Sáng 28-5, Quốc hội (QH) đã nghe Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền trình bày Tờ trình dự án Luật trưng cầu ý dân.
Theo ông Quyền, trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc là một trong những tư tưởng được thể hiện rõ trong truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, trong Tư tưởng Hồ Chí Minh và trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Trong những năm vừa qua, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được phổ biến và thực hiện ngày càng rộng rãi trong cuộc sống. “Luật Trưng cầu ý dân sẽ phát huy giá trị tư tưởng và truyền thống đó, tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực, đông đảo và quyết định vào các công việc của Nhà nước” – ông Quyền nêu.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cũng cho hay đã có 167 trong số 214 quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, việc ban hành Luật trưng cầu ý dân là cần thiết.
Là đơn vị thẩm tra dự án Luật trưng cầu ý dân, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật trưng cầu ý dân nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về nội dung đưa ra trưng cầu ý dân, ông Phan Trung Lý đánh giá có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong tham gia vào các công việc của Nhà nước. Tuy nhiên, ông Lý nói khó quy định cụ thể trong luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, việc xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân phụ thuộc vào yêu cầu và điều kiện hoàn cảnh tại từng thời điểm nhất định. Do đó, trong Luật nên quy định một cách khái quát, mang tính nguyên tắc những vấn đề có thể được đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân. Theo đó, những vấn đề đề nghị QH quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của QH nhưng QH tôn trọng dân quyết định.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa những việc mà QH có thể quyết định trưng cầu ý dân, tránh quy định chung chung, khó cho việc thực hiện sau này.
Bình luận (0)