xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tướng Giáp và chiến thắng Quảng Trị

Võ Văn Tạo

Lời tòa soạn: Chiến thắng Quảng Trị năm 1972 đã áp dụng nguyên tắc bí mật, bất ngờ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có công lớn trong xây dựng lý thuyết. Bài viết là hồi ức của một người lính từng tham gia trận đánh trên.

 
Là chiến sĩ vệ binh Sư đoàn 304 tham chiến Quảng Trị năm 1972 rồi là học viên Trường Sĩ quan Lục quân Sơn Tây (1973-1974), người viết bài này xin kể lại vài mẩu chuyện liên quan đến đại tướng Võ Nguyên Giáp, góp phần thể hiện chân dung một vị tướng bách chiến bách thắng, được cán bộ và chiến sĩ nể trọng và mến yêu, nhân dân ngưỡng mộ.

Bí mật, bất ngờ là cầm chắc thắng 50%

Sau Hiệp định Paris (1973), về Trường Lục quân, chúng tôi được truyền thụ các nguyên tắc cơ bản trong tác chiến quân sự. Trong đó, nguyên tắc cơ bản nhất là bí mật, bất ngờ là thắng địch 50%. Nghi binh là một trong những chiến thuật giúp thực hiện nguyên tắc bí mật. Giáo viên trường cho biết đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có đóng góp rất lớn trong lý thuyết quân sự của trường và nguyên tắc này là một ví dụ.

“Soi” nguyên tắc này qua thực tế Quảng Trị năm 1972, chúng tôi hiểu vì sao ở giai đoạn đầu chiến dịch, quân ta thắng như chẻ tre. Thậm chí, nhiều đơn vị làm nhiệm vụ rải dây thông tin phân bua: Quân ta tiến nhanh quá, theo không kịp!

Số là, trước tháng 10-1973, bộ đội ta chưa thành lập đơn vị cấp quân đoàn. Trong mấy chục sư đoàn, chỉ có 2 sư chủ lực cơ động là 304 và 308 (mỗi sư gồm 3 trung đoàn bộ binh và 1 trung đoàn pháo binh, phiên chế 100% nam giới). 

Lúc đó, 308 có nhiệm vụ chính yếu là trấn giữ Hà Nội. 304 chuyên “cơm Bắc, giặc Nam” (hậu cứ ở phía Nam tỉnh Quảng Bình, vào mùa chiến dịch lại đảm nhiệm vai trò chủ công ở mặt trận B5 - Quân đội Sài Gòn gọi là Vùng 1 chiến thuật). Trước mỗi mùa khô, tình báo đối phương luôn cố “đánh hơi” 304, 308 động tĩnh thế nào.

Ngày 17-12-1971, tôi được cử đi bảo vệ đoàn cán bộ Sư đoàn 304 (khoảng 20 người, gồm Bộ Chỉ huy, cán bộ chủ chốt Phòng Tham mưu, Ban Tác chiến, Phòng Hậu cần) rời chỉ huy sở ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, bí mật vượt sông Bến Hải vào Quảng Trị trinh sát thực địa, móc nối “lót ổ” với thiếu tá Thành Công, Cục phó - phụ trách căn cứ tiền phương của Cục hậu cần Mặt trận B5 - ém tại phía Nam căn cứ cũ của địch ở Làng Vây. Khi ấy, tại nhiều cao điểm và căn cứ dọc Đường 9 và Bắc Quảng Trị như Động Toàn, 241, 544…, thủy quân lục chiến Sài Gòn vẫn chốt giữ trên đỉnh và xua quân “đèn cù” xuống lùng sục, chúng tôi “ngậm tăm” xuyên rừng đi bên dưới. 

Cùng ngày, chúng tôi lên đường, để nghi binh, một đoàn công tác khác cũng của Sư 304 (chủ yếu là cán bộ chính trị) cũng xuất phát, đi theo Đường dây 559, đến binh trạm nào cũng đăng ký và tung tin Sư 304 đi chuẩn bị chiến dịch ở Đông Nam Bộ, khi trở ra lại đăng ký là quân thu dung của Quân giải phóng miền Nam ra Bắc an dưỡng, học tập. 

Sau chuyến trinh sát, đoàn chúng tôi trở ra hậu cứ ở Quảng Bình. Bỗng một ngày, sư đoàn nhận mật điện từ tổng hành dinh, 304 cấp tốc ra Bắc để tham chiến ở thượng Lào.

Cả sư đoàn lên xe, ngược ra Bắc. Vừa ngang Cự Nẫm ở Bắc Quảng Bình, đột nhiên nhận lệnh rẽ lên phía Tây, “ẩn” trên rừng. 

Sau khoảng 1 tháng “nằm chờ” và ăn Tết Nguyên đán, một hội nghị cho Chiến dịch X (mật danh Chiến dịch Quảng Trị - 1972) được tổ chức tại nơi tạm trú của 304 ở Cự Nẫm với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu, chỉ huy và sĩ quan tùy tùng nhiều sư đoàn bộ binh và pháo binh, nhiều lữ đoàn binh chủng độc lập. 

Sau hội nghị ít hôm, cả sư đoàn lên xe xuôi về Nam lặng lẽ trong đêm. Qua khỏi rừng cao su Bãi Hà (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), vượt sông Bến Hải ở thượng nguồn, dựng trại dã chiến nghỉ đêm, chính trị viên mở radio, nghe BBC đưa tin 308 vẫn ở Xuân Mai (Hòa Bình), 304 “mất hút”… chúng tôi ôm nhau cười ngặt nghẽo.

Gần ngày nổ súng, tháp tùng Sư trưởng Hoàng Đan đi họp ở sở chỉ huy tiền phương Mặt trận B5, chúng tôi biết công tác chuẩn bị trên toàn mặt trận đã cơ bản hoàn tất, chỉ còn chờ giờ G. 

Các trận địa pháo binh - hỏa lực chủ yếu của ta - được nghi binh bằng nhiều trận địa giả, kể cả bộc phá gây khói bụi hỏa mù che mắt máy bay địch. Tuyến đường thiết kế cho xe tăng và xe cơ giới đã vạch xong. 

Để giữ bí mật, các cây rừng lớn cản đường không bị đốn mà dùng bộc phá dây quấn sẵn, chờ giờ pháo binh khai hỏa, sẽ cho nổ luôn. Đến 18-3-1972, Tư lệnh Vùng 1 chiến thuật là trung tướng Hoàng Xuân Lãm vẫn tuyên bố: “Đối phương chưa thể mở chiến dịch lớn tại Quảng Trị”(!).

11 giờ 30 phút trưa 30-3-1072, hàng trăm cỗ đại bác cỡ nòng 130 mm của ta bất ngờ dội bão lửa lên các căn cứ địch ở Dốc Miếu, Dốc Sỏi, Cồn Tiên, Bái Sơn, Đồi Tròn, Tân Lâm, Động Toàn, Đông Hà, Cam Lộ, Ái Tử… hỗ trợ bộ binh ta tiến lên đánh chiếm không mấy khó khăn. 

Bị pháo kích bất ngờ và áp đảo, pháo binh địch câm lặng. Địch chết, bị thương, ra hàng không đếm xuể. Số may mắn sống sót tháo chạy thục mạng. Chỉ trong 4 ngày, gần hết tuyến phòng ngự Đường 9 và Bắc Quảng Trị của quân Sài Gòn tan nát.

img
Tác giả tại hậu cứ Bộ Chỉ huy Sư đoàn 304 ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình tháng 12-1971

Tài ba nhưng không ngừng học hỏi

Trong thời gian ở Trường Lục quân, chúng tôi thường được các giáo viên kể về tác phong sâu sát, chịu khó nghiên cứu học hỏi thực tế huấn luyện và chiến đấu của đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Ở cương vị Đại tướng, lo bao công việc vĩ mô, nhưng ông vẫn thường xuyên về Trường Lục quân để trao đổi, nghiên cứu, bổ túc kỹ, chiến thuật cá nhân và cấp phân đội (từ tổ 3 người đến tiểu đoàn). 

Có lần, đứng trên chòi canh bên “quân xanh” ở giữa bãi tập cao 27,8 m lúp xúp cây bụi sim, mua trên đồi trọc, ông giương ống nhòm quan sát tứ bề. Hồi lâu, bất ngờ nghe “quân đỏ” hô bên dưới: “Báo cáo đại tướng, tôi có mặt”. Ông gật đầu khen: Kỹ thuật tiền nhập như thế là đạt yêu cầu. 

Có lần, biết anh hùng Tạ Thị Kiều (Mười Lý) ra Bắc, có tặng Trường Lục quân cuốn sổ ghi chép các trận đánh kết hợp đấu tranh chính trị binh vận ở Bến Tre, ông bèn mượn để ghi chép, nghiên cứu.

Không chỉ thao lược trong chỉ huy, Đại tướng còn rất yêu quý và hiểu tâm lý chiến sĩ. Năm 1973, ông cùng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình dẫn đầu) đến thăm chính thức Trường Sĩ quan Lục quân và cán bộ Quân giải phóng đang bổ túc ở Trường Lục quân. 

Từ cổng vào nhà hội trường, các vị dẫn đầu đoàn viếng thăm đi bộ (xe đi chậm theo) duyệt quân danh dự nghênh đón. Bỗng trời đổ mưa nhỏ. Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình bèn quay trở lại, lên xe. 

Thấy khối quân danh dự lao xao, phía sau nhiều người trong chúng tôi cố nhón chân nhìn nữ bộ trưởng nức tiếng ở Hội nghị Paris, Đại tướng gọi gấp: “Chị Bình! Chị Bình! Anh em đang nóng lòng xem mặt bà bộ trưởng đây này!”. Lập tức, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình vui vẻ, lại tươi cười xuống xe...
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo