bảo bố trí đủ vốn để thanh toán cho các công trình đang triển khai năm 2017.
Đối với UBND các quận, huyện có vị trí nguy cơ xảy ra sạt lở, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời dân để các chủ đầu tư sớm triển khai thi công dự án, không để tình trạng này kéo dài nhiều năm. "Địa bàn quận, huyện nào có các dự án xây dựng công trình khắc phục sạt lở, UBND quận, huyện phải tập trung đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho tất cả các chủ đầu tư trước ngày 1-1-2018 nhằm khẩn trương thi công hoàn thành dự án trong năm 2018" – văn bản nêu rõ.
Bình luận (0)