Điều chỉnh viện phí là việc phải làm bởi không tăng viện phí thì không thể nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ người bệnh và giảm tiêu cực. Vậy vì sao không ít lần Bộ Y tế đưa ra dự thảo điều chỉnh viện phí rồi lại rút về?
Bộ Y tế cho biết việc điều chỉnh viện phí lần này vẫn chỉ là thu một phần viện phí. Theo tính toán, viện phí của 350 dịch vụ được đề nghị điều chỉnh chỉ tính tiền thuốc, dịch truyền, máu, vật tư, hóa chất, điện, nước, nhiên liệu, bảo dưỡng thiết bị trực tiếp... Các khoản được ngân sách Nhà nước chi không tính và thu vào viện phí.
Chờ khám BHYT tại Bệnh viện An Bình - TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo PGS - TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa Điều trị tích cực - Bệnh viện (BV) Bạch Mai, một giường bệnh chuyên dụng tại Khoa Điều trị tích cực có giá khoảng
1 tỉ đồng, đó là chưa kể các thiết bị máy thở, bơm kim điện, bình ôxy... Thế nhưng, mỗi bệnh nhân ở đây hiện chỉ trả 18.000 đồng cho một ngày điều trị. Ông Bình cho rằng giả sử viện phí có tăng lên mức 100.000 - 120.000 đồng/người/ngày thì cũng không thấm vào đâu so với chi phí điều trị thực tế.
Nhiều y - bác sĩ thừa nhận rằng việc coi bệnh nhân là “khách hàng” ở các bệnh viện vẫn chưa thể thực hiện được vì cán bộ y tế chưa kịp thay đổi tư duy phục vụ vốn đã tồn tại từ rất lâu. |
Tuy nhiên với bệnh nhân, viện phí tăng đồng nghĩa với việc thêm một gánh nặng. Bà Nguyễn Thanh Vân, đang điều trị ung thư tại Khoa Chống đau (BV K, Hà Nội), cho biết hơn một năm nay, trung bình mỗi đợt điều trị (một tháng) của bà hết khoảng 18 triệu đồng, trong khi đó số tiền bà được bảo hiểm thanh toán chỉ khoảng hơn 6 triệu đồng.
“Nếu tăng viện phí mà không có chính sách hỗ trợ bệnh nhân ngoài các khoản tiền được BHYT thanh toán, e rằng càng đẩy người bệnh nghèo thêm phần khó khăn, nhất là khi giá thuốc liên tục tăng” - bà Vân nói.
Tại một hội nghị bàn về vấn đề kinh tế y tế, GS - TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng khung viện phí từ năm 1995 đã không còn phù hợp nên một số BV không hào hứng với dịch vụ có giá quy định thấp hơn giá thành và xuất hiện tình trạng “xé rào” viện phí.
Rõ ràng viện phí theo quy định từ năm 1995 đã quá lạc hậu, nếu tiếp tục áp dụng mà không có điều chỉnh, các BV gặp rất nhiều khó khăn và khi đó dễ nảy sinh tiêu cực. Việc điều chỉnh viện phí vẫn được không ít các BV cho là cơ sở để tăng chất lượng phục vụ người bệnh.
Thế nhưng, không ít người cho rằng mức viện phí đã được các BV tự điều chỉnh tăng từ nhiều năm nay. Viện phí tại các BV hiện nay đều thu cao hơn từ 10-20 lần so với khung viện phí được quy định.
Theo Bộ Y tế, mục đích cuối cùng của việc điều chỉnh viện phí là nhằm bảo đảm công bằng xã hội và góp phần giảm sự bao cấp tràn lan trong khám chữa bệnh. Thế nhưng, thực tế hiện nay cho thấy ngay cả khi viện phí đã bị “xé rào”, đa số người dân vẫn không hài lòng với dịch vụ y tế.
Bình luận (0)