Cùng với người dân cả nước bắt đầu từ 7 giờ 30 ngày 12-10, Thành ủy TP HCM, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã trang trọng tổ chức lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội trường Thống Nhất TP HCM.
Tuy tới 7 giờ 30, Ban Tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới tổ chức đón các cơ quan, đơn vị và người dân vào viếng Đại tướng nhưng từ tờ mờ sáng, hàng ngàn người dân TP và các tỉnh thành phía Nam đã có mặt tại khu vực trước Hội trường Thống Nhất. Không ai bảo ai, mọi người lặng lẽ xếp hàng, chờ đến lượt mình viếng.
Hàng ngàn người đã đến từ rất sớm, xếp hàng chờ được vào viếng Đại tướng tại Hội trường Thống Nhất sáng 12-10. Ảnh: TẤN THẠNH
Đoàn viên thanh niên xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn đính băng tang lên áo trước khi viếng
Trong Hội trường Thống Nhất, Ban tổ chức lễ đã bố trí các màn hình lớn để người dân có thể theo dõi các hình ảnh được truyền hình trực tiếp từ Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Lê Thánh Tông, Hà Nội).
Nhiều thước phim tư liệu về Đại tướng cũng được trình chiếu. Bên trong hội trường, di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp được treo trang trọng dưới lá cờ tổ quốc.
Bên trong Hội trường Thống Nhất, mọi người kính cẩn đốt nén tâm nhang. Ảnh: TẤN THẠNH
Các em học sinh cũng đã có mặt từ rất sớm để viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TẤN THẠNH
Đúng 7 giờ 30, đoàn Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP HCM do ông Lê Hoàng Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM - dẫn đầu, đến viếng Đại tướng trước tiên. Sau đó, lần lượt các đoàn đại diện các cơ quan trung ương đóng tại TP HCM; đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố; Đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Hải quân; … dâng nén tâm hương lên Đại tướng.
Nhiều người đã không nén được xúc động. Tiếng nhạc tang vang lên càng làm cho không khí Hội trường Thống Nhất chùng xuống.
Ghi vào sổ tang, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM - viết: “Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Chúng tôi tâm nguyện sẽ tiếp tục sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của Bác Hồ, của nhân dân mà Đại tướng đã dày công, trọn đời, góp phần tạo dựng. Đại tướng của nhân dân sống mãi với non sông, đất nước, sống mãi trong lòng nhân dân TP HCM”.
Một người dân khóc ngất trước nỗi đau quá lớn khi đất nước vừa mất đi một vị tướng tài ba. Ảnh: TẤN THẠNH
Đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Trần Quốc Hương - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, người từng chỉ huy lực lượng tình báo Việt Nam - đã khóc ngất.
“Tôi biết anh Văn (bí danh Bác Hồ đặt cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp - PV) từ nhỏ. Hằng ngày, tôi cùng ăn, cùng uống với anh Văn, rất gần gũi, gắn bó. Lúc anh Văn bệnh, tôi thường xuyên vào thăm. Tôi biết sẽ có ngày anh Văn ra đi nhưng sao khi nghe tin tôi thấy bàng hoàng quá. Tim tôi đau thắt” - ông Hương nghẹn ngào.
Đoàn người xếp hàng chờ vào viếng đại tướng tại Hội trường Thống Nhất càng dài hơn trong sáng 12-10. Ảnh: TẤN THẠNH
Em Bùi Quang Kiên (7 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh) ghi sổ tang
9 giờ, dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng lúc càng đông. Bên ngoài dòng người xếp hàng tràn ra đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Trong Hội trường Thống Nhất chật kín người. Mỗi người một tâm trạng nhưng ai cũng có nỗi mất mát chung khi đến viếng Đại tướng.
11 giờ 15 phút, giữa trưa nắng, hai học sinh Vương Cẩm Như và Ngô Thị Thanh Trúc (lớp 11, Trường THPT Lê Hồng Phong) lặng lẽ dõi mắt về phía Hội trường Thống Nhất.
Trong bộ đồng phục thể dục, cả hai cùng đứng nghiêm người, trang trọng cúi đầu, tưởng niệm vị tướng của nhân dân - Võ Nguyên Giáp. Do bận học, các em không thể vào bên trong viếng Đại tướng nên thành kính cúi đầu từ phía ngoài.
Học sinh Vương Cẩm Như và Ngô Thị Thanh Trúc trang trọng cúi đầu tưởng niệm Đại tướng. Ảnh: TRÂM ANH
Đến 14 giờ, dòng người vẫn nườm nượt xếp hàng từ Công viên 30-4 kéo dài vào Hội trường Thống Nhất để viếng Đại tướng.
Bên trong hội trường, phòng ghi sổ tang cũng chật kín người, một số trang nhòe nước mắt khóc thương Đại tướng.
Một giảng viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng rơi nước mắt khi viếng
Theo báo cáo nhanh của UBND TP, đến đầu giờ chiều ngày 12-10, đã có 450 đoàn đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có 315 đoàn thuộc TP, 80 đoàn của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn TP, 30 đoàn các tỉnh thành khác và 25 đoàn ngoại giao. Tổng số người đến viếng là hơn 45.000 người.
Tự hào được gặp Đại tướng
Hòa vào dòng người đi viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS Phan Lương Cầm, phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, xúc động cho biết: "Trong lòng tôi tràn đầy nỗi tiếc thương. Biết là sự ra đi của bác là lẽ thường vì bác đã trên 100 tuổi nhưng vẫn không khỏi ngậm ngùi trước nỗi đau này. Bác là anh hùng dân tộc của đất nước, là vị tướng tài ba, huyền thoại của thế giới.
Phu nhân Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tôi thấy dòng người viếng ở 30 Hoàng Diệu, TP Hà Nội, cũng như ở đây, rõ ràng bác được nhân dân vô cùng yêu quý. Có lẽ sau khi Bác Hồ mất, chắc chỉ đến bác thôi mới được hàng triệu triệu người tôn kính và đến viếng như thế này.
Tôi nhớ lần kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đến phần anh Võ Văn Kiệt lên phát biểu, anh nói: “Điện Biên Phủ là sự đóng góp của toàn dân, nhưng nếu không có sự đóng góp của bác Giáp với những quyết định rất táo bạo thì không có được chiến thắng Điện Biên Phủ”. Khi anh Kiệt vừa dứt lời, cả hội trường đã đứng lên ào ào vỗ tay tán thành".
Nhắc về tướng Giáp, bà còn bồi hồi nhớ lại nhiều kỷ niệm, tình cảm với tướng Giáp và gia đình của ông, bà cũng nhớ nhất là lúc khi còn dạy ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đại tướng ở Trung ương, phụ trách khoa giáo, khi ông đến thăm trường vẫn mặc quân phục. Sinh viên reo hò vui mừng đón ông vì các em được thấy vị tướng huyền thoại không chỉ của đất nước. Ai cũng tự hào khi được gặp gỡ ông. |
Bình luận (0)