Nhiều ngày qua, hàng trăm tài xế liên tục có phản ứng khi đi qua trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vì cho rằng trạm này đặt sai vị trí, xe không đi vào đường tránh nhưng vẫn bị thu tiền.
Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang, cho biết đã báo cáo những bức xúc của tài xế về UBND tỉnh. Dự kiến Bộ GTVT sẽ về Tiền Giang để giải quyết những vấn đề nóng của trạm thu phí này.
Có mặt tại trạm thu phí Cai Lậy vào sáng 10-8, một trung tá CSGT nói: "Chúng tôi điều lực lượng tới đây là để giữ trật tự chứ không phải để… bảo vệ trạm thu phí. Bởi vì trạm thu phí đã đặt sai chỗ và không chỉ người dân mà chúng tôi cũng không đồng tình". Theo vị CSGT trên, trước hết cần khẳng định việc xây dựng tuyến đường tránh là cần thiết, nhằm giải tỏa áp lực quá tải tại ngã tư Cai Lậy. Nhưng, nếu như tuyến tránh chỉ lưu thông và thu phí một chiều từ hướng miền Tây về TP HCM (vì mặt đường rộng chỉ 12 m) và trạm thu phí được đặt ngay trên tuyến tránh thì có lẽ đã không vấp phải sự phản đối.
Thay vì chỉ thu phí đối với các phương tiện đi qua đường tránh, nhưng vì trạm thu phí đặt trên Quốc lộ (QL) 1 nên tất cả các loại phương tiện đi từ các tỉnh miền Tây về TP HCM và ngược lại đều phải nộp phí với giá quá cao, cho dù họ không có sử dụng đường tránh. Ông Trần Văn Bon nói: "Theo quan điểm cá nhân tôi thì giá thu phí ở trạm này là cao. Tôi cũng báo cáo toàn bộ những bức xúc của người dân và tài xế về UBND tỉnh. Nhưng Bộ GTVT và Bộ Tài chính quyết được chứ cấp sở không quyết được".
Phản đối trạm thu phí Cai Lậy bất hợp lý, nhiều tài xế cho xe vào huyện lộ để tránh qua trạm
Với lưu lượng trung bình hơn 50.000 lượt ô tô các loại lưu thông trên QL1 qua địa phận Tiền Giang mỗi ngày đêm, nếu lấy mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt (ô tô dưới 12 chỗ ngồi) thì mỗi ngày trạm thu phí sẽ thu được ít nhất là 1,75 tỉ đồng. Với thời gian được phép thu phí là 6 năm 4 tháng thì chủ đầu tư sẽ thu được ít nhất hơn 4.000 tỉ đồng. Trong khi tổng đầu tư cho tuyến đường tránh này chỉ 1.400 tỉ đồng. Giới tài xế cũng cho rằng với tuyến đường dài chỉ 12 km (2 làn xe) nhưng mức thu phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt là quá cao. Thử so sánh với tuyến cao tốc Trung Lương - TP HCM, dài 40 km (6 làn xe), mức thu phí tương ứng chỉ 40.000 đồng/lượt.
Trước đó, ngày 12-7, khi trạm thu phí chuẩn bị hoạt động, Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang, chủ đầu tư trạm thu phí, đã có văn bản gửi UBND huyện Cai Lậy, đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp hạn chế các phương tiện đi vào 2 tuyến Huyện lộ 63 và 67. Nguyên do các xe đi vào đường này để tránh trạm thu phí bất hợp lý. Tuy nhiên, UBND huyện Cai Lậy đã không đồng tình với đề xuất này.
Một số CSGT nơi đây cho biết 2 tuyến đường trên đã có từ rất lâu, trước khi có tuyến đường tránh. "Người dân nộp thuế, nhà nước làm đường, đường không cấm, dân có quyền đi, sao có thể hạn chế, xử phạt theo yêu cầu của nhà đầu tư được. Chúng tôi cũng không thể xử phạt xe chạy sai tuyến, vì giấy phép lưu hành, lệnh điều động xe chỉ ghi nơi đi và đến chớ đâu có bắt buộc phải đi theo tuyến đường nào" - một CSGT nói.
Dừng thu phí tại trạm Tào Xuyên
Ngày 10-8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tạm dừng thu phí tại Trạm thu phí Tào Xuyên (thuộc dự án BOT xây dựng QL1A đoạn tránh TP Thanh Hóa). Lý do dừng là trạm này đã thu hồi quá số vốn đầu tư dự án đường tránh TP Thanh Hóa.
Tổng mức đầu tư của dự án này là 822 tỉ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến 27 năm 8 tháng, thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư kéo dài thêm 3 năm. Tuy nhiên, dự án đã có những thay đổi: Tổng mức đầu tư giảm 36 tỉ đồng, lượng phương tiện qua trạm cao hơn dự kiến do dời trạm thu phí từ phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) ra Dốc Xây (thị xã Bỉm Sơn), nơi có lưu lượng xe cao hơn. Bộ GTVT nhận định do những chỉ tiêu đầu vào để tính phương án tài chính thay đổi dẫn đến thời gian thu hoàn vốn của dự án giảm xuống còn 7 năm 2 tháng. Tính đến ngày 31-7, nhà đầu tư đã thu lợi nhuận được hơn 1 năm và đã lớn hơn số cao nhất so với các phương án đàm phán mức lợi nhuận đã đưa ra trước đó.
Bình luận (0)