* Phóng viên: Từ hôm nay, 5-5, ông sẽ chính thức nghỉ hưu. Còn nhớ ngày 21-4-2009, khi là Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng được bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, ông từng nhấn mạnh: Không chỉ thế hệ này mà cả thế hệ kế tiếp, chúng ta phải đòi cho được Hoàng Sa bằng công lý, bằng luật pháp quốc tế…
- Ông Đặng Công Ngữ: Dù điều kiện hết sức khó khăn - như tiếng là chủ tịch một huyện nhưng chỉ có một “lính” là chánh văn phòng UBND huyện - nhưng chúng tôi đã cố gắng dốc sức hết cho Hoàng Sa.
Đầu tiên là bắt tay sưu tầm tài liệu, tìm nhân chứng sống để khẳng định Hoàng Sa là huyện đảo của Đà Nẵng, của đất mẹ Việt Nam. Đến nay, chúng tôi đã sưu tầm, tập hợp được hàng trăm tư liệu, vật chứng, nhân chứng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa. Sau khi có được kho tư liệu quý này, hằng năm, UBND huyện Hoàng Sa phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng cùng các bộ - ngành tổ chức triển lãm, hội thảo chuyên đề về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa cũng như các vấn đề liên quan về Trường Sa và biển Đông; gặp gỡ nhân chứng và tọa đàm truyền hình. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức triển lãm về Hoàng Sa tại các trường ĐH ở Đà Nẵng để giáo dục giới trẻ, có cả sinh viên Trung Quốc đến tham dự.
Ngoài ra, UBND huyện đảo Hoàng Sa cũng đã khai trương trang thông tin điện tử của huyện ở địa chỉ: http://hoangsa.danang.gov.vn. Đặc biệt, cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa được tái bản đã góp phần rất lớn trong việc khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam...
* Trong thời gian đương chức chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, hẳn ông có nhiều kỷ niệm khó quên?
- Niềm vui cũng rất nhiều, nhất là mỗi khi tìm được một vật chứng về Hoàng Sa là tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Tổ chức được những cuộc triển lãm, trưng bày về Hoàng Sa và được nhiều người hưởng ứng cũng là một niềm vui lớn.
Tuy nhiên, tôi cũng có nhiều nỗi buồn bởi làm chủ tịch nhưng nhiều câu hỏi về Hoàng Sa mà mình không trả lời được. Nhiều người hỏi tôi là làm chủ tịch mà đã đi Hoàng Sa chưa? Hoàng Sa giờ như thế nào? Những câu hỏi này làm tim mình nhói đau bởi làm sao ra được đó khi Hoàng Sa vẫn còn bị chiếm đóng. Làm sao tôi có thể trả lời được các câu hỏi ấy?...
* Vậy trước khi về hưu, ông còn trăn trở và mong muốn điều gì về Hoàng Sa?
- Từ thời Nguyễn, cha ông ta đã vượt qua mọi khó khăn khắc nghiệt, dù phải dùng thuyền nan nhưng vẫn đến Hoàng Sa để khai phá, đánh bắt và bảo vệ chủ quyền đã xác lập. Tôi nghĩ cha ông ta đã làm những việc vĩ đại và để lại di sản cho đời sau. Nhưng thế hệ trước ta và chúng ta đã không giữ được và cho đến bây giờ, chúng ta cũng chưa làm được gì nhiều. Đó là điều tôi trăn trở nhất.
Khi còn làm chủ tịch huyện đảo, nhiều lần tôi có ý kiến những vấn đề liên quan đến Hoàng Sa nên tập trung về đầu mối huyện Hoàng Sa để nắm bắt, giải quyết kịp thời. Chẳng hạn hiện nay, việc ngư dân đánh bắt hải sản gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa thì từng địa phương nắm thông tin, rồi mạnh ai nấy làm, trong khi ngư trường đánh bắt nằm trên huyện Hoàng Sa.
Vì vậy, cần tập trung nguồn thông tin về huyện đảo Hoàng Sa để nắm bắt, hỗ trợ kịp thời cũng như huyện đảo Hoàng Sa ra phản ứng khi tàu đánh cá trên vùng biển này của ta bị tàu nước ngoài gây rối. Vì vậy, tôi mong người kế nhiệm sẽ tiếp tục thực hiện nguyện vọng này.
* Ông có kinh nghiệm gì để truyền đạt lại cho người kế nhiệm?
- Tôi nghĩ bất kỳ ai làm chức vụ gì cũng cần cái tâm và cái tầm nhưng làm chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa còn phải xuất phát từ trái tim, phải thực sự coi Tổ quốc là trên hết, có như vậy mới hoàn thành nhiệm vụ. Bởi thực tế hiện nay, nếu giữ chức tịch UBND huyện Hoàng Sa mà làm theo nhiệm vụ, quyền hạn của một công chức thì không có nhiều việc để làm vì cái gì cũng thiếu. Mình quản lý lãnh thổ, quản lý dân nhưng hiện thời như vậy thì rất khó.
Tuy nhiên, đòi lại chủ quyền đối với Hoàng Sa là cuộc đấu tranh đầy cam go, phức tạp và lâu dài từ thế hệ này đến thế hệ khác. Dù sao thì mình phải luôn luôn ghi nhớ rằng Hoàng Sa không thể tách rời khỏi Việt Nam.
Bình luận (0)