Với hơn 82% tổng số đại biểu (ĐB) tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2017 vào sáng 14-11. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 729.730 tỉ đồng, tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 482.450 tỉ đồng.
Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 902.030 tỉ đồng, trong đó dự toán 254.630 tỉ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. “Trong quá trình điều hành, bổ sung vốn đầu tư và các nguồn tài chính khác để hỗ trợ các địa phương trọng điểm thu có tỉ lệ điều tiết giảm trong giai đoạn 2017-2020, tạo điều kiện cho các địa phương này phát huy vai trò động lực kinh tế cho cả nước” - nghị quyết nêu.
Trước đó, tại báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết việc giảm tỉ lệ điều tiết để lại cho ngân sách địa phương sẽ không có động lực để địa phương phát triển. Song, UBTVQH cũng cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung của ngân sách nhà nước hiện nay, việc Chính phủ trình tăng tỉ lệ điều tiết thu nộp của một số tỉnh trọng điểm thu về ngân sách trung ương là phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng nguồn lực để chia sẻ với các địa phương còn nhiều khó khăn.
Việc xác định tỉ lệ điều tiết để lại cho ngân sách địa phương đã căn cứ trên tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước tính theo nguyên tắc tiêu chí, định mức mới trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 về chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, bảo đảm mặt bằng chung giữa các địa phương. Các định mức phân bổ đã có hệ số và mức ưu tiên cho các địa phương điều tiết về ngân sách trung ương, đã ưu tiên phân bổ thêm số chi tính theo dân số từ 30%-70%.
Riêng Hà Nội và TP HCM, do là đô thị đặc biệt nên còn được tăng cao hơn để xử lý các vấn đề về môi trường, bảo đảm an ninh trật tự cho dân số tại chỗ và dân số vãng lai... Theo tinh thần đó, QH đã chấp thuận phương án xác định tỉ lệ điều tiết giai đoạn 2017-2020 như phương án Chính phủ trình, tức là TP HCM được giữ lại 18% ngân sách (so với mức 23% trước đây), Hà Nội giữ lại 32% ngân sách (so với mức 42% trước đây).
Với TP HCM, nếu tính cả khoản bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách TP năm 2017 là 7.316 tỉ đồng để thực hiện các dự án công trình quan trọng thì tỉ lệ điều tiết của TP khoảng 22%. Đồng thời, nếu tính cả 10.000 tỉ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án chống ngập và 8.800 tỉ đồng cho 2 bệnh viện tuyến cuối tại TP HCM thì tổng mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương là khoảng 18.800 tỉ đồng cho TP HCM.
Chất vấn bộ trưởng Công Thương, Tài nguyên và Môi trường
Hôm nay (15-11), kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV sẽ bắt đầu chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, dự kiến kéo dài trong 2,5 ngày.
Buổi sáng, các ĐB tập trung chất vấn việc đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí; phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, quy hoạch các công trình thủy điện, thủy lợi và bảo đảm an toàn xả lũ trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ là tư lệnh ngành đầu tiên trả lời chất vấn.
Buổi chiều, QH sẽ chất vấn việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư. Việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường... Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sẽ trả lời chất vấn
Bình luận (0)