Mở đầu, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng ngoài Quốc hội (QH) thì Thủ tướng Chính phủ cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân như dự luật Trưng cầu ý dân đề xuất. Lý do bà Tâm đưa ra là có những vấn đề Thủ tướng thấy cần nhưng chưa chắc Chính phủ ủng hộ nên có vai trò của Thủ tướng được đề nghị vấn đề được trưng cầu ý dân.
Phản bác, ĐB Trần Du Lịch đánh giá việc quy định như vậy là Luật Trưng cầu ý dân đang bổ sung cho Hiến pháp.
“Khoản 15, điều 70 của Hiến pháp quy định chỉ có QH quyết định trưng cầu dân ý. Đây là chuyện của QH, chứ nới rộng ông này ông kia rồi lại cãi nhau, không thể làm luật trên Hiến pháp. Luật tự chế định ra Thủ tướng hay Chủ tịch nước như vậy là không được, như vậy là vi hiến” - ông Lịch phân tích.
Từ trái sang: ĐB Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trần Du Lịch tại phiên thảo luận tổ
Khi ĐB Lịch vừa dứt lời, ĐB Trương Trọng Nghĩa có ý kiến ngay. Ông Nghĩa nói không đồng tình với lập luận của ĐB Lịch. Theo ông Nghĩa, quy định như vậy không có gì sai Hiến pháp vì cuối cùng QH vẫn quyết.
Củng cố thêm quan điểm của ĐB Nghĩa, ĐB Tâm khẳng định quy định Thủ tướng có quyền được đề nghị trưng cầu ý dân không có gì mà vi phạm vi hiến hết. Cơ quan nào, chức danh nào trong xã hội, hệ thống chính trị có quyền đề nghị còn quyết định cuối cùng thuộc về QH nên vẫn đúng Hiến pháp.
Trước đó, nhiều ĐB cho rằng dự luật quy định nội dung trưng cầu ý dân còn chung chung, khó thực thiện trong thực tế.
Bình luận (0)