Chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri của mình, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền. Do đó, mỗi câu hỏi tại nghị trường phải là những vấn đề liên quan tới lợi ích của đa số cử tri, được đông đảo nhân dân quan tâm hoặc đang bức xúc, cần tháo gỡ. Việc chất vấn tại nghị trường là nhằm thể hiện chức năng giám sát, một trong ba chức năng cơ bản của QH.
Theo thông lệ nhiều năm trước, câu hỏi chất vấn được gửi trước, người trả lời thường là bộ trưởng ra trước QH đọc văn bản đã chuẩn bị sẵn giống như đọc tham luận ở hội thảo. Những năm gần đây mới có hình thức chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường. Thông thường, do thời gian eo hẹp nên hầu như không có “trao đi, đổi lại” giữa đại biểu và bộ trưởng, hay còn gọi là thiếu sự tranh luận.
Hoạt động tranh luận ở nghị trường là dấu hiệu của một nghị viện - QH dân chủ. Có tranh luận rốt ráo mới ra vấn đề, mới hiểu thấu đáo và đi tới cùng sự việc, tránh được sự áp đặt tư duy, độc quyền chân lý. Ý nghĩa của việc tranh luận giữa người chất vấn và trả lời chất vấn là nhằm giúp cho công việc chung tốt hơn.
Trong 2 ngày 16 và 17-11, QH đã tiến hành “chất vấn những nội dung đã chất vấn”, được cho là chưa từng có tiền lệ. Lần đầu tiên, toàn bộ thành viên Chính phủ cùng lắng nghe, sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi của các đại biểu QH và cử tri. Sự thay đổi này đã đưa QH nước ta từng bước tiến gần hơn tới trình độ phát triển của các nghị viện và QH tiên tiến trên thế giới.
Kỳ vọng thì nhiều song vì là lần đầu tiên nên kết quả thực tế chưa như mong muốn. Việc trả lời chất vấn vẫn chưa thoát khỏi “cái dớp” cũ, đó là chưa làm rõ được trách nhiệm và giải pháp của các “tư lệnh” ngành. Cũng phải nói thêm cho công bằng rằng không ít đại biểu đặt câu hỏi dông dài, thiếu sự sắc bén, hấp dẫn. Vẫn còn đại biểu QH chất vấn bằng cách đọc văn bản, qua đó thể hiện sự thiếu tự tin, chưa chuyên nghiệp. Hỏi lòng vòng thì khó trách đáp chung chung! Những yếu tố này làm suy giảm chất lượng phiên làm việc.
Nhưng cũng nên vui vì nghị trường đã đổi mới, không khí tranh luận đã sôi động. Đòi hỏi ngày càng cao của cử tri và quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế ngày càng sâu về tổ chức nghị viện - QH giúp cho QH nước ta phải chuyên nghiệp hơn; song song đó đại biểu phải biết nâng tầm bản thân và những người đứng đầu các bộ - ngành ý thức cao hơn về trách nhiệm của mình trước quốc dân.
Phải bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên như vậy thì mới có con đường..
Bình luận (0)