Thống kê sơ bộ của ngành du lịch các tỉnh, thành duyên hải miền Trung, những ngày nghỉ lễ vừa qua, hầu hết các khu vui chơi, điểm tham quan, nghỉ dưỡng của những địa phương này đều không còn chỗ chen chân. Lượng khách đến “thủ đô resort” Bình Thuận lên đến 180.000 người, Khánh Hòa hơn 120.000, Thừa Thiên - Huế trên 100.000, Đà Lạt khoảng 130.000…, tăng hơn gấp đôi so với thường nhật.
Có dịp là “chặt chém” đã trở thành căn bệnh kinh niên của nhiều cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ ăn theo. Đơn cử, so với thường ngày, giá phòng khách sạn ở TP Nha Trang trong dịp lễ vừa rồi tăng 70%-80%, thậm chí đến 200%; ở TP Đà Lạt, mức tăng cũng xấp xỉ. “Té nước theo mưa”, giá cả ăn uống, tiêu dùng, hàng lưu niệm dù không tăng ngất ngưởng như giá phòng nhưng cũng đội lên từ 25%-30%.
Hầu như trước những kỳ lễ, Tết, cơ quan chức năng các địa phương luôn buộc những cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn giữ giá ổn định. Tuy nhiên, vào cao điểm, việc xử lý nạn “chặt chém” phần lớn là đối phó, rồi đâu cũng vào đấy và phần thiệt luôn thuộc về du khách.
Từ trước đến nay, các địa phương kinh doanh du lịch theo kiểu mạnh ai nấy làm nên thiếu sự gắn kết vùng miền dẫn đến không thể hỗ trợ nhau. Đó là nguyên nhân ngành du lịch ở nhiều địa phương có tiềm năng lớn như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên… chưa thể đột phá để phát triển.
Trong năm, có nhiều dịp để mọi người đi du lịch, nghỉ dưỡng. Khi kinh tế phát triển, nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan của người dân tăng cao. Vì thế, thay vì “chặt chém”, những người kinh doanh du lịch và chính quyền địa phương nên nghĩ đến sự “trung thành” với du khách trong xây dựng thương hiệu. Lòng trung thành thể hiện qua giá dịch vụ không tăng vào những đợt cao điểm, thậm chí giảm, để lấy số đông bù lại. Hay nâng cao chất lượng trong khi giá không tăng. Đó mới là kinh doanh khôn ngoan, chứ đừng “hốt” một lần để khách không bao giờ trở lại.
Nhiều doanh nhân cho rằng để tạo môi trường thân thiện, thoải mái nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước, điều cốt lõi là phải có sự liên kết giữa ngành du lịch với các ngành liên quan. Ngành du lịch luôn đặt ra vấn đề kích cầu để thu hút khách. Tuy nhiên, kích cầu trong lĩnh vực này thì không chỉ ngành du lịch làm được mà cần đến giao thông, các khu thương mại, vui chơi… cùng chung tay, đồng bộ thì hiệu quả mới cao và bền vững.
Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020 có mục tiêu lớn là điểm đến Việt Nam cạnh tranh được với các nước. Tuy nhiên, kỳ vọng ấy sẽ khó trở thành hiện thực nếu chúng ta vẫn “mạnh ai nấy làm”.
Bình luận (0)