Sáng 30-5, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách TP tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016. Câu chuyện bất an trước tình hình trộm cướp tiếp tục được ông Phong đề cập và đem ra mổ xẻ.
Quyết “săn” cướp
Mở đầu phát biểu của mình liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn, ông Phong lo lắng: “Sáng nay, tôi thấy báo chí giật tít “Sài Gòn bất an do trộm cướp”. Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ cướp giật có tính chất manh động, côn đồ khiến người dân thật sự lo lắng, bất an”.
Trước lo lắng của ông Phong, trung tá Nguyễn Quang Thắng, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết hằng năm, Công an TP đều có dự báo đánh giá tình hình và tham mưu cho Thành ủy và UBND TP các giải pháp để trấn áp tội phạm.
“Từ 19-11-2015 đến nay, cướp giật tài sản xảy ra 463 vụ, khám phá 347 vụ, bắt 436 người, so với cùng kỳ giảm 40 vụ. Số liệu này thể hiện được tinh thần trách nhiệm của lực lượng công an” - ông Thắng nói. Riêng các vụ cướp giật vừa diễn ra trên địa bàn TP mà báo chí đưa tin, ông Thắng thông tin Công an TP đã có yêu cầu các quận, huyện báo cáo và sẽ họp báo thông tin về các vụ việc này.
Tuy nhiên, theo Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan, tội phạm có giảm nhưng tính chất một số vụ nguy hiểm hơn, phức tạp hơn. “Đối với tội phạm, mình mà lơ là là chúng trỗi dậy. Chúng ta phải có lực lượng chuyên nghiệp để trấn áp” - ông Hoan nhấn mạnh. Trước tình hình trên, ông Phong yêu cầu lực lượng công an các quận, huyện phải quyết liệt vấn đề này, không có kiểu đánh trống bỏ dùi, không phải đầu năm chỉ đạo mạnh nhưng rồi sau đó lại để êm êm. Ông Phong cho rằng yêu cầu thành lập đội săn bắt cướp càng trở nên bức thiết.
Liên quan đến việc thành lập đội săn bắt cướp, ông Thắng cho biết đã trình Bộ Công an đề án. “Sau khi Bộ Công an đồng ý, Công an TP sẽ thiết lập cơ cấu, chức năng và quyền hạn của đội săn bắt cướp để triển khai ngay, thực hiện có hiệu quả trấn áp tội phạm trên địa bàn TP” - ông Thắng nói.
Ông Hoan cũng đánh giá rằng nếu có lực lượng săn bắt cướp tuần hành trên đường phố thì người dân TP cũng yên tâm hơn, không lo tình trạng bị trộm cướp tấn công.
Củng cố thị trường bán lẻ
Một vấn đề đáng lo ngại khác nổi lên tại cuộc họp là doanh nghiệp nhà nước đang mất dần thị trường bán lẻ. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận thị trường bán lẻ thời gian tới sẽ rất phức tạp. Nếu TP không đầu tư đúng mức, tình hình sẽ khó nữa vì hiện tại, sự liên kết ở các công ty nhà nước rất hạn chế. Còn ông Hoan lưu ý thị trường bán lẻ TP đang bị “tấn công” rất tinh vi. Các doanh nghiệp nước ngoài hình thành nên mạng lưới, sau đó thôn tính. Nhiều hệ thống bán lẻ nước ngoài làm cả một chuỗi sản phẩm để đưa ra thị trường.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Sử Ngọc Anh cho rằng không nên quá bi quan. Ông bày tỏ: “Nhớ lại năm 2009 khi chúng ta mở cửa ngân hàng thì có áp lực và thách thức nhưng cũng có những thuận lợi. Chuyện mở cửa thị trường bán lẻ khi Việt Nam gia nhập các hiệp định kinh tế thế giới cũng vậy”.
Theo ông Anh, trước đây khoảng 10 năm, chúng ta để cho Công ty Sữa Việt Nam - Vinamilk một mình một chợ nên cứ đều đều, chẳng đổi mới cũng chẳng làm gì nhưng khi mở cửa, có sự xuất hiện của các công ty sữa khác thì tự nhiên bản thân Vinamilk phải hành động. Khi thị trường bán lẻ có nhiều tập đoàn quốc tế tham gia thì chắc chắn thị phần cho doanh nghiệp trong nước sẽ thu hẹp lại. “Vậy chúng ta sẽ có giải pháp gì. Sở đã bàn với các doanh nghiệp nhà nước liên kết, kết nối thị trường bán lẻ truyền thống và hiện đại”.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tỏ ra lo lắng. Ông Phong cho biết các nhà bán lẻ Hàn Quốc xem Việt Nam là thị trường bán lẻ nước ngoài tiềm năng nhất. Họ có ý định xuất khẩu hàng hóa từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào Việt Nam thông qua hình thức nhập khẩu nhà hàng giá rẻ, nhãn hàng riêng.
Không dừng lại ở đó, ông Phong liệt kê một loạt hệ thống bán lẻ chiếm thị phần lớn tại TP HCM như CP thuộc sở hữu của tỉ phú giàu nhất Thái Lan đang có mặt trên địa bàn TP. Rồi Metro được doanh nghiệp Thái Lan mua lại hay B’Smart, Nguyễn Kim, Robins, Big C cũng thuộc tỉ phú giàu thứ hai, thứ ba Thái Lan. Trong khi đó, AEON Nhật Bản phấn đấu đưa Việt Nam trở thành thị trường bán lẻ thứ nhì khu vực, sau Malaysia. Các nhà bán lẻ nước ngoài hiện đang chiếm 51% thị phần bán lẻ tại TP.
Trước tình hình này, ông Phong cho hay sẽ chủ trì cuộc họp cùng với ông Tuyến để bàn biện pháp giữ vững và phát triển thị trường bán lẻ của TP bởi nếu TP không kiểm soát và định hướng thị trường bán lẻ thì sẽ bị tác động bởi nhà bán lẻ nước ngoài. Định hướng của các nhà đầu tư lớn nước ngoài rất rõ ràng, nếu TP không có chiến lược để tìm đối sách ngay bây giờ thì TP sẽ mất thị trường bán lẻ. Theo đó, TP phải chủ động ngay từ bây giờ. “Bây giờ là chậm nhưng chậm còn hơn là thấy họ đến mà mình chịu thua” - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Đầu năm 2017, khởi công dự án Safari
Liên quan đến dự án Công viên Sài Gòn Safari ở Củ Chi, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết hiện nay, bà con trong vùng dự án đã bàn giao đất, chỉ còn hơn 30 hộ khiếu nại. Theo ông Hoan, dự án này kéo dài 12 năm là do bồi thường không đúng. Do đó, việc UBND TP chỉ đạo cho thanh tra toàn diện dự án, mấu chốt là kiểm tra lại việc bồi thường.
Ông Hoan khẳng định: “Chính sách bồi thường không thay đổi nhưng nếu sau thanh tra, kiểm tra, hộ nào thiệt thòi thì nhà nước sẽ bồi thường đủ, hộ nào đã được bồi thường cao hơn quy định thì TP cũng không lấy lại”. Ông Hoan cũng cho biết UBND TP đang tiến hành lựa chọn nhà đầu tư và cố gắng khởi công dự án vào đầu năm 2017.
Bình luận (0)