Ồ ạt sắm xe công nhưng sử dụng như thế nào là vấn đề người dân lâu nay rất bất bình. Cách đây không lâu, hình ảnh cả đoàn ô tô công đến dự đám giỗ tại nhà giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM trong giờ hành chính làm người dân ngao ngán. Tiền của dân, công bộc của dân sao mà tùy tiện đến vậy!
Thật ra, việc cán bộ sử dụng xe công làm việc riêng cũng chẳng còn gì xa lạ. Bao năm qua, lễ hội nào cũng nườm nượp xe công chở cả vợ con, họ hàng cán bộ đi chơi đấy thôi. Xe công nói là để phục vụ công việc nhưng ai cũng hiểu nó gần như là sở hữu riêng của cán bộ được cấp. Ngoài giờ làm việc, nó phục vụ tất tần tật người nhà của không ít cán bộ. Ai cũng thấy, ai cũng biết, có điều xử lý vấn đề này như thế nào thì vẫn còn ngắc ngứ.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, chi phí cho một xe công khoảng hơn 300 triệu đồng/năm (gồm lương tài xế, nhiên liệu, khấu hao, bảo hiểm...). Với khoảng 40.000 xe công của bộ máy nhà nước hiện nay, chúng ta có thể hình dung con số khổng lồ thế nào.
Cán bộ to thì xe “khủng”, cán bộ vừa vừa thì xe cũng tiền tỉ, cán bộ nhỏ nhỏ cũng tranh thủ một chiếc năm bảy trăm triệu đồng. Nhiều địa phương kinh tế èo uột, hằng năm Chính phủ phải cấp mấy ngàn tỉ đồng để cân đối ngân sách (chủ yếu là trả lương cho bộ máy hành chính) nhưng cán bộ vẫn vi vu trên những chiếc xe hàng hiệu. Chỉ khổ người dân còn nghèo khó, khoai sắn qua ngày, trồng một đám lúa nhỏ cũng phải thuế má đầy đủ để “nuôi” những chiếc xe công phản cảm kia.
Chúng ta đang xây dựng một nền hành chính lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Thực tế điều này cũng sòng phẳng bởi chính người dân trả lương để cán bộ làm việc. Nói một cách khác, cán bộ chính là những người làm thuê. Dù ở vai trò quản lý thì cán bộ cũng không thể nghĩ và hành xử như người ra ơn với chính người trả tiền nuôi mình. Tùy tiện sử dụng xe công, dùng thời gian làm việc để lo chuyện riêng chính là hành vi vô ơn !
Còn nhớ cách đây không lâu, Thủ tướng Pháp Manuel Valls sang Berlin gặp Chủ tịch LĐBĐ châu Âu Michel Platini. Khi đi, ông dẫn theo 2 cậu con trai và dự xem trận chung kết Champions League. Lập tức, người dân Pháp cho rằng ông đã sử dụng ngân sách để làm việc riêng và yêu cầu phải trả lại 20.000 euro chi phí của chuyến đi.
Còn Thủ tướng Phần Lan, ông Juha Sipila, đi du lịch cùng vợ đã chọn một chuyến bay thương mại và tự bỏ tiền túi mua vé. Chuyến bay này chỉ còn một ghế trống, ông nhường cho vợ, còn mình ngồi ghế trong phòng vệ sinh. Sự rạch ròi trong việc sử dụng ngân sách chính là thái độ tôn trọng người dân và thể hiện được văn hóa làm việc của một chính khách.
Hằng năm, Chính phủ luôn kêu gọi tiết kiệm, chống lãng phí. Những cán bộ trên đã tự biến mình thành kẻ cắp những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt của người dân đóng thuế để thụ hưởng cho riêng mình.
Bình luận (0)