Tại hội thảo chuyên đề về hiến ghép tạng ngày 12-1, GS-TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức (Hà Nội) - cho biết kỹ thuật ghép đầu người nếu được ứng dụng sẽ mang lại cơ hội sống kỳ diệu cho người chết não.
Ca ghép lịch sử
Theo GS-TS Sơn, bác sĩ Sergio Canavero (Ý), người có 30 năm nghiên cứu về cấy ghép đầu người, đã chuẩn bị xong ê-kíp 150 bác sĩ cùng trang thiết bị để chuẩn bị ca ghép đầu tiên trên thế giới vào năm 2017. Người hiến đầu là anh Valery Spiridonov - 30 tuổi, người Nga, bị hội chứng di truyền Werdnig Hoffmann hiếm gặp (liệt toàn thân từ cổ xuống), cơ thể bị tổn thương do chấn thương tủy, ung thư, teo cơ; chỉ có bộ não còn nguyên vẹn, minh mẫn. Vấn đề khó khăn nhất là các bác sĩ phải làm thế nào để tách đầu ra khỏi cơ thể người hiến tặng mà vẫn duy trì được sự sống, tránh bị chết não.
Ông Sơn cho biết các nhà khoa học trên thế giới ủng hộ ca ghép lịch sử này, trừ một bác sĩ người Mỹ phản đối khi nhận định cuộc sống sau ghép đầu sẽ tồi tệ hơn cái chết. “Chúng tôi đang theo dõi sự chuẩn bị và quá trình thực hiện ca ghép. Nếu ca ghép thành công và nếu trong nước có nhu cầu, chúng tôi sẵn sàng mời ê-kíp của ca ghép này đến Việt Nam” - ông Sơn khẳng định.
Cũng theo GS-TS Sơn, ca phẫu thuật ghép đầu nêu trên dự kiến thực hiện trong 2 ngày. Quá trình phẫu thuật sẽ không khác gì “một bộ phim kinh dị”. Đầu người hiến bị cắt đứt bằng một lưỡi dao cực sắc, sau đó gắn với phần cơ thể người nhận. Phần việc khó khăn nhất sau đó là nối lại tủy sống và hạn chế rủi ro khi cơ thể người nhận thải loại phần đầu mới ghép.
Kỹ thuật ghép đầu đã được thực hiện thử nghiệm trên khoảng 1.000 con chuột. Chi tiết đáng chú ý là sau khi được cấy ghép đầu, những con chuột này có thể thở, nhìn thấy và uống nước nhưng chỉ sống được vài phút.
Khan hiếm nguồn tạng
Tại hội nghị trên, các nhà chuyên môn đã dành nhiều thời gian bàn thảo về những thành tựu, triển vọng cũng như vướng mắc, khó khăn trong công tác ghép tạng ở Việt Nam.
PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức, cho rằng hầu hết các kỹ thuật ghép tạng khó của thế giới, Việt Nam đều đã thực hiện được, kinh phí lại rẻ hơn nhiều lần. Thậm chí, có những kỹ thuật ghép tạng đã trở thành thường quy ở các cơ sở y tế. Dù vậy, khó khăn nhất hiện nay vẫn là khan hiếm nguồn tạng hiến, trong khi nhu cầu là rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng.
Tính đến nay, cả nước đã có 3.542 người đăng ký hiến tạng, trong đó 57,9% là nam giới. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, cho biết hiện nay, cả nước có hơn 6.000 người chờ ghép thận; 300.000 người mù chờ ghép giác mạc; 1.500 người chờ ghép tim. Đây là số người chờ ghép ở các BV, còn thực tế lớn hơn rất nhiều. Đến nay, cả nước chỉ mới ghi nhận khoảng 1.200 trường hợp hiến tạng chủ yếu từ người sống để thực hiện hơn 1.100 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim. Trong khi đó, số người chết não vì tai nạn hiến tạng chỉ vài chục ca, dù hằng năm có hàng ngàn người qua đời.
Ở BV Việt Đức, mỗi năm có gần 500 ca chết não nhưng trong 5 năm qua, BV chỉ vận động được 26 người chết não hiến tạng. 26 người hiến đã cứu được 11 bệnh nhân suy tim, 22 người suy gan và 50 người suy thận. Theo ông Phúc, cái khó hiện nay là làm sao để các gia đình thấy rõ ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp của việc hiến tạng, từ đó có sự sẻ chia trách nhiệm với cộng đồng.
Nhiều rủi ro
PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết cho rằng kỹ thuật ghép đầu người là vô cùng phức tạp. Để các thầy thuốc Việt Nam ghép được đầu người có thể mất nhiều chục năm nữa.
“Không giống như các bộ phận cơ thể khác, đầu người có rất nhiều dây thần kinh, đặc biệt với dây thần kinh cột sống chưa có nước nào trên thế giới ghép được. Do đó, ghép đầu người sẽ là một kỹ thuật nhiều rủi ro” - ông Quyết nhấn mạnh.
Bình luận (0)