Ngày 22-10, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết đã có báo cáo gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, liên quan đến cái chết của bệnh nhân Trần Quốc Hùng (41 tuổi, ngụ TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) sau khi điều trị ở Bệnh viện Đa khoa TP Hội An (BV Hội An).
Trong báo cáo, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết theo báo cáo của BV Hội An và qua kiểm tra hồ sơ bệnh án, cho thấy bệnh nhân Hùng vào viện lúc 18 giờ 25 phút ngày 28-9 với bệnh cảm sốt cao 40 độ.
Sau khi xét nghiệm, bệnh nhân Hùng được chẩn đoán sốt chưa rõ nguyên nhân (sau khi loại trừ sốt xuất huyết) và cho nhập viện.
Bệnh nhân Hùng chết tức tưởi khiến người nhà bức xúc Ảnh: Vĩnh Quyên
Ghi nhận lúc 19 giờ 20 phút cùng ngày, bệnh nhân sốt cao, người mệt, ăn uống kém, ho khan, khám họng viêm đỏ, ECG (điện tâm đồ - ghi lại hoạt động của tim - PV) nhịp xoang bình thường. Sơ bộ chẩn đoán điều trị viêm họng, được điều trị gentamycine tiêm bắp liều 160mg/ngày và các thuốc hạ sốt, kháng viêm, vitamin đồng thời chỉ định một số xét nghiệm cơ bản.
Ngày 29-9, bệnh nhân Hùng bị sốt dao động 38,5 đến 39 độ, mạch, huyết áp ổn định, tỉnh, tiếp xúc tốt nhưng mệt, ăn kém, nhức đầu và ho ít. Kết quả một số xét nghiệm cho thấy đường huyết tăng cao, men gan tăng cao, siêu âm bụng tổng quát cho thấy gan lớn, lách lớn, chụp XQ phổi có nốt mờ nhạt vùng hạ đòn phổi phải, rốn phổi đậm, bệnh viện cũng đã thực hiện phân tích nước tiểu.
Ngày 30-10, trong đêm bệnh nhân còn sốt, vẻ mệt mỏi, ăn ít, không nôn, tim đều rõ, họng còn đau, 2 phổi không rale (không bất thường – PV). Bệnh nhân được cho xét nghiệm công thức máu lần 2, đường máu, cholesterol, triglycerid, HDL, LDL, creatinine, SGOT, SGPT, siêu âm bụng tổng quát, siêu âm tim, tổng phân tích nước tiểu, chụp X-quang tim phổi.
Chẩn đoán TD (theo dõi – PV) suy chức năng gan do rượu, đái tháo đường, viêm phế quản.
Bệnh viện Hội An nơi xảy ra sự việc
Đến ngày 1-10, bệnh nhân sốt dao động từ 37,8 đến 40,2 độ, bệnh nhân tỉnh nhưng mệt, buồn nôn và nôn, đau lâm râm vùng bụng, ho. Lúc 15 giờ 20 phút, người nhà cho ăn phở thì bệnh nhân đột ngột tím tái, khó thở, được tiến hành hồi sức cấp cứu và cho chuyển viện. Khi chuyển ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, do tiên lượng nặng nên gia đình đã ký giấy xin đưa bệnh nhân về nhà an táng trong chiều cùng ngày.
Đáng chú ý, hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cho thấy qua xét nghiệm bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm khuẩn nặng: Procalcitonin 100ng/ml. Tổn thương đa cơ quan: men gan tăng rất cao, bạch cầu giảm, tiểu cầu giảm, đường máu tụt thấp – tình trạng toan máu. Siêu âm: gan lớn, lách lớn nhiều ổ giảm âm, dịch trong nhu mô và rốn lách, các quai ruột chướng nhiều hơi.
Chẩn đoán khi cho về: Bệnh chính nhiễm trùng huyết chưa rõ tiêu điểm, không rõ bệnh kèm, biến chứng choáng nhiễm trùng – tổn thương đa cơ quan – trụy mạch, ngừng tuần hoàn đã cấp cứu.
Nhận xét về quá trình thăm khám, điều trị của Bệnh viện Hội An, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho rằng tuy bệnh nhân đến phòng khám và vào khoa nội vào giờ ngoài hành chính nhưng bệnh viện đã tiếp đón và khám chu đáo, kịp thời ra lệnh lý để điều trị và chăm sóc người bệnh.
Về quá trình chăm sóc, điều trị, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho rằng bệnh nhân vào viện, vào khoa đều được thăm khám ngay, được chỉ định xét nghiệm cần thiết và cho thuốc phù hợp với từng giai đoạn bệnh lý…
Tuy nhiên, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nhìn nhận việc tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chưa được cặn kẽ. Sự phản hồi của điều dưỡng đến bác sĩ về ý kiến và đề xuất của người bệnh không kịp thời, như: việc chỉ định bù nước bằng đường ống (không chuyền dịch) khi người bệnh đang tỉnh, ăn uống được là phù hợp nhưng chưa giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân và người nhà; ý kiến của người bệnh về đau bụng, đau tai đêm 30-6 điều dưỡng trực không kịp thời phản ánh lại cho bác sĩ trực để thăm khám.
Đáng chú ý, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho rằng “do thời gian nằm viện ngắn, triệu chứng bệnh không điển hình nên bác sĩ điều trị chưa thể chẩn đoán chính xác, chưa tiên lượng hết khả năng của bệnh”.
Ngoài ra, sở còn cho rằng việc tổ chức chuyển viện cấp cứu trong trường hợp này không được thuận lợi do đang bận cấp cứu một ca bệnh nặng khác.
Dù vậy, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam kết luận “việc tổ chức tiếp đón, tư vấn, điều trị và cấp cứu cho bệnh nhân này không hoàn toàn như phản ánh của người nhà”.
Toàn văn báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam
Vì vậy, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chỉ đề nghị lãnh đạo Bệnh viện Hội An họp kiểm điểm rút kinh nghiệm toàn viện cũng như rút kinh nghiệm trong việc giám sát sự tiếp xúc, giải thích, tư vấn cho người bệnh và người nhà…
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, theo phản ánh của người nhà, chiều 28-9, ông Hùng bị nóng sốt nên được vợ đưa đến Bệnh viện Đa khoa TP Hội An điều trị. Tại đây, bác sĩ khám và cho uống thuốc hạ sốt.
Tối 30-9, ông Hùng bị nôn mửa, đau bụng cả đêm, sùi bọt mép. Sáng 1-10, gia đình hỏi bác sĩ thì được trả lời là “do uống thuốc mạnh quá nên bị đau bụng”. Tuy nhiên, đến khoảng 3 giờ chiều ngày 1-10, người nhà mua phở vào cho ông Hùng ăn thì người ông đột nhiên lên cơn co giật, mắt trợn ngược rồi gục xuống bất tỉnh.
Ngay lập tức, mọi người đôn đáo chạy đi tìm bác sĩ nhưng phải gần 30 phút sau mới thấy bác sĩ xuất hiện. Sau đó, ông Hùng được chuyển ra Bệnh viện Đa khoa TP Đà Nẵng cấp cứu nhưng không kịp.
Người nhà bệnh nhân cũng cho biết thấy bệnh tình ông Hùng trở nặng, nhiều lần gia đình xin cho chuyển ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng điều trị nhưng Bệnh viện Đa khoa TP Hội An không đồng ý.
Bình luận (0)