Nhiều bệnh viện (BV) lại đòi tăng viện phí với lý do mức thu đang quá thấp. Theo các BV, tiền khám bệnh chỉ từ 500 đồng - 3.000 đồng/lần không đủ mua găng tay, khẩu trang, nói gì đến việc đào tạo được một bác sĩ với chất lượng đầu vào rất khắt khe…
Nảy sinh tiêu cực do viện phí thấp?!
PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức - Hà Nội, cho rằng khung giá thu một phần viện phí mà Bộ Y tế ban hành từ năm 1995 đã quá lạc hậu do giá thuốc, vật tư y tế và các chi phí dịch vụ phục vụ khám - chữa bệnh (KCB) như điện, nước, rác thải… đều tăng.
Theo ông Quyết, viện phí thấp là nguyên nhân gây ra nhiều tiêu cực trong ngành y tế, như: Không giữ được “đạo” của nghề; tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân chưa tốt; một số BV bày ra nhiều “thủ thuật” để tăng mức thu... Mức thu giữa BV và các tuyến kỹ thuật chưa có sự khác biệt nên chưa khuyến khích được người mắc các bệnh thông thường điều trị ở tuyến y tế cơ sở, bệnh nhân thường đến thẳng các BV tuyến trên dẫn đến quá tải ở tuyến Trung ương. Ngoài ra, viện phí thấp còn gây mất cân bằng trong KCB vì chẳng khác gì “bao cấp” cho người giàu.
Nhiều bệnh viện vẫn trong tình trạng quá tải dù viện phí đã tăng gấp nhiều lần
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho rằng theo Thông tư 14, khi chỉ số giá cả thay đổi 10% thì cần điều chỉnh, trong khi 15 năm qua, viện phí không thay đổi khiến các BV gặp nhiều khó khăn.
Minh bạch tài chính khi tăng viện phí
Theo ông Nguyễn Tiến Quyết, để công bằng hơn với bệnh nhân nghèo bị các bệnh mãn tính, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ họ. Riêng các BV cần thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Nguồn quỹ này sẽ được trích ra từ chính nguồn thu từ viện phí để hỗ trợ thêm một phần kinh phí cho họ.
“Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rằng tăng viện phí là để sẻ chia gánh nặng ngân sách Nhà nước cho y tế và để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chứ không phải đem lại lợi ích riêng tư cho y - bác sĩ. Khi người dân đã hiểu thì họ sẵn sàng chia sẻ với Nhà nước và ngành y tế” – ông Quyết nói. |
TS-BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương, nhận định việc tăng viện phí là cần thiết nhưng phải có lộ trình. Nghĩa là phải nghiên cứu để lúc nào tăng là phù hợp, tăng đồng loạt hay tăng trước một số dịch vụ. “Những năm gần đây, chi phí đầu vào đối với KCB ngày càng tăng cao. Dù y tế là một ngành đặc thù không giống như những loại hình kinh doanh khác song trong bối cảnh “đầu vào” tăng như vậy thì việc tăng viện phí là rất cần thiết để tái đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB” – ông Phú phân tích.
“Xé rào” viện phí, chất lượng vẫn thấp
Từ giữa năm 2010, sau khi Bộ Y tế trình dự thảo mức viện phí mới tăng so với trước 10-20 lần, không ít người cho rằng việc tăng viện phí lần này cũng chỉ là hợp thức hóa cho chuyện “xé rào” của các BV bởi thực tế đã tăng từ nhiều năm trước. Thế nhưng trước những câu hỏi về vấn đề này, đại diện Bộ Y tế đều từ chối bình luận.
Dự kiến khung viện phí mới sẽ được thực hiện đồng loạt trong thời gian tới bởi theo các BV, chất lượng dịch vụ y tế đang ở mức không thể chịu đựng thêm. Trước tình hình này, không ít người bày tỏ băn khoăn việc tăng viện phí liệu có cải thiện được chất lượng dịch vụ, hỗ trợ người nghèo và người bệnh mãn tính. “Nếu mỗi bệnh nhân được nằm một giường bệnh, phòng bệnh bảo đảm các tiêu chí vệ sinh, không còn chuyện phong bì… thì tăng viện phí là thỏa đáng. Còn bệnh nhân vẫn khốn khổ vì nằm ghép hoặc phải “mất tiền” mới có giường nằm thì tăng viện phí là thêm gánh nặng”- anh Nguyễn Tuấn Hùng, có người nhà đang điều trị tại một BV lớn ở Hà Nội, nói.
Dù Bộ Y tế cho rằng việc tăng viện phí không ảnh hưởng tới nhiều người vì chỉ có 2% dịch vụ tăng giá nhưng phần lớn những dịch vụ này rất thiết yếu khi bệnh nhân vào viện, như: tiền khám bệnh, tiền xét nghiệm máu, tiền giường bệnh… Trong khi đó, vẫn còn rất nhiều đối tượng phải đồng chi trả BHYT, ngay cả người nghèo vẫn phải trả thêm một khoản chi phí đáng kể cho các loại thuốc không được BHYT thanh toán cũng như các chi phí gián tiếp khác. Viện phí là cần thiết song cần thiết hơn cả là phải tăng chất lượng dịch vụ một cách toàn diện và cần có trợ cấp cho người nghèo. Bởi thực tế hiện nay, khi viện phí chưa tăng nhiều, người bệnh đã không đủ sức chi trả, vậy khi tăng thêm hàng chục lần thì sẽ có bao nhiêu người mất cơ hội được chăm sóc y tế?
Bình luận (0)