“Luật chơi” ở đây tạm hiểu là sự chấp nhận, sẵn sàng đối phó với những tình huống diễn dịch luật pháp theo hướng thiếu minh bạch của nhà quản lý để được tồn tại.
“Tránh voi chẳng hổ mặt nào” trở thành cách hành xử với cơ quan chức năng được các doanh nghiệp nằm lòng và không ít người phải kinh qua những bài học xương máu để có được kinh nghiệm đó. Doanh nghiệp trong nước dĩ nhiên là “nắm bắt vấn đề” nhanh hơn. Những doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam làm ăn mà thích ứng nhanh, giỏi ứng biến theo lối “nhập gia tùy tục” thi thoảng vẫn được các đồng nghiệp và chuyên gia sở tại nhận xét theo kiểu không biết khen hay chê, rằng: “Mức độ Việt Nam hóa diễn ra rất nhanh chóng!”.
“Việt Nam hóa” trong trường hợp này nói thẳng ra là đi đường tắt, không chính thức để đạt được mục đích lớn hơn trên thương trường.
Tất cả thường được đổ lỗi cho người thừa hành lạm quyền. Nhưng cần phải hiểu rằng cốt lõi vấn đề nằm trong những quy định luật pháp thiếu ổn định, không đặt cơ sở trên lợi ích của người kinh doanh. Doanh nghiệp luôn bị đưa vào thế bị động bởi một rừng những quy định - từ luật, văn bản dưới luật đến văn bản hướng dẫn thi hành... - liên tục thay đổi. Một khi như thế, mọi sự hoạch định cho chiến lược lâu dài, bảo đảm ổn định không cách nào khác là phải “đi đêm” với nhà chức trách. Tiêu cực nảy sinh từ đây.
Luật lệ, quy định nhiều khi trở thành công cụ trục lợi nằm trong tay những người quản lý, sinh ra nạn lạm dụng quyền lực, bất công trong môi trường kinh doanh.
Lệ làng, đó là một cách nói. Nhưng 2 chữ “lệ làng” cũng phản ánh một điều: Chúng ta vẫn còn đặt mình vào thế ngoại lệ so với bối cảnh kinh doanh chung trong thời toàn cầu hóa. Những ngoại lệ đó tạo ra một ấn tượng vô cùng xấu cho thương hiệu quốc gia, làm suy giảm tinh thần khởi nghiệp.
Vài năm trở lại đây, chỉ số cạnh tranh quốc gia Việt Nam (theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF) liên tục tăng theo chiều hướng cải thiện tích cực. Năm 2014-2015, Việt Nam xếp hạng 68/140, năm 2015-2016 xếp hạng 56/140. Những tín hiệu tích cực đó phản ánh nỗ lực phát triển hạ tầng, điều kiện dân sinh, giáo dục, y tế, công nghệ, hiệu quả thị trường lao động, lưu thông hàng hóa… và cũng phản ánh một môi trường kinh doanh dần dần xóa bỏ những ngoại lệ để phát triển doanh nghiệp, khuyến khích sáng tạo.
Câu chuyện ở quán Xin Chào (TP HCM) vừa qua lẽ ra có thể trở thành một thứ case study (điển cứu) để hiểu về sự thay đổi cần thiết ở vị trí, tiếng nói của người kinh doanh trong bối cảnh hiện nay. Chỉ đáng tiếc, cách xử lý tình trạng lạm quyền trong sự việc này vẫn không đặt trên căn cứ những thủ tục và thực hành trên hệ quy chiếu pháp luật mà nằm ở chỗ cơ quan công quyền “tự giải quyết” sai sót của mình sau chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao.
Tư duy "lệ làng" “đóng cửa bảo nhau” vẫn còn đâu đó.
Bình luận (0)