Một số lùm xùm trong công tác quản lý của ban lãnh đạo Công ty TNHH nhà nước một thành viên Nhà Xuất bản Hà Nội (NXB Hà Nội) khiến dự án bị chậm tiến độ, gây thất thoát tiền ngân sách.
Sách được “đặt hàng”, không bán
Để chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trước đó, NXB Hà Nội đã chủ động xây dựng, đề xuất dự án và được UBND TP Hà Nội phê duyệt với nhiều hạng mục như: Tổ chức điều tra, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội trong và ngoài nước; biên soạn, xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, xây dựng website Văn hiến Thăng Long; biên soạn, xuất bản sách điện tử…
Tủ sách dự kiến có khoảng 100 đầu sách, tổng kết các giá trị văn hiến Thăng Long trong tiến trình lịch sử 1.000 năm trên tất cả lĩnh vực: lịch sử, địa lý, văn hóa xã hội, văn học nghệ thuật, kinh tế. Dự án gồm 2 giai đoạn với kinh phí đầu tư gần 120 tỉ đồng do Sở Tài chính TP Hà Nội phê duyệt. Giai đoạn 1 (từ năm 2006-2011) có kinh phí 60,95 tỉ đồng, giai đoạn 2 (2013-2017) là 58,71 tỉ đồng.
Một số cuốn sách thuộc dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến - Ảnh: NXB HÀ NỘI
Giai đoạn 1 của dự án đã kết thúc từ năm 2011 nhưng đến nay, một số hạng mục vẫn chưa hoàn thành, nhiều đầu sách chưa được triển khai in ấn. NXB Hà Nội còn “nợ” một số đầu sách như: “Ngàn năm sân khấu Thăng Long”, “Thành Thăng Long - Hà Nội”, “Chảy mãi văn hóa Hà thành”, “Hoa thở”, “Thăng Long - Hà Nội 1.000 sự kiện lịch sử”. Riêng cuốn “Tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội”, theo kế hoạch phải được hoàn tất vào năm 2011 thì mãi đến đầu năm 2016 mới được in ấn, xuất bản.
Dự án thuộc danh mục sách do nhà nước “đặt hàng” nên không được phép bán ra thị trường. Tuy nhiên, NXB Hà Nội đã in nhiều cuốn sách với số lượng vượt quá quy định, đồng thời ghi giá ở bìa để bán ra thị trường như: “Tuyển tập văn kiện lịch sử”, “Hà Nội danh thắng và di tích”, “Địa chí Hà Tây”, “Di sản văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám”, “Hà Nội - địa chất địa mạo và tài nguyên liên quan”, “Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội”... Toàn bộ lợi nhuận từ việc phát hành những cuốn sách có ghi giá được chuyển vào tài khoản của NXB Hà Nội.
Thiếu đơn vị giám sát độc lập
Mặc dù dự án chậm tiến độ và không hoàn thành nhiệm vụ được UBND TP Hà Nội giao nhưng NXB Hà Nội vẫn giải ngân toàn bộ số tiền gần 61 tỉ đồng của giai đoạn 1. Khi các đầu việc của giai đoạn 1 chưa hoàn thành, không hiểu sao UBND TP Hà Nội vẫn tín nhiệm NXB Hà Nội để thực hiện giai đoạn 2?
Ở giai đoạn này, một số cuốn sách giải ngân xong nhưng vẫn chưa xuất bản. Trong đó, có thể kể đến “Tuyển tập Tản Đà” (GS-TS Trần Ngọc Vương chủ biên) với 180 triệu đồng nghiệm thu từ tháng 5-2015, cuốn “Kinh đô Thăng Long - Những khám phá khảo cổ học” trị giá 330 triệu đồng, nghiệm thu từ tháng 8-2015.
NXB Hà Nội cũng có dấu hiệu vi phạm trong quản lý, điều hành. Trước đó, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu: “Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm lựa chọn đơn vị tư vấn, giám sát độc lập với chủ đầu tư về tổ chức và tài chính để giám sát các gói thầu do chủ đầu tư thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước về đấu thầu trước khi thực hiện các gói thầu được phê duyệt”. Thế nhưng, NXB Hà Nội đã không thuê đơn vị tư vấn, giám sát độc lập mà tự mình thực hiện.
Ngân sách giai đoạn 2 có nhiều khoản lãng phí. Tủ sách được đầu tư hơn 58 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước nhưng 8,377 tỉ đồng cho chi phí quản lý dự án và dự phòng tăng lương (chiếm 14,3% tổng vốn đầu tư). Trong hơn 8,3 tỉ đồng này, gần 7 tỉ đồng để chi tiền công và dự phòng tăng lương cho khoảng 20 người thuộc ban quản lý dự án (10 người làm kiêm nhiệm hưởng 50%) trong 5 năm.
Đáng chú ý, ông Lê Tiến Dũng, Tổng Giám đốc NXB Hà Nội, đã quyết định chi trả tiền công cho cán bộ, nhân viên tham gia làm dự án với mức khá cao. Chỉ riêng chánh văn phòng kiêm phó trưởng ban quản lý dự án đã có mức tiền công gần 22 triệu đồng/tháng và các phụ cấp khác.
Dù số lượng đầu sách giai đoạn 2 chỉ có 70 cuốn (45 cuốn thuộc dự án và 25 cuốn sách phổ thông) nhưng dự toán chi phí cho công tác truyền thông, quảng bá tủ sách lên tới gần 1,3 tỉ đồng. Trong đó, dự toán chi phí để tổ chức lễ ra mắt tủ sách lên đến 785,9 triệu đồng; chi phí tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sách là 487,365 triệu đồng; chưa kể dự toán kinh phí biên soạn sách điện tử (5 đầu sách) và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dự án tủ sách lên tới gần 6,6 tỉ đồng.
UBND TP Hà Nội yêu cầu kiểm tra
Mới đây, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 818/VP-KGVX thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý về việc báo cáo nội dung liên quan dự án Điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn 2.
Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra toàn bộ quá trình thực hiện các gói thầu theo dự án đã được phê duyệt, kế hoạch đấu thầu, kết quả đấu thầu, giải ngân, sản phẩm tương ứng.
Bình luận (0)