Chiều 16-3, UBND tỉnh Bắc Ninh đã họp báo về việc đề nghị dừng dự án nạo vét, tận thu cát sông Cầu và một số lãnh đạo, cán bộ tỉnh bị nhiều đối tượng đe dọa.
Lợi dụng nạo vét luồng lạch để khai thác cát
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết trước đây, trên sông Cầu, tình trạng khai thác cát diễn ra phức tạp. Năm 2010, mâu thuẫn giữa 2 bên là người dân và các tàu khai thác đã xảy ra, gây ra hậu quả có vụ đốt tàu, đánh người.
“Chúng tôi rất bức xúc việc khai thác trộm, khai thác trái phép và lợi dụng việc nạo vét luồng lạch để khai thác cát” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, người ký văn bản “cầu cứu” Thủ tướng, nêu.
Thượng tá Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, khẳng định có việc nhắn tin đe dọa lãnh đạo tỉnh và cán bộ của một số sở, ngành. Công an tỉnh đã vào cuộc, thành lập ban chuyên án, điều tra làm rõ và xử lý đối tượng liên quan. Lãnh đạo tỉnh và một số cán bộ đã chuyển lại những tin nhắn đe dọa.
Theo báo cáo của huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, có 20-25 tàu thường xuyên hút cát trên sông Cầu tại vùng giáp ranh giữa Bắc Ninh và Bắc Giang. Tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo lập tổ công tác để xử lý việc khai thác cát, sỏi trái phép. Để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, từ ngày 24-2 đến 7-3, UBND huyện Quế Võ đã phải yêu cầu Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND 9 xã ven sông tăng cường kiểm tra, giám sát dự án. Thậm chí, địa phương này đã phải thành lập 3 tổ công tác và 1 tổ phản ứng nhanh kiểm tra, giám sát dự án nạo vét lòng sông trên địa bàn 9 xã ven sông Cầu với số lượng 84 thành viên hoạt động 24/24 giờ.
Dự án không đấu thầu
Cùng ngày, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có Văn bản số 2702 do Thứ trưởng Nguyễn Nhật ký gửi UBND tỉnh Bắc Ninh và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Văn bản nêu rõ Bộ GTVT thống nhất với ý kiến của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho tạm dừng thi công dự án.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết vì UBND tỉnh Bắc Ninh không đồng ý triển khai nên từ tháng 12-2015, dự án đã bị dừng. Bộ GTVT cho rằng việc triển khai các dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia tại các đoạn cạn không bảo đảm chuẩn tắc, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế là cần thiết. Đến thời điểm này, Bộ GTVT chỉ chấp thuận chủ trương thực hiện 1 dự án trên tuyến đường nội địa quốc gia trên cơ sở có văn bản đồng thuận của địa phương.
Còn ông Trần Văn Thọ, Cục phó Cục Đường thủy nội địa, nêu rõ: Dự án dựa trên kế hoạch hằng năm rà soát lại tuyến đường thủy có bao nhiêu điểm cạn thì sẽ thực hiện nạo vét. Có một điểm “vênh” giữa Bộ GTVT và tỉnh Bắc Ninh là Cục Đường thủy nội địa khảo sát trên sồng Cầu có 11 điểm cạn nhưng Bắc Ninh khẳng định không có điểm cạn nào. Bắc Ninh cho rằng việc nạo vét, thông luồng đường thủy nội địa trên sông là không cần thiết vì khảo sát của các ban, ngành tỉnh cho thấy đã đáp ứng điều kiện.
Do vậy, theo tỉnh Bắc Ninh, Cục Đường thủy nội địa vẫn cố tình chấp thuận dự án để nạo vét là rất vô lý. Thậm chí, các cơ quan, ban, ngành của Bắc Ninh còn cam kết rằng nếu có tàu nào mắc cạn thì tỉnh sẽ bỏ chi phí ra để xử lý. Tuy nhiên, đề xuất này của Bắc Ninh không được Bộ GTVT chấp thuận.
Trong tháng 10-2016, Cục Đường thủy nội địa thống nhất các phòng chức năng phối hợp với tỉnh Bắc Ninh để đo lại các điểm cạn. “Chúng tôi đã đề nghị đi kiểm tra tất cả 11 điểm cạn nhưng tỉnh đề xuất kiểm tra ngẫu nhiên một số vị trí nên hai bên thống nhất kiểm tra 4 nơi. Trên cơ sở số liệu kiểm tra, có 3 vị trí chưa bảo đảm chuẩn tắc luồng, chỉ 1 vị trí bảo đảm độ sâu” - ông Trần Văn Thọ nói. Trên cơ sở này, Bộ GTVT và Cục Đường thủy nội địa tiếp tục chấp thuận cho doanh nghiệp thực hiện nạo vét tiếp theo hợp đồng đã ký.
Đối với đơn vị thực hiện là Công ty CP Trục vớt luồng hạ lưu, ông Thọ cho biết dự án này không thông qua đấu thầu mà ở thời điểm đó là do doanh nghiệp tự đăng ký. Cục chỉ thẩm định hồ sơ và cấp phép cho làm. Điều đáng nói là trong dự án này, chỉ duy nhất Công ty CP Trục vớt luồng hạ lưu vào đăng ký. Doanh nghiệp này thậm chí còn chưa từng thực hiện dự án nào tương tự.
Với giá tính tiền cấp quyền khai thác cát 1.800 đồng/m3 trong cả năm, công ty chỉ nộp vỏn vẹn 93,6 triệu đồng cho tỉnh nhưng hậu quả đã khiến Bắc Ninh phải chi ngân sách 30 tỉ đồng để làm kè gia cố 3 điểm bị sạt lở. Đây là cái giá mà Bắc Ninh không muốn trả khi có đơn cầu cứu lên Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an vào cuộc
Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Bộ GTVT sáng 16-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập tình trạng khai thác cát lòng sông như vụ việc tại Bắc Ninh. Thủ tướng cho biết đã ký văn bản yêu cầu dừng khai thác để điều tra, làm rõ.
“Đây là vấn đề nóng, báo chí nêu rất nhiều. Tôi vừa ký văn bản dừng lại ở Bắc Ninh. Dừng lại mà đe dọa tính mạng của Chủ tịch UBND tỉnh, quyền lợi khiến vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy. Lạm dụng giấy phép cấp, mà lọt giấy phép cấp từ trước năm 2014. Bây giờ giải quyết sao trong chuyện này? Cả hệ thống chính trị của chúng ta, cả bộ máy đồ sộ của chúng ta không làm nổi chuyện chống cát tặc trên dòng sông sao? Các thứ trưởng phải làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt vấn đề này, phải đưa thành vấn đề trong hội nghị Chính phủ” - Thủ tướng nêu rõ.
Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ việc các đối tượng đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 3-2017. Bộ trưởng Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-3 về việc thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.
Thực hiện chỉ đạo này, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an tập trung điều tra, làm rõ thông tin về việc Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và một số lãnh đạo sở, ngành bị đe dọa.
T.Dũng
Bình luận (0)