Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít người, kể cả những người có cương vị và trách nhiệm cao, còn quá coi nhẹ công tác ĐTM và cho đó là thủ tục, hình thức không cần thiết, thậm chí muốn bãi bỏ. Cũng có một số tỏ ra coi trọng ĐTM nhưng chỉ là coi trọng một cách hình thức.
Hiện tại, việc xảy ra sự cố rò rỉ nước tại đập thủy điện Sông Tranh 2, xảy ra các vụ động đất xung quanh khu vực này đang gây xôn xao dư luận và sự tranh cãi rằng đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, của chủ dự án về đánh giá rủi ro hay trách nhiệm của cơ quan về ĐTM... Ở góc độ nào đó, đây là sự xem nhẹ quá trình ĐTM của dự án.
Ngoài ra, đối với các dự án đầu tư trong nước, các chủ đầu tư mới bỏ ra từ dăm bảy chục triệu đến dăm bảy trăm triệu đồng để lập báo cáo ĐTM của một dự án, với dự án nước ngoài có khá hơn nhưng cũng chỉ từ 1 đến 2 tỉ đồng. Trong khi đó, mức kinh phí cho ĐTM của đa số các nước khác trên thế giới thường từ 1 đến 4 triệu USD cho một dự án.
Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, kinh nghiệm quốc tế trong nhiều thập kỷ qua cho thấy lợi ích của ĐTM là rất lớn. Nếu không chịu bỏ ra một khoản chi phí nhất định và cần thiết cho công tác ĐTM ở giai đoạn xây dựng dự án để thấy trước được những tác động xấu, nhất là các tác động đảo ngược, có thể xảy ra và chủ động có biện pháp phòng ngừa, ứng phó ngay từ đầu thì có thể sẽ phải tốn kém rất nhiều tiền của để khắc phục những hậu quả xảy ra do tác động xấu, thậm chí là không thể khắc phục được cho dù có bao nhiêu tiền của đi chăng nữa.
Bình luận (0)