Sáng 27-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh VSATTP đang là vấn đề cả xã hội quan tâm. Vấn đề này cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là người sản xuất phải nhận thức rõ về việc bảo đảm an toàn cho người dân. Trong rất nhiều mặt hàng thực phẩm người dân đang dùng hằng ngày, cần giám sát chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng mất VSATTP, trước mắt cần chọn những mặt hàng tươi sống, sử dụng trực tiếp.
Thủ tướng cho rằng vấn đề ATTP đã nói rất nhiều nhưng kết quả còn hạn chế. Nay chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận để có hiệu quả cao hơn, trong đó phải triển khai đồng bộ, làm rõ trách nhiệm của ngành dọc, của các địa phương. Không thể để một vấn đề lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân như vậy mà không ai chịu trách nhiệm.
“Không nói đến thành tích của địa phương đã làm được gì nữa mà tập trung nêu những vướng mắc để đưa ra biện pháp thực thi tốt nhất trên tinh thần cầu thị, nâng cao trách nhiệm. Việc tuyên truyền, giáo dục để tạo chuyển biến là tốt nhưng giáo dục, tuyên truyền mãi mà không chuyển biến thì phải xử lý nghiêm. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc” - Thủ tướng nói.
“Bao che, thông đồng cho sai phạm”
Báo cáo về tình hình quản lý VSATTP của Văn phòng Chính phủ khẳng định thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm VSATTP nhưng thực trạng thực phẩm bẩn vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Còn rất nhiều vấn đề nổi cộm cần xử lý dứt điểm như sử dụng chất salbutamol, vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, nhập khẩu rượu giả, kinh doanh thực phẩm chức năng...
Phát biểu thảo luận, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, nhìn nhận dù thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt nhưng kết quả chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Vì vậy, ông Chung đề xuất phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở, ban hành những chế tài mạnh để răn đe. “Nếu cơ sở vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm kinh doanh thực phẩm vĩnh viễn” - ông Chung đề xuất.
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng cho rằng tình hình VSATTP hiện nay đáng báo động, rất phức tạp, nguy hiểm. Nguyên nhân đầu tiên của thực trạng này là do không xác định được trách nhiệm, không ai bị kỷ luật khi để tình trạng mất VSATTP tràn lan. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm, còn tình trạng bao che, thông đồng cho sai phạm.
“Lò mổ bất hợp pháp, cơ sở mất vệ sinh thì xã, phường đều biết nhưng không ai bị xử lý, đây là trách nhiệm của bí thư, chủ tịch. Chúng ta cần phải xác định và xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân có liên quan đến tình trạng lộn xộn, bất cập trong quản lý VSATTP hiện nay” - Bí thư Đinh La Thăng bày tỏ.
Đối với lực lượng thực thi trong quản lý VSATTP, ông Đinh La Thăng cho rằng cần phải rà soát, chấn chỉnh, bố trí đúng vai trò chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời đề nghị Thủ tướng cho phép các địa phương được chủ động tổ chức bộ máy quản lý VSATTP trên nguyên tắc không tăng biên chế và cho phép TP HCM thí điểm thành lập cơ quan thống nhất quản lý về VSATTP. Tiền xử phạt được giữ lại địa phương để đầu tư cho công tác quản lý, bảo đảm VSATTP.
Đối với các số liệu và báo cáo của các sở, ngành về VSATTP, ông Đinh La Thăng nói thẳng: “Tôi không tin vì cách lấy mẫu của chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề, thực tế diễn biến phức tạp hơn nhiều” - ông Thăng nói.
