Một trong số những nạn nhân sự cố chạy thận ở Hoà Bình
Trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động sáng 20-7, ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, cho biết ông đã trực tiếp xin từ chức ngay trong cuộc họp ngày 19-7 kiểm điểm cá nhân ông với tư cách người đứng đầu để xảy ra sự cố ngày 29-5 tại Đơn nguyên thận, Khoa hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Chủ trì cuộc họp là bà Bùi Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Sở Y tế, và ông Nguyên Văn Tỵ, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Hòa Bình. Cuộc họp có 84 người, gồm toàn bộ ban lãnh đạo, đại diện các chi bộ, các cán bộ chủ chốt, trưởng phó các khoa, và đại diện các tổ chức đoàn thể ở BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Sau khi mổ xẻ, phân tích, đưa ra các hình thức kỷ luật, kết quả bỏ phiếu kín cho thấy 70% đồng tình với hình thức khiển trách, 18,2% cảnh cáo và 10% hình thức kỷ luật khác.
Ông Trương Quý Dương, Giám đốc BVĐK Hoà Bình (đứng), xin từ chức sau sự cố y khoa nghiêm trọng
"Đến bây giờ nguyên nhân sự việc đã tương đối rõ ràng, cơ quan chức năng đã xác định rất rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể. Riêng đối với tôi, với cương vị một giám đốc, cơ quan chức năng cũng thừa nhận là tôi hoàn thành đầy đủ trách nhiệm, từ việc ký hợp đồng, phân công trách nhiệm theo một hệ thống rất chặt chẽ. Cũng chính vì thế tỉnh đề nghị kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và với sự nhìn nhận hết sức khách quan, đại đa số những cán bộ chủ chốt ở BV họ đã họp và phân tích rất nhiều và bản thân họ cũng thừa nhận đây là trách nhiệm của họ chứ không có giám đốc nào đi xuống giám sát việc sửa chữa này. Gần 100 cán bộ chủ chốt bỏ phiếu kín rất nghiêm túc, có giám sát thì gần 90% anh em bỏ phiếu cho tôi nhận hình thức thấp là khiển trách, cùng lắm là cảnh cáo. Đây là quan điểm của anh em, nhưng cá nhân tôi nhận thấy rằng đây là danh dự của cá nhân tôi, uy tín của BV, của ngành và tỉnh và trách nhiệm trước người dân nên tôi xin thôi nhiệm vụ giám đốc BV. Tuỳ khả năng, năng lực, tổ chức nếu bố trí tôi ở vị trí nào tôi cũng nhận, còn không coi như tôi đã hoàn thành nhiệm vụ"- ông Dương chia sẻ với phóng viên báo Người Lao Động.
Ông Dương cũng trần tình việc đến thời điểm này ông mới từ chức bởi "nếu thời điểm xảy ra sự cố tôi vội vàng từ chức thì khác gì phản bội anh em, "bỏ của chạy lấy người". Tôi nghĩ mình phải hoàn thành xong nhiệm vụ của mình, khắc phục xong hậu quả. Thời điểm này tôi nghĩ quyết định từ chức giám đốc của mình là đúng đắn"- ông nói.
Ông Dương cũng cho biết hiện Đơn nguyên thận nhân tạo cũng đã được gỡ bỏ niêm phong, các cơ quan chức năng đã thừa nhận hệ thống chạy thận và máy móc đều tốt nên đã được trả lại nguyên trạng. Tuy nhiên để hoạt động vẫn cần thời gian đánh giá, chấn chỉnh lại hệ thống máy móc để có thể vận hành trở lại.
Liên quan đến sự cố này, ngày 7-7, Sở Y tế Hòa Bình đã thông báo đến BVĐK tỉnh đề nghị xem xét kỷ luật người đứng đầu BV và yêu cầu ông Dương làm bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật sau 2 lần bị tạm đình chỉ công tác phục vụ điều tra sự cố.
Trước đó, khoảng 8 giờ ngày 29-5, tại Đơn nguyên Thận nhân tạo, BV Đa khoa Hòa Bình, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo bất ngờ xuất hiện triệu chứng của sốc phản vệ (bệnh nhân có biểu hiện khó thở, huyết áp tụt, đau bụng, nôn, ngứa). Sự cố nghiêm trọng này đã 8 bệnh nhân tử vong. 10 bệnh nhân nhẹ hơn may mắn được cứu sống. Hiện sức khoẻ những bệnh nhân này đã ổn định như trước thời điểm xảy ra sự cố.
Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, ông Trương Quý Dương sinh năm 1962, đã làm lãnh đạo bệnh viện này từ năm 2002.
Bình luận (0)