Tại TP HCM, các loại men “đểu” không chỉ được bày bán công khai tại chợ Kim Biên (quận 5), Bình Tây (quận 6) mà còn xuất hiện ở nhiều khu vực trên địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn, Bình Chánh… Đáng nói, loại men độc này đang gây ra hệ lụy khôn lường nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa đưa vào diện phải kiểm soát triệt để.
Tràn lan men rượu dỏm
Trong vai chủ lò rượu, chúng tôi tìm đến chợ Kim Biên để hỏi mua men bột về nấu rượu. Khi đến cửa hàng ven đường, một thanh niên nhanh nhẹn tiếp đón nhưng sau đó dẫn chúng tôi đến một sạp bán dược liệu trong chợ Bình Tây mua hàng.
Vừa dừng chân trước sạp, chúng tôi được một phụ nữ hỏi: “Các em mua men về ngâm rượu đúng không? Chỗ chị bán, muốn mua bao nhiêu cũng có”. Vừa ngớt lời, người này đưa ra nhiều viên bột màu trắng giới thiệu là men “ngò đen” nhưng không biết nguồn gốc xuất xứ từ đâu. Sau màn quảng cáo, chủ sạp rao giá bán 40.000 -45.000 đồng/kg. Chúng tôi yêu cầu người phụ nữ chỉ cách pha chế thì bà ta tỏ ra đề phòng: “Mấy đứa thích pha kiểu gì thì pha”. Hỏi mãi thì bà mới tiết lộ 1 kg men có thể pha được khoảng 40-50 lít rượu, muốn pha hơn thì tùy. “Tôi chỉ bán men thôi, nếu các em muốn học công thức pha chế rượu để sinh lợi thì đến lò rượu mà hỏi. Nghề này đang nhạy cảm, tôi nói nhiều sợ bị phiền phức” - chủ sạp lo sợ.
Sau khi mua nửa ký men viên bột trắng tại chợ Bình Tây, chúng tôi được giới thiệu gặp người đàn ông tên H., chuyên pha chế rượu tại một quán nước trên địa bàn huyện Hóc Môn. Gặp mặt, ông H. khoe: “Các ông tìm đến tôi là đúng người rồi đấy. Tôi sẽ chỉ cho các ông cách pha chế rượu 1 vốn 4 lời nhưng phải trả học phí đấy nhé”. Nói rồi ông H. đưa ra hàng tá loại men ngâm rượu như: men bột, men nước, cồn hóa học… không rõ nguồn gốc hoặc xuất xứ từ Trung Quốc. Ông H. nói những thứ men này đều có mùi hắc rất khó chịu, khác hoàn toàn với mùi vị men trấu được chế biến từ vùng nông thôn miền Bắc. Mấy loại men này chỉ cần pha trực tiếp có thể “hô biến” hàng chục lít nước lã thành rượu.
Chúng tôi ngỏ ý muốn tận mắt chứng kiến các loại “thần dược” H. rêu rao nhưng ông ta từ chối vì sợ phiền phức. “Các ông học thì tôi chỉ rồi, mua thì phải đưa tiền trước, trưng ra đây mà chết à. Những loại men này giờ bán chui thôi, công khai là bị “tóm” ngay. Các ông mở lò rượu thì tôi khuyên nên dùng mấy loại men này để kiếm chút đỉnh, làm quán nhậu thì khỏi cần” - ông H. khuyên.
Ông H. còn cho hay loại men này khi thêm chút mùi vị và bột màu vào thì có thể biến tấu rượu trắng thành rượu nếp cẩm, nếp cái hoa vàng…, dân nhậu tinh tường đến đâu cũng khó phân biệt.
Men “đểu” vào lò
Ngày 20-3, chúng tôi được ông N. - một dân nhậu ở TP HCM - dẫn đến nhiều điểm bán rượu tràn lan, mất vệ sinh trên địa bàn quận 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn… Sau thời gian thâm nhập, chúng tôi tìm đến một điểm bán rượu tại con hẻm nhỏ thuộc phường 17, quận Gò Vấp.
Lúc đầu, chúng tôi nói kinh doanh quán nhậu, bà P. (chủ lò rượu) tỏ ra hờ hững không muốn hợp tác làm ăn. Chỉ đến khi nghe nói mua số lượng cả ngàn lít rượu mỗi tháng, người phụ nữ này mới đồng ý mời chúng tôi vào trong nói chuyện. Bà P. quảng cáo: “Rượu chỗ tôi nấu bằng men trấu ngoài Bắc, không có hóa chất, không có cồn độc hại, không pha trộn… Tôi khẳng định 100% chất lượng mang hương vị truyền thống quê hương”.
Bà P. cho biết mở lò rượu hơn chục năm nay, nhắc đến tên bà ai cũng biết. Thấy chúng tôi nhìn mớ bình rượu để trên sàn, bà P. nói khéo: “Đây chỉ là chỗ bán tạm thời thôi, lò rượu chính của tôi nằm ngoài đường Quang Trung (quận Gò Vấp)”. Bà P. còn đưa cho chúng tôi giữ mỗi người 1 danh thiếp có số điện thoại để liên lạc nhưng không ghi rõ địa chỉ lò rượu nằm ở đâu. Trên danh thiếp ghi dòng chữ: “Vì phải thuê mặt bằng nên chúng tôi dời đi bất cứ lúc nào…”. Chúng tôi thắc mắc thì bà P. nói rượu của bà bán uy tín, chất lượng, đi đâu khách quen cũng kiếm được. “Tôi chỉ bán rượu nguyên chất, từ 30-50 độ, theo tiêu chuẩn cho phép. Rượu 32 độ có giá 32.000 đồng/lít, 50 độ thì 50.000 đồng/lít… Nếu các anh mua nhiều, tôi sẽ giảm giá 10.000 đồng/lít. Mua nhiều thì được ưu đãi hơn” - bà P. tiếp thị.
Đi nhiều điểm bán rượu trên địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh bán rượu kém chất lượng, mất vệ sinh tại đây. Quan sát những chai rượu đủ các kiểu màu sắc tại một điểm bán rượu ở quận 12, ông N. khẳng định là rượu “đểu” được pha từ men Trung Quốc.
Theo ông N., rượu truyền thống phải qua 4 công đoạn: nấu chín gạo thành cơm, làm men, ủ men với cơm rồi đem chưng cất mất hơn chục ngày, tùy thời tiết mới đem ra hong rượu. Còn các loại rượu trên, chỉ cần pha lẫn men nước hoặc men bột với gạo là có thể biến tấu thành rượu. “Có như thế mới cung cấp được cả ngàn lít rượu mỗi tháng chứ nấu kiểu truyền thống thì bao giờ đủ rượu để bán” - ông N. nói thẳng.
Để chứng minh, ông N. lấy chai rượu ghi rượu nếp lắc liền mấy cái thì thấy nổi từng vạt nhỏ như váng dầu. “Rượu pha men “đểu” khi ngửi có mùi hắc, còn rượu truyền thống có mùi thơm dịu. Loại rượu pha chế từ men Trung Quốc khi đổ xuống nền nhà sẽ bốc hơi, mất mùi vị, còn rượu truyền thống thì phải dùng nước lau mới hết mùi” - ông N. chỉ cách phân biệt rượu truyền thống với rượu “đểu”.
Bỏ nghề làm men truyền thống
Ông Trần Bỉnh Tòng, chủ một cơ sở sản xuất men rượu ở TP Cà Mau, cho biết gia đình ông làm men gia truyền mấy đời nay nhưng nghề này đang điêu đứng vì không cạnh tranh được với các loại men trôi nổi không rõ nguồn gốc. “Men của tôi chỉ dùng được cho việc chế biến rượu theo cách truyền thống nhưng hiện nay, nhiều người cho rằng nấu rượu theo cách này không có lời. Do đó, họ bất chấp dùng loại men trộn trực tiếp với gạo sống để rút ngắn thời gian và công sức nấu rượu. Những loại rượu làm theo cách này uống vào rất nguy hiểm vì chứa nhiều độc tố” - ông Tòng nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-3
Bình luận (0)