xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Võ Nguyên Giáp - Người thầy lớn

Lê Đăng Doanh

Từng có nhiều lần được làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tác giả kể lại những kỷ niệm đáng nhớ, qua đó toát lên một tấm gương sáng, cần học tập và noi theo suốt đời

Từ năm 1971, khi giúp Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm việc với đoàn chuyên gia cố vấn CHDC Đức, tôi lần đầu tiên được tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc đầu là gửi báo cáo và nhận lại những báo cáo đã gửi có bút tích của ông, ghi rõ “đã đọc”.
img
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự cuộc giao lưu “Vang mãi khúc quân hành” tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào năm 2005 Ảnh: XUÂN GỤ
 
Sau đó, tôi có dịp gặp ông trong các cuộc họp của lãnh đạo Đảng và Chính phủ hay cùng với các anh lãnh đạo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương đến báo cáo trực tiếp với ông. Sau này, khi Đại tướng phụ trách khoa học - công nghệ, tôi nhiều lần được sang làm việc, báo cáo, thảo luận những vấn đề ông quan tâm; lúc đầu tại cơ quan Bộ Quốc phòng và về sau thì tại nhà riêng của ông, nay đã trở thành một địa chỉ lịch sử.

Năm 1982, khi Đại tướng được giao trực tiếp nắm lĩnh vực khoa học - công nghệ, có một sự kiện khó quên. Hồi đó, Văn phòng Chính phủ thiếu hội trường lớn để họp. Cuộc họp do ông chủ trì với các viện, trường và các bộ liên quan về một đề án chính sách khoa học - công nghệ được tổ chức ở hội trường tầng 2 của CLB Ba Đình chỉ có ghế ngồi, không có bàn. Anh em cán bộ khoa học ngồi ở phía sau hội trường, những hàng ghế đầu trống vắng, không ai ngồi vì ngại. Đại tướng bước vào trong bộ quân phục nhưng không mang quân hàm, thấy ngay tình hình này bèn đến trước micro hô to như quân lệnh: “Tất cả đứng dậy, tiến lên phải trước 5 hàng, bước!”. Mọi người giật mình, đứng phắt dậy, răm rắp làm theo lệnh của ông và im lặng, chăm chú nghe. Ông tươi cười, ôn tồn nói: “Chúng ta phải tập trung làm việc cho có hiệu quả. Bây giờ bắt đầu báo cáo và thảo luận”. Từ đó, Đại tướng không bao giờ phải ra mệnh lệnh như thế lần nào nữa vì mọi người đã biết tác phong làm việc chính xác, nghiêm túc của ông.

Điều nổi bật ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sức làm việc phi thường, khả năng nắm bắt những vấn đề mấu chốt nhanh, phát biểu rất ngắn gọn, đúng vấn đề. Trong những lần nghe ông phát biểu tại hội nghị hay trao đổi, tôi chưa bao giờ thấy ông nói dài hay tự lặp lại mình...

Một năng lực khác thường của Đại tướng là nghe rất chăm chú, tiếp nhận thông tin và có phản hồi ngay. Khác với những vị khác hay cắt lời, nói chen vào khi cán bộ báo cáo rồi tự nói rất dài, ông luôn nghe rất tập trung, không bao giờ ngắt lời mà chỉ hỏi thêm. Sau đó, ông phát biểu ngắn gọn, súc tích, rất rõ ràng để chỉ đạo công việc. Đại tướng có trí nhớ phi thường về con người và sự việc. Làm việc với rất nhiều người, thái độ luôn chan hòa, cởi mở. Ông cũng nhớ tên rất nhiều người khi gặp lại, nhắc lại nội dung lần gặp trước, làm cho anh em rất cảm động.

Đại tướng đối xử với cán bộ rất dân chủ, bình đẳng và chân thành. Tôi đã học được rất nhiều từ những câu hỏi và bình luận của ông như một người thầy. Biết tôi hay đọc sách, Đại tướng ký tặng tôi những tập hồi ký của ông. Những tập sách ấy đã trở thành tài sản vô giá trong thư viện của tôi.

Sau này, ông thường hẹn tôi đến sau giờ làm việc. Lúc đó là giờ ông đi bộ ở trong vườn. Ông vừa đi với tôi vừa lắng nghe vừa trao đổi rất thẳng thắn và thân tình.

Tôi cũng được chứng kiến sự bình tĩnh lạ thường của Đại tướng trước những tình huống bất ưng. Ông đã phải giải trình về những nhận xét yêu quý của thầy giáo từ những ngày ông học ở Trường Albert Sarraut trong những năm 1930 chỉ vì ông học quá xuất sắc. Thư ký của ông - đại tá Nguyễn Văn Huyên - và tôi cũng đã chứng kiến những giờ phút ông phải đối mặt với một số vụ rất “khó đỡ” song ông vẫn bình thản, ăn ngon, ngủ yên và không hề tỏ ra bối rối một chút nào.

