Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động thì rất nhiều xe xuất phát từ các bến xe ở Hà Nội cũng như TP HCM, trong đó chủ yếu xe có thương hiệu luôn chạy với tốc độ cao nhằm bắt khách 2 bên đường; dừng, đỗ cả nơi có biển cấm. Xe có thương hiệu, do các doanh nghiệp quản lý mà như thế thì hẳn “xe dù” còn lộng hành gấp bội. Năm nào cũng nói chuyện “xe dù, bến cóc” nhưng cứ dịp cận Tết là lại bùng phát.
“Xe dù, bến cóc” càng lộng hành thì gây ra cảnh ùn ứ rồi náo loạn, mất trật tự lưu thông dẫn đến lắm vụ tai nạn thương tâm. Nhiều người nặng lời với việc năng lực của hạ tầng giao thông chưa đủ đáp ứng nhu cầu lưu thông của phương tiện cơ giới gây ra ùn ứ, rồi tai nạn... Chuyện này là đúng nhưng nếu nhìn cảnh những chiếc xe dù chạy bạt mạng, luồn lách như múa trên đường thì sẽ thấy không ùn tắc, không tai nạn mới lạ. Nghiêm trọng hơn là bây giờ không chỉ có “xe dù” mà cả xe có thương hiệu hẳn hoi cũng góp thêm vào cái sự ùn tắc ấy.
Khi xe khách từ trong các bến chạy ra thì phải hiểu đấy là xe có luồng tuyến đăng ký cố định hẳn hoi. Lẽ ra phải chạy đúng giờ đúng giấc, đúng luồng tuyến nhưng chỉ ngay sau khi xuất bến đã giở trò chạy lòng vòng, dừng đỗ lung tung, giành nhau chèo kéo để bắt khách công khai thì đấy không phải là chuyện nhỏ. Người dân đặt câu hỏi chi phí cho công tác quản lý vận tải khách đã đi về đâu? Các hãng xe đương nhiên có đủ lý do để biện bạch, mà dễ nói nhất là vin vào cớ khách ít, lỗ nên phải “vét” khách để bù. Nhưng nếu ít khách thật thì sao việc cấp phép vẫn cứ tràn lan?
Cho biết là đã xử lý rất mạnh tay, thậm chí cắt “nốt” và từ chối phục vụ hàng chục phương tiện vi phạm hành trình; dừng đỗ, đón trả khách sai quy định nhưng “thực lòng mà nói là bắt không xuể. Có lực lượng đi làm thì họ không vi phạm, mình đi khỏi là họ lại vi phạm bình thường” - giải thích của ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.
Nói thẳng ra thì lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thừa nhận bất lực trước thực trạng này. Đây không phải là chuyện riêng ở Hà Nội mà là của nhiều địa phương trong cả nước, phản ánh một thực trạng yếu kém trong quản lý vận tải hành khách.
Vấn đề là làm sao chấm dứt được thực trạng bát nháo đang diễn ra công khai hằng ngày trên các tuyến đường không hề là hẻm, là ngách này? Phải chăng “bí quyết” chỉ nằm ở chỗ cứ nói mãi là cần sự phối hợp vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ CSGT, chính quyền địa phương, các bến xe, lực lượng thanh tra giao thông cũng như phải tuyên truyền để nhân dân không bắt xe dọc đường… như cách nói của một vị lãnh đạo ngành giao thông Hà Nội?
Bình luận (0)