Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) sáng 17-11 đã tổ chức họp báo chuyên đề lần đầu tiên về kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN-MT Chu Phạm Ngọc Hiển đã trao đổi các nội dung liên quan đến việc vì sao tháng 5-2015, trước khi Formosa gây ra sự cố, bộ thanh tra và kết luận không sai phạm nhưng sau đó, đợt thanh tra năm 2016 lại kết luận doanh nghiệp này có 53 lỗi vi phạm. Ông Hiển cho biết Bộ TN-MT có đoàn thanh tra trong 2 tuần vào tháng 5-2015 và ban hành kết luận vào tháng 1-2016 chứ không phải thanh tra trong mấy tháng. Đồng thời, thời điểm đó là thanh tra theo chương trình, kế hoạch cụ thể chứ không thanh tra tất cả.
“Thời điểm tháng 5-2015, Formosa thi công, nhiều hạng mục chưa hoạt động nên nội dung thanh tra chỉ hạn chế một số vấn đề và không xem xét công nghệ do nhà máy đang thi công. Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Formosa trình thì sử dụng công nghệ dập cốc khô nhưng khi thực hiện lại sử dụng công nghệ dập cốc ướt. Theo Luật Bảo vệ Môi trường, nếu thay đổi công nghệ phải báo cáo, Formosa không báo cáo nên đoàn thanh tra liên ngành phát hiện và đã xử lý vi phạm này” - ông Hiển giải thích. Ông khẳng định sự cố môi trường biển miền Trung thời gian qua là sai phạm của Formosa. Formosa đã nhận lỗi và chịu hoàn toàn trách nhiệm.
“Tôi là người đấu tranh trực tiếp với Formosa, bắt họ nhận lỗi. Nếu nói Bộ TN-MT không có trách nhiệm gì thì không phải. Một số ý kiến nêu có sai phạm trong thẩm định ĐTM, cấp phép xả thải cho Formosa, tôi đính chính không có chuyện đó. Ban Cán sự Đảng Bộ TN-MT đã kiểm điểm và khẳng định việc thẩm định ĐTM, cấp phép theo đúng quy định của pháp luật” - ông Hiển nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hiển cho biết qua sự cố này, có thể thấy vấn đề thực thi pháp luật còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát. Toàn ngành TN-MT chỉ có 800 người chuyên trách về thanh tra từ trung ương đến địa phương. Thanh tra bộ chỉ bảo đảm 1 người phụ trách 1 tỉnh mà có tới 8 lĩnh vực. Bên cạnh đó, ngân sách, trang thiết bị cũng còn nhiều khó khăn.
Dù sự cố ô nhiễm môi trường biển đã trôi qua nhưng hiện nay, nhiều phương tiện đánh bắt hải sản ở tỉnh Quảng Bình vẫn nằm Ảnh:Hoàng PHÚC
Với tư cách là lãnh đạo Bộ TN-MT, ông Hiển thừa nhận: “Bộ TN-MT có một phần trách nhiệm trong sự cố này vì với trách nhiệm tư lệnh ngành mà để xảy ra sự cố như thế”. Theo ông, Bộ TN-MT đã kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và thấy việc xây dựng, hoàn thiện thể chế cũng như các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành còn chậm trễ, thiếu sót. “Ban Cán sự Đảng Bộ TN-MT đã kiểm điểm và xin nhận mọi hình thức kỷ luật trước Ban Bí thư, không né tránh. Việc này đang chờ Ban Bí thư xem xét” - ông cho hay.
Riêng với Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, phụ trách lĩnh vực môi trường của Bộ TN-MT, ông Hiển cho biết Ban Cán sự Đảng kiến nghị không xem xét trách nhiệm do nhận nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực môi trường chỉ trước khi xảy ra sự kiện Formosa có mấy ngày, đang trong giai đoạn tìm hiểu công việc.
Đặc biệt, với trường hợp của nguyên Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang - người đương nhiệm trong thời kỳ Formosa vào Việt Nam đầu tư dự án - ông Hiển cho hay ông Quang hiện không còn là thành viên Ban Cán sự Đảng Bộ TN-MT. Trong khi đó, Ban Bí thư và Thanh tra Chính phủ yêu cầu kiểm điểm những người đương chức. “Vậy nên, chúng tôi chỉ kiểm điểm những người đương chức và đặc biệt là người phụ trách lĩnh vực này thôi” - ông Hiển giải thích.
Ông Hiển cho biết ông Quang tuy không phải thành viên Ban Cán sự Đảng Bộ TN-MT nhưng cũng được mời dự cuộc họp làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến sự cố môi trường của Formosa với tư cách nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên bộ trưởng thời kỳ này. Theo đó, ông Quang không phải kiểm điểm nhưng nói sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật.
Theo ông Hiển, Ủy ban Kiểm tra trung ương đang kiểm tra trách nhiệm của những người liên quan đến sự cố Formosa trong cả khóa trước cũng như khóa này. Lãnh đạo Bộ TN-MT cũng lưu ý là đơn vị phê duyệt ĐTM, Bộ TN-MT chịu trách nhiệm chính nhưng nội dung ĐTM có giao cho các cơ quan chức năng liên quan chịu trách nhiệm giám sát thực hiện, trong đó có Tổng cục Môi trường và UBND tỉnh Hà Tĩnh. “Nhà máy đóng trên địa bàn thì phải được tỉnh kiểm tra, giám sát thường xuyên, trực tiếp nhất. Bộ TN-MT có trách nhiệm nhưng trực tiếp, thường xuyên kiểm tra, giám sát là địa phương chứ không phải cái gì bộ cũng làm thay” - ông Hiển nói.
Phạt thủy điện Hố Hô hơn 115 triệu đồng
Thanh tra Bộ TN-MT vừa xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) với tổng số tiền 115,5 triệu đồng do 5 hành vi vi phạm về quản lý tài nguyên nước.
Cụ thể, đó là các lỗi: không xây dựng kế hoạch điều tiết nước hằng năm của hồ chứa theo quy định; không thực hiện chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình; thực hiện không đúng quy định về quan trắc, giám sát tài nguyên nước; không thực hiện vận hành hồ bảo đảm dòng chảy tối thiểu sau công trình; không thực hiện chế độ báo cáo về kết quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bình luận (0)