Về dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về VSATTP, ông Thăng đặt câu hỏi: “Nếu được thông qua, các địa phương cùng quyết liệt thực hiện có giảm tình trạng mất ATTP không? Tôi nghĩ là chưa giảm bởi hiện nay, nguyên nhân lớn nhất khiến công tác quản lý VSATTP chưa hiệu quả là do không xác định được trách nhiệm. Không kỷ luật được ai cả, từ phường, xã, TP trong khi tình trạng mất VSATTP thì tràn lan”. “Nếu không xử lý được ai, như vậy cả làng đều vui, ăn bẩn vẫn vui vì có xác định được ai có trách nhiệm đâu. Nếu để tình trạng như thế này tiếp diễn thì không giải quyết được vấn đề” - ông Thăng nói tiếp.
Theo ông Đinh La Thăng, mục tiêu của chỉ thị là toàn dân phải vào cuộc mới thành công; phải phân quyền, trách nhiệm cho các đơn vị, các cấp, chính quyền địa phương; xác định và xử lý trách nhiệm cơ quan đơn vị, cá nhân có liên quan tới tình trạng lộn xộn, quản lý bất cập về thực phẩm.
Xử lý mạnh tay
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, địa phương đã được quy định rõ trong luật. Còn về xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, ông Phát cho rằng chủ trương, cách làm đã có nhưng quan trọng là khâu tổ chức thực hiện.
“Chúng ta muốn có rau, thịt an toàn mà lại có hàng triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ thì không quản lý được. Do vậy, phải đưa nông dân vào hợp tác xã để hướng dẫn họ thực hiện theo VietGAP, GlobalGAP, kết nối với doanh nghiệp phân phối” - ông Phát nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, sớm hoàn thiện dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng ký ban hành.
Thủ tướng nhấn mạnh VSATTP không chỉ là vấn đề giống nòi dân tộc mà còn là uy tín quốc tế của đất nước. Chúng ta chưa thành công trong quản lý VSATTP, do vậy cần giải pháp mạnh, kiên quyết. Người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn của mình” - Thủ tướng nói.
Về vấn đề kinh phí, ngoài việc đồng ý để các địa phương ứng trước ngân sách quản lý ATTP, cần đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư thiết bị kiểm tra sau đó thu phí và hoàn vốn. Thủ tướng nhất trí cho phép các địa phương chủ động sử dụng tất cả số tiền phạt vi phạm VSATTP để phục vụ cho công tác này.
Thủ tướng chỉ đạo xử lý hành chính ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự các vi phạm về VSATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất thay đổi tư duy, nhận thức rõ vấn đề bảo đảm VSATTP. Các cơ quan thông tin truyền thông phải vào cuộc tích cực, thông tin đầy đủ, toàn diện về công tác này.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
Ông Đinh La Thăng cho rằng phải quy trách nhiệm cụ thể về việc không quản lý được thực phẩm bẩn. Ví dụ, lò mổ bất hợp pháp, thực phẩm mất an toàn xảy ra ở xã, phường nào thì chủ tịch, bí thư nơi đó phải chịu trách nhiệm. Trên 50% xã, phường để xảy ra tình trạng trên thì bí thư và chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm. Bộ, ngành quản lý nhập khẩu cũng phải kiểm soát, nếu không, bộ trưởng phải chịu trách nhiệm.
Bốn giải pháp bảo đảm ATTP
Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ sắp ban hành nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp để thực hiện việc quản lý ATTP.
Thứ nhất, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về VSATTP trên địa bàn. Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cấp dưới; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện VSATTP.
Thứ ba, phát huy vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm ATTP.
Thứ tư, tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét trong năm 2016 một số vấn đề sau: siết nhập khẩu các chất, thuốc trong sản xuất, chế biến thực phẩm, chấm dứt sử dụng chất salbutamol, vàng ô...; Bộ Y tế siết quản lý sản xuất - kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, bảo đảm vệ sinh an toàn, vệ sinh trong ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp. Bộ Công Thương quản lý chặt, ngăn chặn nhập rượu giả, nước giải khát không truy xuất được nguồn gốc. UBND các địa phương tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các điểm nóng về VSATTP đang được xã hội quan tâm.
Bình luận (0)