Để đạt được bản lĩnh phi thường đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã luôn tập thiền, đi bộ và đánh đàn piano. Sự cao thượng của ông, lòng hy sinh cao cả của ông vì sự đại nghĩa của dân tộc và đất nước mãi là một tấm gương sáng chói. Ông là một người thầy lớn, rất lớn.
Ngày nào cũng vì đất nước
Đại tướng thường ôn lại những kỷ niệm của ông với Bác Hồ từ những ngày hoạt động cách mạng ở nước ngoài đến những ngày Bác về hang Pắc Bó (Cao Bằng) hay những giờ phút gay go trong trận quân Pháp đánh lên Việt Bắc vào năm 1947... Ông cũng thường nhắc lại lời dặn của Bác Hồ: “Chú Văn (bí danh của ông) này, làm cách mạng phải chí công vi thượng”. Và ông vẫn thường tự nhủ: “Tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước”.
Tôi hiểu rằng ông muốn truyền những trải nghiệm đó cho các thế hệ mai sau một cách thật bình dị mà dễ đi vào lòng người.
                                                                                                                                        TS. LÊ ĐĂNG DOANH
 
Thời tiết khá tốt trong ngày 12 và 13-10
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, trong 2 ngày 12 và 13-10, tại TP Hà Nội không mưa, sáng có sương mù nhẹ, trưa và chiều trời nắng; nhiệt độ từ 24oC-33oC; tại tỉnh Quảng Bình, sáng có mưa không đáng kể, trưa và chiều trời nắng gián đoạn, nhiệt độ từ 24oC-33oC; tại TP HCM, sáng và trưa trời nắng, chiều và tối có lúc mưa rào, nhiệt độ từ 24oC-32oC. Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới cũng đã mạnh lên thành bão số 11 (có tên NARI). Dự báo đến 16 giờ hôm nay (11-10), tâm bão ở cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 150 km về phía Đông, sau đó di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, khả năng đổi hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 13 giờ ngày 12-10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 630 km về phía Đông Đông Nam. B.M.Tăng
 

Khoảng lặng

ở Slam Cao

“Ai cũng muốn có ảnh bác Giáp để thờ trong nhà. Đại tướng như là cha, là ông trong nhà chúng tôi mà!...”

Bài và ảnh:

Văn Duẩn

Nhiều người dân xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng - nơi “người anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ huy thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22-12-1944 - cho biết khi nghe tin Đại tướng qua đời, họ thảng thốt: Đại tướng mất rồi...!
img
Ông Nông Văn Tình trước di ảnh Đại tướng

Chủ tịch UBND xã Tam Kim, ông Tô Thành Hoạt, nói tình cảm của đồng bào các dân tộc nơi đây đối với Đại tướng là vô cùng tận. Trái tim đồng bào luôn hướng về bác Giáp. Khi nghe tin Đại tướng mất, người dân nơi đây hẫng hụt như mất đi người cha, người ông trong gia đình; như mất đi một cái gì đó quý giá nhất, không gì thay thế được. Ông Nông Ngọc Minh (75 tuổi, ngụ xóm Phai Khắt, xã Tam Kim) chia sẻ rằng ông rất xúc động trước sự ra đi của Đại tướng. Mấy đêm qua, ông không ngủ được. Bố của ông là liệt sĩ Nông Văn Sanh, bí danh Cao Thăng, do Đại tướng đặt khi hoạt động cách mạng.

Còn ông Nông Văn Tình, con trai của ông Nông Ngọc Đinh - người cùng hoạt động cách mạng với Đại tướng ở Tam Kim, kể gia đình ông có rất nhiều kỷ niệm với gia đình Đại tướng. Khi còn khỏe, năm nào Đại tướng cũng gửi thiệp chúc Tết có chữ ký của mình lên cho gia đình ông. Bác rất quan tâm đến đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Năm 1989, khi lên thăm người dân Tam Kim, Đại tướng đã nghỉ trưa tại nhà ông Tình. Gia đình ông dọn một phòng sạch sẽ, tươm tất để cho Đại tướng nghỉ nhưng ông đã vào trong cái buồng chật chội, đồ đạc lộn xộn để nằm, dành cái phòng đó cho gia đình.

Tại nhà ông Nông Văn Tình, treo trang trọng giữa phòng khách là tấm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bên trên phủ một dải băng đen để tang và tờ lịch của ngày 4-10-2013 được cài lên di ảnh. Vợ đã già, ông Tình thì một tay bị liệt nhưng vẫn tỉ mẩn làm những việc mà ông muốn phải xong ngay sau khi nhận được tin Đại tướng mất. “Tôi xé tờ lịch để không quên ngày bác Giáp qua đời. Cho cả cháu con tôi nhớ nữa” - ông Tình nói. Ông Tình bảo rằng tấm ảnh của Đại tướng là do anh Võ Hồng Nam, con út của Đại tướng, tặng gia đình ông khi lên thăm xã Tam Kim vào đầu năm 2013.

Hiện toàn xã Tam Kim mới 6 gia đình có ảnh của Đại tướng. Vì vậy, khi trò chuyện với chúng tôi, ông Nông Ngọc Minh bảo rằng người dân trong xã muốn có ảnh của Đại tướng nhiều hơn thế. “Ai cũng muốn có ảnh bác Giáp để thờ trong nhà. Đại tướng như là cha, là ông trong nhà chúng tôi mà. Nhưng giờ không biết lấy ảnh ở đâu” - ông Minh nói.

Chúng tôi vào khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì buổi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ vào ngày 22-12-1944. Trên đỉnh núi Slam Cao có một người đàn ông trung niên đang ngồi đó, suy tư . Ông là Đặng Hồng Cao, người bảo vệ khu di tích rừng Trần Hưng Đạo 18 năm qua. Ông Cao bảo dù không may mắn được gặp nhưng bố mẹ của ông đã kể nhiều về Đại tướng. Đại tướng đã nhiều lần ở trên đỉnh Slam Cao này để quan sát hoạt động của quân Pháp ở đồn Phai Khắt và Nà Ngần để rồi sau đó lên kế hoạch tiêu diệt địch.

“Tôi đứng ở nơi ngày xưa bác Giáp đã đứng. Tôi như thấy mình đang được ở bên Đại tướng” - ông Cao nghẹn ngào.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo