Theo bà Quyết Tâm, khi đi tiếp xúc cử tri ở TP HCM, nhiều bà con có đặt câu hỏi là bây giờ TP có hay không thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Một số đại biểu HĐND TP cũng đặt vấn đề là Nghị quyết của HĐND TP về việc thu loại phí này đã có rồi, bây giờ tiếp tục thực hiện như thế nào để đảm bảo đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn đặt ra.
Trước tình hình đó, Thường trực HĐND TP đã thảo luận về vấn đề này. Theo đó, Nghị định 18 của Chính phủ về việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đang còn hiệu lực. Mặc dù gần đây Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương đã có văn bản xin Thủ tướng cho tạm dừng thu loại phí này từ ngày 1-1-2016 và giao cho Bộ Giao thông và các bộ, ngành liên quan sửa đổi một số nội dung của Nghị định 18 theo hướng bỏ khoản phí.
“Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề nghị của Quỹ bảo trì đường bộ thôi còn Nghị định của Chính phủ vẫn đang có hiệu lực và HĐND các cấp, chính quyền các cấp phải tổ chức thực hiện theo Nghị định này. Pháp luật đã quy định như vậy rồi” – bà Tâm nói và khẳng định tại kỳ họp này, HĐND TP sẽ nghe ý kiến của các đại biểu phản ánh ý kiến của cử tri nhưng tinh thần là chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện Nghị định 18 là thực hiện thu phí xe máy.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ 18 khai mạc sáng 28-7
Nói về ý kiến cá nhân của mình, bà Tâm tâm sự: "Như tôi đã góp ý ở kỳ họp Quốc hội vừa rồi, đây là khoản phí mà chúng ta phải tính toán thật kỹ khi thu. Còn nếu thấy cần thiết phải thu thì phải tính làm sao cho phù hợp, đảm bảo sự công bằng, công khai và công tác hành thu phải thuận lợi; nhất là phải đảm bảo sử dụng quỹ hiệu quả, minh bạch".
Bà Tâm cũng cho rằng người dân sẽ chấp hành quy định của pháp luật. “Nếu có vấn đề gì không hợp lý thì chúng tôi sẽ lắng nghe và sẽ phản ảnh những ý kiến đó. Còn trách nhiệm thực hiện Nghị định 18 là trách nhiệm của các cấp chính quyền. HĐND TP không có quyền ra nghị quyết dừng thu phí sử dụng đường bộ và Nghị quyết 31 của HĐND TP cuối năm ngoái về việc thu phí vẫn còn hiệu lực” – bà Tâm nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 20-7, UBND TP HCM đã báo cáo Thường trực HĐND TP tình hình triển khai thực hiện thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy theo Nghị quyết 31 ngày 30-12-2014 như yêu cầu trước đó của HĐND TP.
Trong báo cáo, UBND TP cũng nêu rõ không ít khó khăn. Đó là do lần đầu tiên triển khai nên các địa phương chưa có kinh nghiệm và dự kiến sẽ phát sinh nhiều vướng mắc khi thực hiện. Số lượng xe thực tế khác nhiều so với hồ sơ quản lý của địa phương nên nguồn kinh phí thu được từ xe máy sẽ có sự chênh lệch với số liệu khái toán. Tỉ lệ thu được phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: sự tình nguyện của người dân trong việc tham gia đóng phí; hiệu quả từ công tác tuyên truyền, vận động của địa phương; phương thức tổ chức kê khai nộp phí của địa phương. Do đó, thực tế kinh phí thu được sẽ khó đạt như kế hoạch.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng UBND TP vẫn kiến nghị Thường trực HĐND TP đồng ý để UBND TP thực hiện đúng quy định của nhà nước, kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy và nghị quyết của HĐND TP về thu phí xe máy.
Theo số liệu thống kê, số xe máy đăng ký ở TP tính đến hết năm 2014 là 6.853.485 xe. Như vậy, nếu thu được từ các xe đã thống kê, kinh phí dự kiến thu vào khoảng 307 tỉ đồng/năm; trong đó, chi phí để lại cho đơn vị thu là 35,9 tỉ đồng, kinh phí thực hiện công tác bảo trì đường bộ là 271,1 tỉ đồng.
Bình luận (0)