xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Trăm dâu” đổ... biển

Bích Vân - Kỳ Nam

Tại một số tỉnh, thành trên cả nước, tình trạng xả các chất thải chưa qua xử lý ra biển đang ngày càng nhiều, gây những hệ lụy nguy hiểm cho con người và môi sinh

Bãi biển Đà Nẵng chạy dọc đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê đến quận Liên Chiểu) hiện có 29 cống xả thải. Đây là các cống đưa nước thải sinh hoạt từ những khu dân cư và một số cơ sở sản xuất ra biển.

Ai cũng xót

“Nước thải ở đây không hề qua xử lý, toàn màu đen, bốc mùi hôi thối khó chịu. Những ngày nắng thì nước thải đổ ra ít nhưng mưa xuống là chảy ào ào ra biển khiến nước biển đen ngòm” - anh Trần Lê Văn (ngụ phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) nói.

Đặc biệt, cống xả thải tại sông Phú Lộc từ nhiều năm qua đã trở thành điểm đen về môi trường của TP Đà Nẵng. Nước thải ở đây rất thối. Người dân sống gần đó chịu không nổi nên nhiều lần viết thư gửi các cơ quan chức năng nhưng vấn đề ô nhiễm vẫn chưa được xử lý.

“Nghe chính quyền nói là nước đã qua xử lý ở Trạm Xử lý nước thải Phú Lộc. Xử lý rồi, tốn tiền rồi mà đổ ra thứ nước này thì đừng làm còn hơn. Tình trạng này mà kéo dài thì chỉ vài năm nữa, nước biển Đà Nẵng ở khu vực dọc đường Nguyễn Tất Thành sẽ trở thành nước thải thôi” - một người dân buôn bán trên đường Nguyễn Tất Thành bức xúc.

Biển Mỹ Khê (quận Sơn Trà) từng được một tạp chí uy tín về du lịch ở Mỹ bình chọn có bãi biển đẹp nhất thế giới cũng đang trong tình trạng tương tự khi trở thành “bể chứa” nước thải dân sinh. Dọc biển Mỹ Khê có 16 cống xả nước thải. Mỗi khi trời mưa, nước từ cống đổ ra xé toạc bãi biển thành từng mảng nhỏ. “Nhìn bãi biển nham nhở ai cũng xót. Nước thải thì đen ngòm. Chúng tôi phải dùng các dụng cụ để san bằng lại bãi biển, rất mất thời gian” - một nhân viên Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và bãi biển Đà Nẵng chia sẻ.

Theo thống kê của Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, hiện có 45 cống nước thải từ khu dân cư đổ ra các bãi biển Đà Nẵng và phần lớn chưa được xử lý hoặc chỉ xử lý một phần. Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng, cho biết hệ thống xử lý nước thải của Đà Nẵng hiện quá cũ và công ty đã phải áp dụng nhiều biện pháp tạm thời như gạt lại cát ở các cống xả, phun hóa chất khử mùi…

Người đổ bệnh, cá chết

Tại tỉnh Khánh Hòa, quanh cảng cá Vĩnh Lương (thôn Văn Đăng, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang), mặt nước luôn đen ngòm và mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Tại đây, một dòng kênh đen sì mang theo rác thải sinh hoạt xả thẳng ra biển. Toàn bộ nước cá chết hôi thối từ cảng cũng đổ xuống biển. Ông Nguyễn Nam, người dân thôn Văn Đăng, bức xúc: “Khi thủy triều rút, cả khu vực bốc mùi hôi thối khiến người dân đau đầu, nhức mũi”.

Ông Đỗ Trung Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý - Khai thác các công trình thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết trung tâm này đã cùng các sở, ngành liên quan cử đoàn tìm hiểu nguyên nhân. Qua kiểm tra cho thấy việc hôi thối là do nguồn nước thải dồn từ các khu dân cư và khu vực xung quanh cảng cá Vĩnh Lương có những hoạt động chế biến, xử lý thủy sản xả thẳng chất thải ô nhiễm qua các cống ra vùng biển phía Nam cảng này.

Theo UBND xã Vĩnh Lương, mới đây, khoảng 240 lồng bè nuôi cá bớp của các hộ dân ở thôn Văn Đăng có dấu hiệu bệnh dịch, chết hàng loạt, ước tính thiệt hại hàng tỉ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã cử đoàn thu 2 mẫu cá và 4 mẫu nước phân tích. Kết quả cho thấy cá nuôi bị nhiễm khuẩn Vibrio alginolyticus (một loại vi khuẩn kỵ khí), mẫu cấy có vết vi khuẩn dày đặc. Ông Võ Khắc En, Phó Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết cá ở đây chết là do tác động ô nhiễm môi trường biển. Khi gặp thời tiết phù hợp, vi khuẩn Vibrio bốc lên từ đáy biển, kết hợp với vệ sinh lồng bè kém đã gây ra hiện tượng ngộp khí ôxy.

Nhiều người dân xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa điêu đứng vì tình trạng ô nhiễm biển làm chết cá nuôiẢnh: Kỳ Nam
Nhiều người dân xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa điêu đứng vì tình trạng ô nhiễm biển làm chết cá nuôiẢnh: Kỳ Nam

Bể hứng bất đắc dĩ

Theo ông Mai Mã, hiện Đà Nẵng có 4 trạm xử lý nước thải (gồm trạm Phú Lộc, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Cường) với tổng công suất 100.000 m3/ngày. Do sử dụng công nghệ lạc hậu, nước thải đã qua xử lý vẫn không đủ tiêu chuẩn để xả ra môi trường, bốc mùi hôi thối.

Ông Phan Quang Khương, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quận Thanh Khê, thông tin dọc bãi biển Nguyễn Tất Thành có tổng cộng 29 cống xả thải. “Nước thải đổ ra biển mặc dù đã được xử lý nhưng chưa đúng chuẩn và biển Đà Nẵng trở thành bể hứng bất đắc dĩ. Người dân tắm ở biển đa phần bị nổi mẩn ngứa do nước quá ô nhiễm, bản thân tôi cũng bị vậy rồi” - ông Khương nói.

Theo ông Mai Mã, biển Mỹ Khê có 16 cửa xả làm nhiệm vụ thu gom nước mưa để xử lý. Khi trời mưa lớn, nước thải theo mưa tràn ra biển bốc mùi hôi không chịu nổi. Trong khi đó, hệ thống cửa xả nước thải của TP Đà Nẵng đã xuống cấp nghiêm trọng, các trạm bơm cũng quá tải nên không xử lý tốt được.

Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, thừa nhận việc xả nước thải ra biển tồn tại nhiều năm qua ở Đà Nẵng, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và du lịch. “Các cửa xả hiện nay thiết kế không hợp lý, xả thải trực tiếp ra ngay trên bãi biển. Sở TN-MT đang nghiên cứu cùng Sở Xây dựng tìm kiếm thiết kế hệ thống xả phù hợp để bảo đảm về mặt mỹ quan” - ông Nam cho hay.

Chỉ cơ quan chuyên môn mới biết?

Ngày 8-9, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An bắt tàu mang số hiệu LA 03266 của Công ty TNHH Hiệp Thành (TP HCM), do ông Huỳnh Sâm Rai (SN 1982, ngụ tỉnh Kiên Giang) làm tàu trưởng, đang đổ trộm 600 tấn chất thải là bùn đất xuống vùng biển giáp ranh 2 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An. Ông Trần Chí Thanh, Phó Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa, cho biết tàu này đang thực hiện nạo nét 600 m luồng lạch với khối lượng 2,1 triệu m3 bùn đất, sau đó chở ra khu vực sát bờ biển giáp ranh giữa tỉnh Thanh Hóa với tỉnh Nghệ An để đổ. Đây là khu vực được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt và cấp phép cho Công ty CP Gang thép Nghi Sơn đổ chất thải (bùn, đất) để làm cảng container. Bùn đất này có nguy hại hay không, phải cơ quan chuyên môn mới biết.

Trong lúc đó, ông Nguyễn Hữu Tuy - Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An - khẳng định việc chở bùn thải từ Thanh Hóa sang vùng biển Nghệ An là trái phép. Việc làm trên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên biển.

T.Minh - Đ.Ngọc

Xây kè sông Cái để thu gom nước thải

Tại trung tâm TP Nha Trang, việc xử lý các chất thải đổ thẳng ra biển đang được chính quyền quan tâm. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của dự án Cải thiện vệ sinh môi trường phía Nam TP Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đang tiếp tục làm việc với Ngân hàng Thế giới để thẩm định đề xuất giai đoạn 2 của dự án triển khai tại phía Bắc TP với tổng vốn khoảng 72 triệu USD. Dự án sẽ xây bờ kè ven sông Cái để thu gom nước thải, tránh đổ ra cửa biển dài khoảng 2 km; ngoài ra, còn có hệ thống nhà máy xử lý nước thải, xử lý chất thải sinh hoạt… Dự kiến quý I/2017, giai đoạn 2 sẽ bắt đầu thực hiện và kết thúc vào năm 2022.K.Nam

Xả nước thử áp lực trực tiếp ra môi trường

Ông Lê Văn Bình - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa - cho biết Bộ TN-MT vừa có kết luận kiểm tra việc trong tháng 6, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn xả thải ra biển trong quá trình súc rửa đường ống dẫn dầu thô từ phao rót dầu cách bờ biển 35 km.

Cụ thể, 15 giờ ngày 9-6, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn bắt đầu xả thải trực tiếp ra biển, đến 17 giờ ngày 11-6 mới dừng lại theo yêu cầu từ đoàn kiểm tra của Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa. Tổng lượng nước thải từ quá trình súc rửa đường ống là 75.100 m3, đã xả trực tiếp ra biển hơn 42.000 m3, còn lại khoảng 33.000 m3 trong đường ống.

Trong quá trình súc rửa vào thử áp lực với đường ống tiếp nhận dầu ngoài khơi, công ty này có hòa thêm hóa chất, gồm 31.708 lít hydrosure (O - 3670R) và 1.588 lít chất tạo màu (CH2Na3O4). Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt thì nước thử áp lực không được thải trực tiếp ra môi trường mà phải xử lý bằng cách tách cặn dầu mỡ và xử lý hóa chất bằng cách bơm chất trung hòa vào đường ống nước trước khi bơm xả ra môi trường. “Việc súc rửa đường ống, xả thải ra môi trường khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là trái quy định. Sau khi nhận thông tin, chúng tôi đã yêu cầu họ dừng ngay việc xả thải, khối lượng nước thải còn lại đã được bơm ngược trở lại nhà máy để xử lý và chỉ được phép xả khi có sự chấp thuận của Bộ TN-MT” - ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, công ty này có một đường ống xả thải ngầm nối từ nhà máy ra biển, dài 2 km, cách mặt nước 11 m. “Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã yêu cầu Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn xây dựng một hồ điều hòa trong nhà máy, tất cả nước thải của nhà máy phải qua hồ này rồi mới được xả ra môi trường” - ông Bình khẳng định.

Th.Tuấn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo