Còn nhớ, những năm trước, Cát Tiên bị đe dọa bởi hai thủy điện Đồng Nai (ĐN) 6, 6 A - do Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư, dự tính xây ở thượng nguồn sông Đồng Nai, lăm le "ăn" cả vào vùng lõi của vườn. Sau khi bị Chính phủ loại khỏi quy hoạch vào tháng 9-2013, Cát Tiên như được hồi sinh hơn một năm nay.
"Rằng xưa...tìm động hoa vàng...nhớ nhau"
Suối thơ mộng giữa rừng xanh
“Cổng” chính vào VQG Cát Tiên là từ Quốc lộ 20 men theo đường Tà Lài yên ả, thôn xóm thanh bình, đến cuối đường với bến đò với con sông Đồng Nai phía thượng nguồn hoang dại. Từ đây (xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú- Đồng Nai) nhìn sang bên kia sông, trong tầm mắt, nơi Cát Tiên hiện hữu là một màu xanh cây lá, đây đó cánh cò bay lượn, vài chiếc phà, con đò thấp thoáng…
Tại đây, khi nhắc đến khoảng thời gian lên tiếng, chờ đợi việc loại bỏ hai dự án thủy điện ĐN 6, 6 A gây ảnh hưởng đến môi trường, nhiều người dân vẫn còn xúc động.“Thời gian đó, chúng tôi hồi hộp lắm, nếu thủy điện được phê duyệt thì Cát Tiên coi như đã mất đi một phần da thịt của mình”- một người dân nói.
Các loài chim thú lạ hấp dẫn du khách (ảnh Vườn Cát Tiên)
Khi đã vào đến vườn, vì là ngày cuối tuần nên chúng tôi không gặp được ai trong số các cán bộ, nhân viên của vườn đã từng chia sẻ thông tin trong quá trình lên tiếng bảo vệ Cát Tiên. Tuy nhiên, gặp gỡ một số du khách, nhiều người cũng tỏ ra rất hứng thú với câu chuyện “giải thoát ngoạn mục” VQG Cát Tiên khỏi vòng vây thủy điện (!).
Một trong số đó là Th.S Nguyễn Huỳnh Thuật, nguyên là cán bộ của vườn, người đã từng viết tâm thư gửi thủ tướng chính phủ và chủ tịch nước để “cứu” VQG Cát Tiên, kể sau quá trình đấu tranh bảo vệ Cát Tiên, anh cũng nghỉ việc tại đây. “Tuy nhiên, tôi vẫn gắn bó với vườn, với các hoạt động môi trường, thường xuyên giới thiệu, hợp tác hướng dẫn các đoàn khách quốc tế tham quan tại đây”, anh Thuật hào hứng nói.
Trong một ngày cuối tuần, chúng tôi chỉ đủ thời gian để thăm lại một số điểm ở trong vườn, ngắm nhìn những đàn bướm bay lượn, nghe chim hót líu lo, thỉnh thoảng một con chim lạ đập cánh, một chú thỏ rừng nhảy vụt ra.
Trở lại lần này với trạng thái thư thái, chúng tôi cũng không quên những ngày cùng các nhà khoa học và các nhà báo lặn lội băng rừng vượt suối đi thực tế, tìm cứ liệu chứng minh việc xây thủy điện ĐN 6, 6A là vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, gây tác hại lớn đối với môi trường. Dịp đó, nhiều người đã tỏ ra rất hạnh phúc khi lần đầu được đến với Bàu Sấu. Sau hàng giờ đi bộ xuyên rừng, mệt bở hơi tai, hành lý mang theo nặng trĩu trên vai nhưng mọi người đều tỏ ra sung sướng khi được bước trên nền lá khô ẩm ướt xào xạc, len lỏi giữa rừng già với chằng chịt những rễ cổ thụ, với cành khô, dây leo quấn lên áo, lên tóc. Khi đến nơi, mọi người vỡ òa lên sung sướng khi thấy hiện ra một đầm nước trong veo với đám cỏ tranh vàng trong nắng…
TS. Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho biết ngoài sự giàu có về đa dạng sinh học với 113 loài thú thuộc 38 họ và 12 bộ, 351 loài chim với 64 họ, 109 loài bò sát, 756 loài côn trùng…, Cát Tiên còn nhiều cảnh đẹp mê hoặc ít nơi nào có được như ghềnh đá Bến Cự, rừng bằng lăng tím, Thác trời…
Lần trở lại này, đứng giữa Thác trời, với bọt trắng tung bờ đá, dòng suối róc rách ngày đêm giữa muôn loài hoa, cây dại, chúng tôi nghe ai đó có lẽ không kìm được cảm xúc trước cảnh đẹp mà bỗng cất lên tiếng hát: “Rằng xưa… tìm động hoa vàng...”…
Kỳ thú nét văn hóa dân tộc Mạ, S’tiêng
Cò đậu cành cao (ảnh Vườn Cát Tiên)
Theo Ban giám đốc VQG Cát Tiên, nếu như VQG Cát Tiên có những cảnh đẹp có sức quyến rũ lòng người thì nét văn hóa của những cộng đồng dân tộc ít người ở địa bàn cũng hết sức hấp dẫn, đặc biệt. Hiện, gần bên vườn Cát Tiên, trong bán kính khoảng 10 km có hai dân tộc Mạ, S’tiêng sinh sống. Ở đây, người già thường chơi một loại nhạc cụ là kèn Monkela (một loại kèn bầu) cất lên giai điệu núi rừng, còn các cô gái vẫn cố lưu giữ cách dệt thổ cẩm, nghề truyến thống hiện đang dần mai một… “Chúng em phải giữ lại những tài sản tinh thần quý giá”- một cô gái người Mạ tại xã Tà Lài, huyện Tân Phú, khẳng định.
Một nét văn hóa khác mà nhiều người quan tâm là một dã sử đang được các nhà khảo cổ đặt ra về nền văn hóa Óc Eo. Nhiều cứ liệu cho thấy ở đây từng tồn tại một nền văn minh của vương quốc Phù Nam có lãnh thổ trải dài từ Ấn Độ, Myanmar, Indonesia, Nam Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc. Hiện vẫn còn khu di tích đền đài tọa lạc trên đồi A1, còn in đậm dấu ấn kiến trúc cổ xưa, với nhiều hiện vật thờ tự.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, thống kê hiện tổng số người Mạ ở Lâm Đồng khoảng 32.000 người, ở Đồng Nai gần 2.500 người; riêng ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú gần vườn Cát Tiên hiện có hơn 1.000 hộ người dân tộc Mạ và S’tiêng sinh sống.
“Từ khi bắt đầu công cuộc bảo tồn, năm 1978, lúc đó Cát Tiên còn có loài tê giác Java sinh sống nên cộng đồng thế giới quan tâm. Tuy nhiên, sau đó loài tê giác tại đây được xác định đã bị tuyệt chủng. Vì vậy chúng ta cần quan tâm, giữ gìn những thứ quý giá còn lại. Vừa qua, việc cộng đồng đấu tranh để rồi cuối cùng Chính phủ loại bỏ hai thủy điện ĐN 6, 6A là một thắng lợi về mặt bảo tồn. Phát triển tuy nhiên phải hài hòa. Chúng ta gìn giữ, không phải chỉ cho mình mà còn cho con cháu mai sau…”- ông Mùi nhận xét. Hiện nỗi lo của ông Mùi là đàn bò tót khoảng 70-80 con cũng đang có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắn trộm và mất môi trường sống.
Cánh rừng nguyên sinh này cũng là nơi đoàn các khách Tây thường xuyên dạo bước
Cát Tiên cũng là nơi thường xuyên thu hút nhiều nhà nhiếp ảnh đến đây sáng tác
VQG Cát Tiên nằm giữa ranh giới 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, rộng gần 72.000 ha. Phần nằm trên địa bàn hai huyện Cát Tiên và Bảo Lộc (Lâm Đồng) còn gọi là khu Cát Lộc, từng là nơi có tê giác Java sinh sống. Phần còn lại trên địa bàn hai huyện Tân Phú và Vĩnh Cửu (Đồng Nai) có môi trường sinh học đa dạng. Cát Tiên còn có nhiều vùng đất ngập nước giàu tính đa dạng sinh học như Ramsa Bàu Sấu, Bàu Chim, Bàu Cá, Bàu Đắc Lớ, Trảng Cò,...
Bình luận (0)