Nếu biết tự trọng, vì mất uy tín với người dân mà xin từ chức, có lẽ trong bộ máy nhà nước hiện nay chắc không chỉ có riêng vị chủ tịch xã trên. Bởi người dân bị thất hứa nhiều lắm, bị cán bộ quên nghĩa vụ của mình diễn ra khắp nơi, thậm chí vì quyền lợi riêng mà nhiều người phủi sạch cam kết của mình trước người dân và cả các cơ quan chức năng.
Vụ việc đau lòng đang xảy ra trước mắt chính là hàng loạt thủy điện tại miền Trung và Nam Trung Bộ xả nước trong lúc mưa to, gây ngập nhà, vùi lấp ruộng vườn, uy hiếp tính mạng bao con người ở hạ du. Tất nhiên, các cơ quan chức năng liên quan và “ông chủ” các thủy điện có đủ lý do để bảo vệ cho việc làm này và người dân có kêu ca bao lâu cũng đành bất lực. Thế nhưng, hãy quay trở lại với những cam kết mà chính họ đã đưa ra khi trình dự án xây dựng thủy điện. Họ đã từng vẽ ra bao viễn cảnh tốt đẹp mà thủy điện mang đến cho người dân, cam đoan thủy điện sẽ điều tiết nước, không gây ngập lụt dù các nhà khoa học đã cực lực phản đối. Thực tế đã bày ra trước mắt, nếu những lãnh đạo các cơ quan cấp phép xây dựng thủy điện có chút tự trọng như vị chủ tịch xã kia thì có lẽ đã từ chức. Nhưng nào dễ...
Thất hứa với dân rất dễ thấy. Có vị lãnh đạo nào trước khi nhậm chức, trước khi được đề bạt mà không hứa là sẽ cải thiện cuộc sống người dân. Khi đã an vị rồi thì lời hứa trên có còn nằm trong những công việc ưu tiên phải làm của họ? Nếu các lãnh đạo ngành giáo dục giữ đúng lời hứa thì đâu còn chuyện người dân phải chầu chực đêm ngày để có thể nộp hồ sơ xin học cho con. Nếu các vị lãnh đạo ngành y tế giữ đúng lời hứa thì tại các bệnh viện đâu còn cảnh người bệnh chen nhau trên giường, còn thân nhân thì ngủ dưới gầm giường.
Nói đâu xa, câu chuyện chống tham nhũng, chạy chức chạy quyền đã được các cấp lãnh đạo “kiên quyết loại trừ” từ mấy chục năm qua nhưng nay thì sao? Tham nhũng vẫn còn nhiều song truy cho ra, xử lý cho được một người thôi cũng quá nhiêu khê. Nhiều trường hợp cả gia đình, dòng họ cùng làm quan chức ở xã, huyện, sở - ngành, báo chí nêu đích danh, cơ quan chức năng có danh sách cụ thể nhưng rồi mọi thứ đều “đúng quy trình”, chẳng giải quyết được gì.
Ở nhiều nước, việc một lãnh đạo dù là cấp cao nhất khi “có chuyện”, cảm thấy người dân mất niềm tin thì họ từ chức rất nhẹ nhàng. Khi một lãnh đạo thất hứa thì bộ máy hành chính có đủ công cụ để yêu cầu họ từ chức. Còn ở ta, chuyện trông chờ vào các cán bộ tự nguyện từ chức là rất hiếm hoi dù là ở cấp lãnh đạo nhỏ nhất.
Bình luận (0)