Phóng viên: Thông tin Trung Quốc cấm doanh nghiệp (DN) đấu thầu dự án mới của Việt Nam có ảnh hưởng đến các dự án của ngành giao thông không?
- Bộ trưởng Đinh La Thăng:
Thông tin này tôi mới đọc được trên báo chứ chưa có nguồn chính thức.
Nếu có việc Trung Quốc cấm các DN nhà nước tham gia đấu thầu dự án mới tại Việt Nam thì họ bị thiệt trước tiên. Làm như thế là tự anh làm khó anh vì đã tự loại mình khỏi một thị trường tốt như Việt Nam.
Dự án nhà thầu Trung Quốc tham gia tại Việt Nam không nhiều. Hiện có 9 nhà thầu với 17 gói thầu, tổng cộng gần 30.000 tỉ đồng tiền vốn đang thực hiện ở Việt Nam. Trong đó, gần một nửa đã được thực hiện. Riêng dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc nên tất nhiên các nhà thầu của họ được tham gia.
Nhà thầu rút hay không hoàn toàn không ảnh hưởng đến Việt Nam vì nếu anh rút ra thì không được thanh toán do phá vỡ hợp đồng. Tôi khẳng định Việt Nam không ảnh hưởng gì vì nếu doanh nghiệp Trung Quốc không tham gia, các nhà thầu nước khác sẽ vào làm, thậm chí họ còn làm nhanh hơn nhà thầu Trung Quốc. Đặc biệt, nhà thầu Việt Nam đã đủ mạnh về công nghệ để thực hiện các dự án giao thông và theo kịp các nước phát triển.
Bộ Giao thông Vận tải đã gặp chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông?
- Chúng tôi đã làm việc với họ. Dự án này là của nước mình chứ có phải của Trung Quốc đâu! Người ta rút, mình vẫn phải làm tiếp. Hiện trong đầu tư vốn ODA về giao thông cho Việt Nam, Nhật Bản đứng số 1 rồi đến các nhà đầu tư khác, Trung Quốc chiếm rất nhỏ.
Thái độ của DN Trung Quốc trước sức ép buộc phải rút đi như thế nào?
- Chính các nhà thầu, DN Trung Quốc đều không muốn về, muốn tiếp tục ở Việt Nam làm ăn vì môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam rất thuận lợi, đặc biệt là tình hình an ninh, chính trị ổn định. Mặt khác, chúng ta luôn chân thành, hữu nghị, hữu hảo và chính họ cũng nói với tôi rằng do vấn đề sức ép mà họ phải về nước.
Trước tình hình này, bộ chuẩn bị giải pháp ứng phó thế nào?
- Nhiều nhà thầu, nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường Việt Nam. Song, chúng tôi lên phương án về việc anh này rút, anh kia ngừng tham gia thì thế nào, thậm chí làm không tốt còn chấm dứt hợp đồng, cấm cửa luôn nên không phải lo lắng, băn khoăn gì cả.
Hiện Quốc hội và Chính phủ đang chuẩn bị để ban hành Luật Đấu thầu sửa đổi với mục tiêu “tiêu chí giá rẻ không quyết định việc chọn nhà thầu mà còn phải xét về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật công nghệ…”. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành giao thông nhanh hơn.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Chỉ thiệt cho họ
Tôi cho rằng Trung Quốc không lý gì mà làm điều này vì chỉ có thiệt cho họ... Việt Nam là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của các nhà thầu Trung Quốc. Nhà đầu tư Trung Quốc đang có những lợi ích từ các dự án đầu tư tại Việt Nam. Tất cả điều này khiến người ta phải suy nghĩ trước khi quyết định bất kỳ biện pháp nào.
Bình luận (0)