Trong phiên thảo luận của Quốc hội (QH) tại hội trường sáng 29-3 về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Đương (TP HCM) cho rằng những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ qua của Chính phủ có nhiều nguyên nhân nhưng không thể đổ hết lỗi cho Chính phủ.
Chỉ 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ
ĐB Đỗ Văn Đương đề cập tới vấn đề “nóng” là biên chế bộ máy nhà nước, kể cả các tổ chức đoàn thể hoạt động bằng ngân sách không giảm mà phình ra. “Theo ước tính, chi lương hết gần 400.000 tỉ đồng/năm. Nếu chi đủ các khoảng thì hết gần 1 triệu tỉ đồng - bằng thu ngân sách một năm của cả nước. Ăn hết nguồn thu rồi thì lấy đâu ra chi cho đầu tư phát triển” - ĐB Đương tính toán.
ĐB đến từ TP HCM tiếp tục đặt vấn đề về tính hiệu quả của bộ máy nhà nước. Theo báo cáo hằng năm của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, chỉ 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, trong khi dư luận râm ran một phần ba cán bộ không làm được việc, “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”. ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng cần cắt giảm bộ máy hành chính bằng nhiều biện pháp; nhất thể hóa một số cơ quan Đảng với chính quyền; giảm bớt các tổ chức đoàn thể, nhất là các tổ chức hoạt động bằng tiền ngân sách để giảm lớp cán bộ trung gian, cán bộ phong trào. “Có làm có ăn, không làm thì thôi chứ đừng dựa dẫm, ăn bám nhà nước” - ĐB Đương nói thẳng.
Đại biểu Đỗ Văn Đương thẳng thắn nêu tình trạng mua, bán chức quyền tại cuộc họp Quốc hội vào ngày 29-3Ảnh: Nguyễn Nam
Đồng tình quan điểm này, ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cũng nêu rõ tư tưởng xem “ngân sách là chùm khế ngọt” vẫn còn rất nặng trong công tác quản lý. Việc thu chi ngân sách hợp lý là bài toán chưa có đáp số. Tình trạng tranh thủ chi cho hết ngân sách đã được cấp vào thời điểm cuối năm luôn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều năm nay. Quan điểm chi hết ngân sách để khỏi bị thu lại hoặc nếu chi không hết thì năm tới sẽ bị cấp ít hơn làm giảm tính hiệu quả của công tác quản lý và xảy ra tình trạng lãng phí.
Thiếu cơ chế gắn trách nhiệm
ĐB Đỗ Văn Đương đặt vấn đề: “Dư luận râm ran có tình trạng “chạy” chức, “chạy” quyền hay đó là sự thật? Vì sao người ta cứ “chạy” và “chạy” được? Đây là câu hỏi rất lớn mà nhiệm kỳ qua cử tri cả nước thắc mắc nhưng chưa có lời đáp”.
Cho rằng việc “chạy” chức, “chạy” quyền không chỉ tạo bất công lớn mà còn “đẻ” ra tham nhũng, ĐB Đương lý giải: “Bởi họ mua, bán xong thì phải vơ vét để bù chi phí đã bỏ ra, đấy là quy luật thị trường”. ĐB này “đặt hàng”: “Chỉ có Bộ Chính trị mới giải quyết được nạn chạy chức. Tôi chỉ tiếc trong Bộ Luật Hình sự không đưa vào tội mua, bán chức quyền. Nhiều lần tôi đề nghị nhưng chưa được, trong khi đấy là hành vi tội phạm”.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phản ánh cử tri và nhân dân thường xuyên kiến nghị Chính phủ ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, “chạy” chức, “chạy” quyền... “Gần đây, Tổng Bí thư có nêu một khái niệm là “chạy” luân chuyển. Điều đó có nghĩa có chính sách gì mới là họ “chạy”. “Việc này dân biết, Đảng biết, Chính phủ và các ban, ngành đều biết. Thế nhưng, chúng ta thiếu cơ chế để gắn trách nhiệm cho người đứng đầu trong quá trình xử lý và chính vì thế câu hỏi “Chạy ai?”, “Ai chạy?” chúng ta chưa trả lời được” - ĐB Phương nói.
Kiên quyết tinh giản biên chế
ĐB Nguyễn Ngọc Phương cho rằng việc tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước chưa tốt. Hạn chế này có cả trong Đảng, QH và cả trong Chính phủ. Chúng ta cần tập trung để trong thời gian tới tinh giản biên chế bằng được và thực hiện cải cách tiền lương hiệu quả.
Bình luận (0)