Ngày 16-8, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và một số cơ quan về những vướng mắc trong việc thu phí tại Trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).
Giá vé giảm mạnh sau kiến nghị
Theo thông cáo báo chí được Bộ GTVT phát đi vào chiều cùng ngày, trên cơ sở rà soát việc thu giá dịch vụ và kiến nghị của đại diện UBND tỉnh Tiền Giang tại Trạm BOT Cai Lậy, các bên tham dự cuộc họp đã thống nhất giảm giá dịch vụ cho tất cả phương tiện qua trạm.
Cụ thể, các phương tiện thuộc nhóm 1: xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng, giảm từ 35.000 đồng/lượt còn 25.000 đồng/lượt. Nhóm 2: xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế và xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn, giảm từ 50.000 đồng/lượt còn 35.000 đồng/lượt. Nhóm 3: xe từ 31 ghế ngồi trở lên và xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn, giảm từ 60.000 đồng/lượt còn 40.000 đồng/lượt. Nhóm 4: xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet, giảm từ 100.000 đồng/lượt còn 70.000 đồng/lượt. Nhóm 5: xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet, giảm từ 180.000 đồng/lượt còn 140.000 đồng/lượt.
Trạm thu phí Cai Lậy đặt tại Quốc lộ 1 gặp phải sự phản đối của nhiều tài xế Ảnh: LÊ PHONG
Mức giảm đối với 5 nhóm xe nêu trên được áp dụng từ ngày 21-8-2017.
Cuộc họp giữa các bên cũng đã đưa ra quyết định giảm tối đa (100%) giá dịch vụ cho các phương tiện thuộc nhóm 1 và nhóm 2 của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú tại các xã: Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy (không kinh doanh vận tải); giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã nói trên và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang. Thời gian áp dụng trước ngày 10-9-2017.
"Việc của chúng tôi là thu phí"
Trước thông tin sẽ giảm giá thu phí trạm BOT Cai Lậy, rất nhiều tài xế vẫn bày tỏ sự phản đối. Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM, cho rằng việc giảm giá vé không "hạ nhiệt" bớt tình hình căng thẳng của các doanh nghiệp vận tải cũng như tài xế.
"Các cơ quan nhà nước phải nhìn rõ lý do tại sao tài xế phản đối. Họ không đồng tình vị trí của trạm thu phí, dù không đi đường tránh nhưng vẫn phải mua vé. Một xe tải mỗi năm đóng mười mấy triệu đồng phí bảo trì đường bộ. Nâng cấp Quốc lộ 1 sao không sử dụng phí đó mà phải dùng BOT?" - ông Quản nêu.
Cùng chung quan điểm, ông Quân Trường Anh, một doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng, cho biết: "Tôi và rất nhiều tài xế không đồng tình giải pháp giảm giá vé. Điều tài xế mong muốn là phải dời trạm thu phí vào tuyến tránh".
Phản hồi các ý kiến trên, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH BOT Cai Lậy (chủ đầu tư dự án), vẫn giữ quan điểm không di dời trạm đến vị trí mới. Ông Hiệp khẳng định: "Bộ (Bộ GTVT - PV) chỉ đạo thì chúng tôi thực hiện. Tài xế phản đối là việc của họ, còn việc của chúng tôi là thu phí".
Khó di dời
Phóng viên: Thưa ông, sau khi miễn, giảm giá vé thì liệu có kéo dài thời gian thu phí?
- Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT: Giảm giá vé như vậy thì chắc chắn phải tính đến phương án tài chính của dự án. Việc tính toán này mất rất nhiều thời gian, tác động đến cả dự án nên bây giờ chưa thể tính được.
Việc giảm giá vé này theo quy định của pháp luật hay do sức ép dư luận?
- Phải theo quy định của pháp luật, chứ sao theo sức ép của dư luận được. Mọi thứ phải trên cơ sở quy định pháp luật, cùng với lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp để xử lý.
Nhưng hôm trước, ông cho rằng không thể giảm phí?
- Không phải như vậy. Tôi nói thứ nhất là phải tuân thủ theo quy định của pháp luật; tiếp đó là bộ, địa phương và doanh nghiệp sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến đề xuất của người dân. Ý kiến đề xuất nào hợp lý sẽ được xem xét, xử lý theo lộ trình.
Liệu vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy có thay đổi?
- Theo tôi là rất khó. Hiện trên toàn quốc có 8 tuyến tránh, vị trí các trạm BOT đều đặt trên QL1. Theo quy hoạch, các tuyến tránh này, cái thì được Bộ GTVT phê duyệt, cái thì Thủ tướng phê duyệt. Nếu thay đổi thì phải thay đổi tất cả 8 tuyến tránh. Khó là như vậy.
Văn Duẩn thực hiện
Bình luận (0)