xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trở về từ điểm nóng Libya

Nguyễn Quyết - Văn Duẩn

Ngày 10-8, chuyến bay VN 9052 chở 184 lao động Việt Nam từ Cairo - Ai Cập về tới sân bay Nội Bài. Đây là những lao động do Công ty Vinamex đưa sang làm việc cho nhà thầu Hyundai Engineering tại Libya

13 giờ 50 phút ngày 10-8, chuyến bay VN 9052 của Vietnam Airlines đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Ngay sau đó, người lao động nhanh chóng được đưa đến khu cách ly để kiểm tra y tế theo chương trình phòng chống dịch Ebola rồi lên xe do Công ty Vinamex thuê để về quê. Như vậy, đến nay, 453 người trong tổng số 1.750 lao động Việt Nam làm việc tại Libya đã về nước.

An toàn là ưu tiên hàng đầu

Có mặt tại sân bay đón người lao động về nước, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định vấn đề bảo đảm an toàn cho người lao động đã được đặt lên hàng đầu. Sau khi họ về nước, bộ sẽ có hỗ trợ về tài chính, việc làm.

Lao động Việt Nam tại Libya về đến sân bay Nội Bài chiều 10-8Ảnh: VĂN DUẨN
Lao động Việt Nam tại Libya về đến sân bay Nội Bài chiều 10-8Ảnh: VĂN DUẨN

“Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Libya và các nước lân cận để tìm phương án đưa lao động Việt Nam về nước. Trước mắt là đưa lao động trong vùng chiến sự ra khỏi Libya, cố gắng trong tháng này sẽ cơ bản đưa hết lao động tại Libya về nước” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định.

Theo kế hoạch, ngày 10-8, có 251 lao động về nước nhưng do gặp nhiều khó khăn, một số chuyến bay do nhà thầu Hyundai Engineering thuê chở lao động Việt Nam không thể cất cánh.

Trao đổi với báo chí tại sân bay Nội Bài, ông Jung Buyng Hun, Trưởng Văn phòng Đại diện Hyundai Engineering tại Việt Nam, cho biết đã phối hợp với Vietnam Airlines và Bộ LĐ-TB-XH để nhanh chóng đưa toàn bộ 682 lao động Việt Nam làm việc cho Hyundai Engineering tại Libya về nước.

“Sau 184 lao động trong đợt đầu tiên, ngày 11-8, chúng tôi tiếp tục đưa 254 người và 12-8 sẽ đưa 244 người còn lại về Việt Nam. Chúng tôi lo toàn bộ chi phí đưa lao động Việt Nam về nước, trong đó có hơn 1 triệu USD để thuê chuyên cơ” - ông Buyng Hun nói. Ngoài trả tiền lương đúng hạn, đại diện Hyundai Engineering cho biết sẽ ưu tiên sử dụng lao động Việt Nam tại các dự án khác.

Ông Nguyễn Việt Hải, Giám đốc Công ty Vinamex - đơn vị có 184 lao động Việt Nam về nước ngày 10-8, cho biết công ty hỗ trợ ban đầu mỗi người 1 triệu đồng để về quê. Theo ông Hải, Công ty Vinamex đưa tổng cộng sang Libya 720 lao động và sẽ lần lượt đưa về nước, chậm nhất là đến ngày 14-8. Trong đó, 38 người làm cho dự án nhà máy điện đã bay sang Instabul - Thổ Nhĩ Kỳ để cùng các lao động khác chuẩn bị về Việt Nam. Sau khi về nước, những lao động này sẽ được miễn phí hoặc nộp chi phí làm thủ tục visa cho những hợp đồng khác ở Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất trong tháng 9 tới.

Libya là thị trường hấp dẫn người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, việc có đưa lao động trở lại thị trường này hay không phụ thuộc vào tình hình ở Libya và chỉ đạo của Chính phủ” - ông Hải nói.

Mong muốn sớm có việc làm

Anh Dương Văn Kết (quê Hải Dương) cho biết đây là lần thứ hai anh sang Libya làm việc. Cũng như lần trước, anh phải về trước thời hạn do chiến sự. “Lần này, tôi mới sang làm việc được 11 tháng. Về nước, tôi chưa nghe được đền bù hay hỗ trợ gì, nếu không thì thiệt thòi quá” - anh Kết tâm sự.

Chúng tôi gặp cháu Hoàng Thị Dung ra sân bay đón cha là anh Hoàng Văn Thành (huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) từ sớm. Dung bảo cháu đã quen cảm giác này rồi, lần trước cha phải về nước trong tình trạng nguy hiểm hơn. Sau khi phải về nước do chiến sự năm 2011, anh Thành tiếp tục sang Angola làm việc nhưng bị lừa đưa vào một cơ sở tư nhân. Làm việc tại đây được vài tháng, anh bị cướp hết tài sản, lại phải trở về nước. Lần này, Thành mới sang Libya được mấy tháng. Anh mong được đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền nuôi con ăn học.

Những người ở sân bay Nội Bài không khỏi xúc động khi thấy ông Đỗ Văn Khanh (65 tuổi, ở huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) đón con là Đỗ Mạnh Cường. “Do gia đình khó khăn, Cường đi xuất khẩu lao động để có tiền nuôi em và 2 con đang tuổi lớn. Chi phí đi Libya hết 50 triệu đồng, nó phải vay đến 47 triệu đồng” - ông Khanh nói.

Anh Cường cho biết mới sang Lybia làm việc được 8 tháng theo hợp đồng 2 năm nhưng mới được 1/3 thời hạn đã phải về nước. Anh chỉ mong tiếp tục được ra nước ngoài làm việc để có tiền trả nợ và chăm lo gia đình.

Đang xác minh ​3 lao động mất tích

Ông Lương Thanh Quảng, trợ lý Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, cho biết khó khăn lớn nhất khi đưa lao động Việt Nam về nước là họ làm việc ở nhiều vùng khác nhau. Tuy vậy, hầu hết đều ở khu vực an toàn.

Về thông tin 3 lao động Việt Nam ở Libya đang mất tích, ông Lương Thanh Quảng cho hay Bộ Ngoại giao và Bộ LĐ-TB-XH đang xác minh. Theo tin của các cơ quan đại diện, 3 lao động này đã tự ý bỏ việc. Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại và chủ sử dụng lao động để tìm kiếm họ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo