xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Truy trách nhiệm gây oan, sai

Phan Anh

Nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc trước tình trạng gây oan, sai nhưng bồi thường thiệt hại quá chậm. Việc thừa nhận làm sai là điều quá khó đối với các cơ quan tố tụng vì phải qua các quy trình, thủ tục rườm rà

Ngày 5-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả giám sát tình hình oan, sai trong áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Thay mặt Ủy ban Thường vụ QH báo cáo kết quả tình hình oan, sai từ ngày 1-10-2011 đến 30-9-2014, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện khẳng định có một số vụ dùng nhục hình làm chết người gây bức xúc trong dư luận.

Bồi thường chậm

Đồng tình với đánh giá của Ủy ban Thường vụ QH về tình hình oan, sai, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nói “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” nhưng có những vụ oan, sai kéo dài hơn 10 năm bây giờ mới phát hiện, chưa kể không biết còn bao nhiêu vụ oan, sai nữa chưa được phát hiện.

Dẫn con số 71 vụ oan, sai nhưng chỉ có 15 vụ thuộc trách nhiệm cơ quan điều tra; số vụ can phạm tự sát, chết trong trại do đau bệnh, đánh nhau… lên tới 78, bà Khá đặt câu hỏi: “Ai chắc được là những trường hợp chết này không có người bị oan, sai? Cần làm rõ trách nhiệm của trại giam khi để xảy ra những trường hợp chết như vậy vì biết đâu trong đó có oan, sai và đó là hình thức để che đậy sai phạm”.

 

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình khẳng định sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc tranh tụng và suy đoán vô tộiẢnh: Thế Dũng
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình khẳng định sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc tranh tụng và suy đoán vô tộiẢnh: Thế Dũng

 

ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng bức cung, nhục hình thì sẽ dẫn đến oan, sai. ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) khẳng định tình hình làm oan người vô tội hiện còn nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân. Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, cũng nhìn nhận mặc dù oan, sai giảm nhưng vẫn còn bức cung, nhục hình gây bức xúc trong dư luận. Một số điều tra viên vẫn còn tư tưởng chủ quan, nóng vội trước yêu cầu công việc và thành tích.

Điều làm nhiều ĐB bức xúc là tình trạng gây oan, sai nhưng việc bồi thường thiệt hại quá chậm chạp. “Việc thừa nhận làm sai là điều quá khó đối với các cơ quan tố tụng vì phải qua các quy trình, thủ tục rườm rà, kéo dài thời gian. Tâm lý này dẫn đến việc bồi thường oan, sai không kịp thời. Quy định tối đa 80 ngày nhưng qua giám sát, có vụ kéo dài đến 9 năm vẫn chưa giải quyết xong, gấp 41 lần so với thời gian quy định” - ĐB Huỳnh Nghĩa phân tích và đặt vấn đề trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan đã gây ra án oan như thế nào?

Ông Nghĩa đề nghị QH sớm sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước nhằm khắc phục tình trạng bồi thường án oan chậm chạp, lê thê như vừa qua.

“Oan, sai chỉ bồi thường bằng tiền nhưng mất mát tinh thần, tình cảm, gia đình ly tán thì không bao giờ bù đắp được” - bà Khá bức xúc và đề nghị ngoài bồi thường theo quy định, cần quy trách nhiệm những người làm oan, sai cũng như thủ trưởng có điều tra viên làm oan, sai.

Phần nổi của tảng băng?

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đánh giá hệ thống tố tụng của nước ta như một hệ thống báo cháy bị hỏng thì làm sao phát hiện được oan, sai; chỉ khác là khi “cháy” thì không phải cơ quan tiến hành tố tụng mà là người tạm giữ, tạm giam “cháy”.

“Phải chăng những vụ việc oan, sai đã phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng!” - ông Nghĩa nêu câu hỏi và cho rằng đó là chưa kể việc người bị bức cung, nhục hình khi được tha rất e sợ tiết lộ, thậm chí phải cam kết là không khiếu nại; nhiều luật sư phản ánh các bị can, bị cáo cho biết tình trạng bức cung, mớm cung, nhục hình diễn ra không cá biệt, ở nhiều mức độ.

Cũng theo ông Trương Trọng Nghĩa, hệ thống kiểm tra chéo giữa 3 cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án hiệu lực không cao, có tình trạng nể nang, du di nhau, “người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người”; tình trạng “3 bộ đồng tình” bằng những cuộc họp thống nhất án trước khi truy tố hay xét xử khiến cho việc kiểm sát, tranh tụng đôi lúc bị vô hiệu. Ngoài ra, tồn tại quan điểm và thói quen “suy đoán có tội”, dấu ấn của tư duy “địch - ta” thời chiến. Do đó, ông Nghĩa đề nghị phải sửa Bộ Luật Tố tụng hình sự theo hướng càng chặt chẽ, sát thực tiễn thì càng hạn chế sai phạm, lạm dụng của con người; nhất là cụ thể hóa các nguyên tắc “suy đoán vô tội”.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cũng nhìn nhận việc xét xử các vụ án hình sự chủ yếu thực hiện theo mô hình xét hỏi dẫn đến hội đồng xét xử phụ thuộc phần lớn vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ. Một số trường hợp đánh giá hồ sơ vụ án chưa kỹ, chưa thấu đáo nên việc tranh tụng chưa thật sự được quan tâm, chưa phát huy hết vai trò những người tham gia tranh tụng, dẫn đến sai sót.

“Để xảy ra oan, sai là không thể chấp nhận được vì nó ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tố tụng, tư pháp và đến nền công lý của nước nhà. Đây là vấn đề liên quan đến quyền tự do công dân, quyền con người, quyền được sống nên chúng ta phải giải quyết một cách triệt để” - ông Trương Hòa Bình bày tỏ và khẳng định tới đây, tòa án sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc tranh tụng và suy đoán vô tội.

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh trong tố tụng hình sự sửa đổi sắp tới, nguyên tắc suy đoán vô tội được đặt ra. Các biện pháp cưỡng chế tố tụng ảnh hưởng đến quyền con người đều phải được điều chỉnh bằng luật. “Dẫu còn một vụ oan thì chúng tôi cũng đau như người dân. Là một lãnh đạo ngành, tôi xin lỗi những người bị oan trong thời gian vừa qua” - ông Bình bày tỏ.

 

Không cần thiết thảo luận riêng về biển Đông

Chiều 5-6, QH đã dành 1 giờ để nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, báo cáo của Chính phủ đã bám sát toàn bộ tình hình thực tiễn để ĐB nắm rõ.

Ông Nguyễn Anh Sơn - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, người đã đề nghị lãnh đạo QH bổ sung nội dung về biển Đông vào chương trình kỳ họp thứ 9 - cho biết những thông tin về biển Đông trước đây mà ông nắm được là rời rạc và không đầy đủ, báo cáo của Chính phủ đã cho thấy bức tranh tổng thể về tình hình biển Đông và cũng nêu rõ các giải pháp đã làm trong thời gian qua, đồng thời xác định chủ trương và biện pháp trong thời gian tới.

Ông Sơn cũng cho hay ông chờ đợi phiên thảo luận vào ngày 8-6, các ĐB sẽ cho ý kiến và trong phiên chất vấn, Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng sẽ nói kỹ hơn về tình hình biển Đông một cách chính thức, công khai để cử tri và nhân dân được rõ thông qua truyền hình, phát thanh trực tiếp. “Tại phiên thảo luận và chất vấn, quan điểm và thái độ của các ĐBQH sẽ rõ ràng. Nếu QH có một thái độ mạnh mẽ thì sẽ đáp ứng được kỳ vọng, sự đòi hỏi của nhân dân” - ông Sơn nhấn mạnh.

“Mọi việc vẫn phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm chủ quyền của ta và giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Chính phủ đã làm theo hướng người dân cũng như QH mong muốn là làm thế nào để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trần Đình Nhã thông tin và cho rằng QH không cần thiết phải có phiên thảo luận riêng về tình hình biển Đông vì tất cả các thông tin ĐB đều nắm rõ. Theo quy định, QH có 3 hình thức ra văn bản chính, gồm: Hiến pháp, các luật và nghị quyết. Luật thì QH đã khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam trong Luật Biển, Luật Biên giới quốc gia... QH cũng khẳng định trong luật là các lực lượng vũ trang và toàn bộ nhân dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, cử tri và nhân dân hãy bình tĩnh theo dõi, Đảng và nhà nước đang làm hết sức mình để thực hiện nghĩa vụ trước Tổ quốc, trước nhân dân, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và cũng bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển.

Th.Dũng

 

Ông Nguyễn Thanh Chấn được bồi thường 7,2 tỉ đồng

Đây là thông tin được Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho biết trước QH vào chiều 5-6. Theo ông Bình, tòa án đã xin lỗi ông Nguyễn Thanh Chấn và sẽ bồi thường 7,2 tỉ đồng. Theo ông Bình, trong 3 năm (2012-2014), tòa án các cấp nhận 22 đơn yêu cầu bồi thường và đã trả lại 3 đơn không đủ điều kiện hoặc không thuộc thẩm quyền; có 13/19 đơn được giải quyết. Riêng ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ được bồi thường 7,2 tỉ đồng.

Ngay sau khi biết tin này, gia đình ông Chấn cho biết con số 7,2 tỉ đồng là do gia đình cùng TAND Tối cao thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Chấn chỉ đồng ý mức tiền này cho tất cả các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ... mà gia đình đã xuất trình được để chứng minh thiệt hại còn bồi thường về danh dự, nhân phẩm thì sẽ tiếp tục khiếu nại.

Luật sư Vũ Thị Nga, Trưởng Văn phòng Luật sư Công Lý Việt (Hà Nội), cho biết ông Chấn đã thỏa thuận được mức tiền và đã thành biên bản thì sẽ không phải kiện ra tòa án nữa. Sau 15 ngày thỏa thuận, đến ngày 1-6 vừa rồi, các bên không khiếu nại biên bản thỏa thuận thì biên bản có hiệu lực. Sau khi tòa phúc thẩm ban hành quyết định, ông Chấn phải làm đơn yêu cầu bồi thường để được bồi thường ngay và bồi thường một lần tổng số tiền đó.

Ph.Anh - N.Quyết

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo