xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vinashin vẫn trong tầm kiểm soát

Tô Hà

Tại cuộc họp báo chiều 4-8, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Số phận Vinashin phụ thuộc vào ba yếu tố: phương án khả thi; kiểm điểm, xử lý nghiêm sai phạm và công khai minh bạch để tạo sự đồng thuận của xã hội và nhân dân

Nhìn nhận Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) “khó khăn nhiều hơn thuận lợi”, song Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Vinashin vẫn trong tầm kiểm soát khi công bố kế hoạch tái cơ cấu tập đoàn này.
 
img
Tại cuộc họp báo, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhận định: Những sai phạm ở Vinashin có
nguyên nhân chủ quan thuộc về Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Ảnh: PHẠM DƯƠNG
 
Nợ phải trả gấp 11 lần vốn chủ sở hữu
 
Vinashin được thành lập năm 1996, năm 2003 thí điểm  chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và chuyển thành tập đoàn từ năm 2006.
 
Với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt từ 35%-40%, Vinashin từ chỗ vốn chủ sở hữu chỉ có hơn 100 tỉ đồng, năng lực đóng tàu 1.000-3.000 tấn, đến năm 2009 đã tăng vốn chủ sở hữu lên 8.000 tỉ đồng, đóng được tàu hàng trọng tải 53.000 tấn, tàu chở dầu thô đến 105.000 tấn. Năm 2009, tập đoàn đã ký được đơn hàng đóng tàu trị giá khoảng 12 tỉ USD.
 
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn số liệu cho thấy Vinashin bắt đầu thua lỗ từ năm 2009. Tính đến tháng 6-2010, tổng tài sản của Vinashin có khoảng 104.000 tỉ đồng nhưng tổng số nợ phải trả lên đến 86.000 tỉ đồng.
 
Vốn điều lệ thấp, chi đầu tư dàn trải nên tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gần 11 lần. Vì vậy, tập đoàn này đã rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Sản xuất đình đốn, đã có 17.000 trong tổng số 70.000 công nhân bỏ việc, gần 5.000 người mất việc làm.
 
Xử lý nghiêm minh sai phạm
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo Vinashin là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu dẫn đến tình trạng hiện nay.
 
Vinashin đã báo cáo không đúng thực trạng về sử dụng vốn, đầu tư, phát triển thêm doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh. Năm 2009 và quý I năm nay, Vinashin vẫn báo cáo có lãi!
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh những sai phạm ở Vinashin dẫn đến hậu quả như hiện nay là nghiêm trọng. Trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu.
 
“Ông Phạm Thanh Bình vừa là chủ tịch HĐQT vừa là tổng giám đốc trong một thời gian dài nên phải chịu trách nhiệm. Cá nhân nào vi phạm, làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật và kỷ luật Đảng”.
 
Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân chủ quan thuộc về Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Kinh tế thế giới khủng hoảng, VN chưa suy thoái nhưng suy giảm nặng, tăng trưởng GDP quý I/2009 chỉ đạt 3,1%.
 
Trong các tập đoàn và ngành sản xuất, ảnh hưởng nặng nề nhất là Vinashin. Qua thảo luận, Chính phủ nhận thấy nếu mô hình thí điểm chặt chẽ hơn, Vinashin sẽ không khó khăn như hiện tại.
 
Bài học lớn nhất từ Vinashin, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng là yếu kém trong công tác kiểm soát của Nhà nước do cơ chế bất cập.
 
Ví dụ, Vinashin không có chức năng mua tàu để hoạt động kinh doanh vận tải biển nhưng trong khi Thủ tướng Chính phủ chưa đồng ý, tập đoàn này đã nhận tàu về.
 
Chính phủ phân cấp cho chủ tịch HĐQT được quyết định các dự án đầu tư nhưng không có danh mục từng dự án được phân công hoặc cho phép tập đoàn kinh tế được đầu tư đa ngành nghề nhưng không nói rõ được đầu tư vào ngành nào, tỉ lệ bao nhiêu phần trăm trên vốn chủ sở hữu... Các vấn đề này đã được rút kinh nghiệm và sửa đổi.
 
Ở đây có sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan tham mưu của Chính phủ. Việc sửa chữa các sai phạm ở Vinashin đã có cả quá trình.
 
Ngay từ năm 2006, Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc sử dụng, huy động vốn của tập đoàn và yêu cầu thoái vốn ở những ngành nghề khác để tập trung vào các dự án hiện đại hóa và nâng cấp cơ sở đóng tàu biển. 
 
Dựng lại một Vinashin mới
 
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã quyết tâm dựng lại một Vinashin mới. “Tình hình của Vinashin vẫn ở trong tầm kiểm soát và khả năng giải quyết của chúng ta. Nếu cho phá sản Vinashin, vẫn phải dựng lại ngành công nghiệp tàu thủy mới. Giá trị tài sản của tập đoàn này gần 5 tỉ USD, nếu cơ cấu lại đưa vào hoạt động, thu lại được vốn sẽ duy trì được ngành công nghiệp này. Cho phá sản, những dự án dở dang trở thành đống sắt vụn, không thu hồi được vốn, nợ nần nghiêm trọng sẽ tác động dây chuyền đến cả nền kinh tế” - Phó Thủ tướng phân tích.
 
Cơ sở để Chính phủ tái cơ cấu Vinashin là xác định lại chiến lược phát triển, thu hẹp ngành kinh doanh từ 185 dự án xuống còn 13 dự án trong năm 2010.
 
Vinashin mới không còn đa ngành như kiểu cũ, chỉ tập trung vào 3 ngành nghề kinh doanh chính là đóng, sửa chữa tàu; công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu; đào tạo đội ngũ thiết kế, công nhân kỹ thuật lành nghề.
 
Từ đầu tháng 6 đến nay, những giải pháp nêu trên đã bước đầu có kết quả: các dự án chuyển về Tập đoàn Dầu khí VN đã khởi động trở lại.
 
Hơn 1.000 công nhân nghỉ việc ở nhà máy đóng tàu Dung Quất đã đi làm, dự kiến tháng 10 tới sẽ hạ thủy tàu chở dầu 104.000 tấn...
 
Đối với các khoản nợ, Vinashin phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cổ phần hóa các công ty con để thu lại vốn trả nợ.
 
Chính phủ sẽ không trả nợ thay Vinashin, chỉ cấp thêm vốn điều lệ cho xứng với quy mô tập đoàn và có thể tiếp tục phát hành trái phiếu cho Vinashin vay để đầu tư tập trung cho các ngành nghề chính.
 
Trên cơ sở định hướng tái cơ cấu, HĐQT Vinashin bước đầu đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh mới, sơ bộ tính toán đến  năm 2012 còn lỗ. Dự báo đến năm 2013, 2014 Vinashin bắt đầu có lãi và sau năm 2015 sẽ phát triển ổn định.
 

Giải quyết gần 1 triệu việc làm

 
Tại cuộc họp báo chiều 4-8, Chính phủ đánh giá 7 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Các mục tiêu tăng trưởng đều cao, công nghiệp tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2009. Cán cân thương mại đã chuyển biến tích cực, hạn chế được nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng xuất khẩu ước đạt 38,3 tỉ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2009. Nhập siêu 7 tháng ước đạt khoảng 7,4 tỉ USD, bằng 19,45% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 chỉ tăng 0,06%, đạt mức thấp nhất kể từ đầu năm. Trong 7 tháng, cả nước giải quyết gần 1 triệu việc làm.

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền:

Không chấp hành nghiêm túc

 
Trả lời câu hỏi vì sao phải tới khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc mới phát hiện các sai phạm của Vinashin, tại cuộc họp báo chiều 4-8, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết: Kể từ khi chuyển Vinashin thành tập đoàn (năm 2006) cho đến nay, đã có tổng cộng 11 cuộc thanh, kiểm tra, kiểm toán của Nhà nước cũng như giám sát của Quốc hội.
 
Theo nguyên tắc chung, mỗi đơn vị chỉ chịu một cuộc kiểm tra hoặc thanh tra trong một năm nhưng riêng Vinashin đã phải chịu nhiều cuộc như vậy trong một năm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra nội dung nào thì có kết luận về nội dung đó, còn tất cả các vấn đề khác cũng được các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra. Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết thúc kiểm tra, Thanh tra Chính phủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã tiến hành thanh tra toàn diện Vinashin.
 
Qua kiểm tra, thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vi phạm tại Vinashin và đã giúp Chính phủ điều chỉnh nhiều quy mô dự án, xử lý nhiều vấn đề bất cập trong huy động vốn và đầu tư ra ngoài ngành của Vinashin, một số vi phạm như trong mua sắm tàu của doanh nghiệp này đã được Chính phủ lưu ý. Tuy nhiên, do từ trước tới nay, chưa có một cuộc thanh tra toàn diện để giúp Chính phủ đánh giá thực chất hiệu quả hoạt động của Vinashin cho nên dù đã chỉ ra những thiếu sót nhưng tập đoàn này vẫn chưa chấp hành, thực hiện đúng mức các uốn nắn của Chính phủ, dẫn tới tổn thất, thất thoát và hiệu quả kinh doanh kém. Tóm lại, chưa có cơ chế, chế tài xử lý việc chấp hành không nghiêm, đặc biệt chưa kiên quyết yêu cầu Vinashin chấp hành nghiêm.

P. Dương ghi

Bắt tạm giam ông Phạm Thanh Bình

 
Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) được sự phê chuẩn của VKSND Tối cao, ngày 4-8, đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vinashin Phạm Thanh Bình (ảnh) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

img


Tối cùng ngày, lực lương Cơ quan An ninh điều tra đã đồng thời thực hiện lệnh khám xét nhà riêng của ông Bình tại ngõ 10, Ngô Văn Sở (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và tại căn hộ tầng 16 tòa nhà 17T-6  khu đô thị Trung Hòa- Nhân Chính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
 
Ông Phạm Thanh Bình, sinh năm 1953 tại tỉnh Cà Mau, tốt nghiệp đại học ngành đóng tàu tại nước ngoài, làm tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy VN từ năm 1996, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vinashin từ 2006.
 
Trước đó, ngày 13-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra quyết định đình chỉ chức vụ chủ tịch HĐQT Vinashin đối với ông Phạm Thanh Bình sau khi có kết luận về những sai phạm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Theo kết luận này, những sai phạm của ông Phạm Thanh Bình là do thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội. Vi phạm của ông Phạm Thanh Bình dẫn đến Vinashin có nguy cơ phá sản, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Ng.Quyết
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo