Dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều trước thông tin tỉnh Quảng Bình sẽ đưa gốc gỗ sưa vừa tìm được ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch vào bảo tàng để làm vật trưng bày cho nhân dân đến xem.
Nên cân nhắc
Ngày 12-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề này, ông Trương An Ninh, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết đó chỉ là một trong những phương án được chủ tịch UBND tỉnh đưa ra trong phiên họp thường kỳ vào cuối tháng 2-2014. Hiện gốc gỗ sưa này được giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo quản và có phương án xử lý, trình UBND tỉnh xem xét.
Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm, Trưởng Văn phòng Luật sư Hướng Dương (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), xét về góc độ quản lý nhà nước, việc đưa gốc gỗ sưa này vào bảo tàng để trưng bày như một cổ vật hay vật có giá trị thì vẫn được. Tuy nhiên, khi tìm thấy gốc sưa này đã lùm xùm việc “tranh giành” phần thưởng cho người tìm thấy nên phải cân nhắc việc đưa vào bảo tàng.
“Nên bán đấu giá và với số tiền bán được, tỉnh phân bổ về cho xã Phúc Trạch để xây dựng nhà trẻ, trường học hay công trình phúc lợi. Việc làm này vừa có tính nhân văn vừa khuyến khích, động viên người dân tự giác hơn khi tìm thấy cổ vật hay vật có giá trị tương tự” - luật sư Tâm nói.
Khi được hỏi về phương án xử lý gốc sưa này, ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đang chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm lập hồ sơ cụ thể như có bản giám định loại gỗ của cơ quan chuyên môn, làm sạch các chất lạ và cân khối lượng. “Chúng tôi cũng chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm làm tờ trình xử lý theo hướng đưa vào bảo tàng trưng bày” - ông Khoa nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Giáo, thương binh ở huyện Bố Trạch, nói: “Tôi chưa tận mắt nhìn thấy gốc gỗ sưa nhưng qua báo chí thì nó cũng là vật có một không hai tại thời điểm này. Những vật gì mà thuộc vào loại hiếm thấy, khó tìm và là “độc nhất vô nhị” thì không nên bán. Vì vậy, cần để lại làm vật trưng bày. Tuy nhiên, cũng xem xét có trích thưởng cho người có công tìm thấy”.
Liên quan đến việc trích thưởng cho người có công tìm thấy gốc gỗ sưa, một lãnh đạo huyện Bố Trạch cho rằng nếu trong trường hợp người dân tìm thấy và báo cho chính quyền hay cơ quan chức năng biết để cùng phối hợp tìm kiếm, trục vớt thì sẽ xem xét đến công lao. Tuy nhiên, trong trường hợp này, sau khi tìm thấy, người phát hiện đã bí mật khai thác và sau đó bị cơ quan chức năng phát hiện nên khó xem xét đến việc có công.
Ông Trần Thuynh, Giám đốc Sở Tài chính, cũng cho biết chưa nhận được văn bản đề nghị nào về việc xem xét thưởng cho người tìm thấy gốc gỗ sưa. Theo ông Thuynh, trong trường hợp cụ thể này, sau khi nhận được sự chỉ đạo của UBND tỉnh thì sở sẽ xem xét trên cơ sở các văn bản quy định của nhà nước để tham mưu cho UBND tỉnh quyết định.
Lo khó bảo vệ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, cho biết di vật được trưng bày tại bảo tàng là những vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc nghệ thuật. Nếu xét đến các đặc điểm trên thì gốc sưa này không có. Tuy nhiên, vì đây là bảo tàng tổng hợp nên gốc sưa có thể được trưng bày để minh họa cho đặc trưng của tỉnh nhà, làm phong phú các sản vật tự nhiên.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng tỏ ra lo lắng vì kích thước của gốc sưa quá lớn, cồng kềnh và cũng khó trong việc cất giữ, bảo vệ để chờ ngày đưa ra trưng bày. “Điều kiện của bảo tàng khó bảo đảm được công tác bảo vệ cho gốc sưa trị giá tiền tỉ này” - ông Tuấn bày tỏ lo lắng.
Giá hàng chục tỉ đồng
Gốc gỗ sưa được ông Nguyễn Văn Thời và con trai là Nguyễn Quang Huy (ngụ thôn 4, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) phát hiện vào ngày 23-2 trong khi rà cá. Sau 2 ngày tích cực triển khai, lực lượng chức năng mới trục vớt được lên bờ. Phần trên gốc có chiều dài thân 1,65 m, đường kính thân 1 m. Trên thị trường, gốc sưa này có giá hàng chục tỉ đồng và lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện và công bố tại Quảng Bình.
Bình luận (0)