Trao đổi với báo chí sáng 20-7 bên hành lang Quốc hội (QH), đại biểu QH Bùi Sỹ Lợi cho rằng về trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công Thương, nếu có dấu hiệu vi phạm thì dù về hưu cũng phải xử lý mới là công bằng với công dân.
- Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những việc làm bước đầu của Chính phủ mới?
+ Ông Bùi Sỹ Lợi: Chính phủ của nhiệm kỳ này đang khởi động, thể hiện tinh thần rất quyết tâm, thể hiện khá quyết liệt theo tinh thần kiến tạo, liêm chính... như bản chất của một Chính phủ vì dân. Chính phủ bắt đầu thể hiện tinh thần đổi mới tích cực, có sự rà soát hệ thống chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy kinh tế, xã hội... Song mới có 3 tháng nên cũng chưa có thể đánh giá là đạt hay không đạt. Nhưng bước đầu có thể thấy sự quyết tâm là cao. 3 tháng qua, cũng có nhiều việc đã làm được như điều tra nguyên nhân vụ gây ô nhiễm môi trường ở miền Trung. Tuy nhiên, có chậm, có được giải thích là do cần phải có thời gian đánh giá về các vấn đề khoa học. Nhưng tôi nghĩ là nếu quyết liệt hơn, trả lời sớm hơn thì chắc là sự dị nghị của người dân giảm đi, niềm tin tốt hơn.
- Nhìn lại Chính phủ cũ, với trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công Thương, nếu có dấu hiệu vi phạm, theo ông, QH khoá XIV phải có sự giám sát với các Bộ trưởng, hoạt động các bộ, ngành thế nào ?
+ Tôi cho đây là trách nhiệm cả QH khoá XIII. Suốt một thời kỳ dài, chúng ta giám sát, theo dõi, tại sao không phát hiện, nếu phát hiện được, xử lý ngay đi thì đã không xảy ra tình trạng như báo chí vừa nêu. Nhưng phải có niềm tin thế này, quan điểm của Đảng, QH và Chính phủ là xử lý sai phạm không có vùng cấm. Ai vi phạm phải xử lý. Về hưu cũng phải xử lý, thế mới công bằng với công dân.
Tôi nghĩ đây là một bài học cho QH khoá XIV. Cả một nhiệm kỳ QH, chúng ta để một tư lệnh ngành mà chúng ta không giám sát, không theo dõi, không nhắc nhở, để xảy ra tình trạng đó. Vấn đề chức năng của QH là quyết định, làm luật nhưng giám sát là rất quan trọng. Nhà nước kiến tạo tạo thông thoáng nhưng cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Không thể để tồn tại bé xé ra to. Nếu chúng ta ngăn chặn tốt những vấn đề tiêu cực từ lúc còn nhỏ thì giảm bớt hậu quả.
- Nhìn vào những dấu hiệu yếu kém trong điều hành, quản lý của ông Vũ Huy Hoàng trong nhiệm kỳ trước, ông đánh giá điều đó đã ảnh hưởng thế nào đến vấn đề phát triển ngành?
+ Thực ra những vi phạm đó nó thuộc về vấn đề điều hành, không phải tác động đến những vấn đề phát triển của nền kinh tế. Nhưng rõ ràng công tác cán bộ, nếu không tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của một ngành.
- Còn với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, lỗ hổng trong công tác bầu cử đại biểu QH theo ông là gì?
+ Quy trình cán bộ của ta là từ cơ sở. Mặt trận cũng từ cơ sở. Nếu ta mang lỗi này nói là của Hội đồng bầu cử quốc gia là không phải. Bởi vì Hội đồng này không phải là xét chỉ 500 người mà phải có 800 mới có 500. Người ta không đủ điều kiện, không đủ khả năng để xem xét tất cả các trường hợp cụ thể. Mà ở cơ sở, khi anh giới thiệu ở cấp bộ, lấy ý kiến nơi cư trú, có ai nói không, không nói. Lấy ý kiến nơi công tác, có ai nói đâu. Nhưng người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội ở cơ sở, trách nhiệm thế nào ?. Chúng ta không lên nói lỗi này đẩy ngược lên mà trước hết phải xem về thẩm quyền, tại cơ sở người ta có đề cập sai phạm đó không. Nếu đề cập, đưa lên cấp trên mà không xem xét thì đó mới là trách nhiệm của người cấp trên. Nếu người cấp trên đó vẫn cho là đúng, lại đẩy lên cấp trên nữa thì cấp trên đó cũng phải xem xét lại.
- Qua vụ ông Vũ Huy Hoàng, ông Trịnh Xuân Thanh, có thể nói công tác giám sát các doanh nghiệp Nhà nước vẫn rất có vấn đề, nhất là liên quan đến nhân sự chủ chốt?
+ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ý kiến mà tôi rất quan tâm, đó là giảm bớt thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp; giảm thanh tra kiểm tra nhưng không có nghĩa là không thanh tra, kiểm tra. Thanh tra, kiểm tra phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Không để trở thành áp lực mà là để tháo gỡ, chứ không phải chỉ để xử lý kỷ luật.
Bình luận (0)