Sau hơn 17 năm phải thụ án chung thân vì phạm tội “Giết người” và “Cướp tài sản”, ngày 28-11, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận đã công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Huỳnh Văn Nén (ngụ thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) với căn cứ là hành vi không cấu thành tội phạm theo khoản 2, điều 107 Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Nhiều tình tiết đặc biệt
Cho đến nay, trường hợp của ông Huỳnh Văn Nén có thể xem là án oan có một không hai trong lịch sử tố tụng ở nước ta vì có nhiều tình tiết đặc biệt. Đặc biệt nhất là ông Nén từng cùng lúc bị kết tội là thủ phạm trong một vụ án “Giết người”, “Cướp tài sản” và đồng phạm trong một vụ giết người khác cũng xảy ra trong cùng địa phương nơi ông cư ngụ.
Khác với trường hợp Nguyễn Thanh Chấn (ngụ tỉnh Bắc Giang; bị bắt năm 2003 và bị TAND tỉnh tuyên phạt án chung thân về tội “Giết người”), sau 10 năm thụ án đã được minh oan do có người đầu thú, việc ông Nén được giải oan lại do sự kiên trì không chỉ của chính người cha mà còn của nhiều người không là thân nhân. Người tiên phong trong việc kêu oan cho Nén chính là ông Nguyễn Thận, lúc bấy giờ là chủ tịch UBND xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh).
Ông Nén bị bắt giam ngày 17-5-1998 do cơ quan điều tra xác định là nghi can duy nhất trong vụ bà Lê Thị Bông (ngụ cùng địa phương) bị hung thủ vào nhà dùng dây dù siết cổ chết và cướp 1 chỉ vàng vào đêm 23-4-1998. Trước khi ra tòa, ông Nén được cho là đã “lập công” khi thành khẩn khai đã cùng gia đình bên vợ giết bà Dương Thị Mỹ trong vụ án đã xảy ra từ 5 năm trước cũng tại xã Tân Minh. Đây là vụ án mà cơ quan điều tra bế tắc do không tìm ra thủ phạm. Từ lời khai được cho là của ông Nén, 9 người trong gia đình vợ ông, cả mẹ vợ và ông bị kết án oan.
Nhà báo Trần Mỹ (bìa phải) và ông Nguyễn Thận (thứ 2 từ phải qua) trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về những điều vô lý trong kết luận điều tra liên quan đến ông Huỳnh Văn Nén Ảnh: Huỳnh Văn Nghĩa
Ông Thận kể trước lúc làm chủ tịch UBND xã Tân Minh, ông đã nhiều năm làm trưởng công an xã, biết ít nhiều nghiệp vụ nên rất phân vân khi tại địa phương chỉ trong 5 năm xảy ra 2 vụ trọng án. Hơn nữa, khi công an khám nghiệm hiện trường, ông Thận đều có mặt nên rất băn khoăn trước những kết luận thiếu chứng cứ của cơ quan điều tra.
Ông Thận sinh sống nhiều năm và trưởng thành ngay tại xã Tân Minh, được sự tin tưởng của dân sở tại nên nắm nhiều thông tin liên quan đến cả 2 vụ án này. Ông từng gặp gỡ, gửi gắm suy nghĩ đến nhiều cán bộ ở huyện, tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội (QH) tỉnh Bình Thuận nhưng không ai nghe. Đó là lý do vì sao ông quyết đeo đuổi tận cùng sự thật để minh oan cho ông Nén.
Điều động viên ông Thận nhất chính là rất đông người dân cũng như cán bộ ở xã Tân Minh lúc bấy giờ đồng lòng ủng hộ việc làm của ông. Ngay khi cả gia đình vợ ông Nén bị bắt giam, trong những lần họp HĐND huyện Hàm Tân và tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh cũng như Đoàn Đại biểu QH tỉnh Bình Thuận, ông Thận đều đặt vấn đề xem xét lại cả 2 vụ án này, chứ không thể nghe vào lời nhận tội của ông Nén. Đặc biệt là khi ông Nén phản cung tại tòa, cho rằng mình đã bị ép cung.
Nhà báo, luật sư nhiệt tình hỗ trợ
Không nhận được phản hồi từ những người có trách nhiệm ở tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Thận tìm đến báo chí và giới luật sư.
Bấy giờ, trước sự kêu cứu nhiệt tình của ông Thận, phóng viên các báo Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Tiền Phong, Lao Động, Pháp Luật TP HCM, Thanh Niên, Đại Đoàn Kết thường xuyên về gặp ông để nắm tình hình và lần lượt có các bài viết nêu những nghi vấn chưa được làm rõ trong 2 vụ án này. Cũng từ nhà ông Thận mà có việc một loạt nhà báo cùng ký tên vào một bản kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, nhà nước đề nghị xem xét lại 2 vụ án liên quan đến ông Nén.
Nhà báo Trần Mỹ (bấy giờ là phóng viên Báo Văn Nghệ Trẻ) là một trong những người tiên phong hỗ trợ ông Thận viết về 2 vụ án này với loạt bài “9 người bị bắt oan tại Bình Thuận”, ”Phiên sơ thẩm là một thảm kịch”... Ông Mỹ ra Hà Nội hàng chục lần, bám sát các kỳ họp của QH để tìm cơ hội gặp các vị lãnh đạo như Chủ tịch QH Nông Đức Mạnh, đưa anh Trần Văn Sáng (một bị can trong vụ án giết bà Dương Thị Mỹ nhưng được tại ngoại) ra gặp Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (đại biểu QH khóa VIII, IX và X) để kêu oan.
Nhà báo Trần Mỹ còn tích cực cùng các đồng nghiệp ở báo Lao Động, Thanh Niên, Người Lao Động đưa ông Thận đi khắp nước để mời gọi các luật sư bào chữa miễn phí cho những bị cáo trong 2 vụ án. Người đầu tiên họ nhờ được là luật sư Phạm Thị Kim Anh ở Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương - người góp công lớn để bản án sơ thẩm lần 1 (ngày 7-3-2001) của TAND tỉnh Bình Thuận bị hủy. Không may là ngay sau đó, do một hoàn cảnh đặc biệt, luật sư Phạm Thị Kim Anh không thể tiếp tục tham gia bào chữa cho các bị cáo.
“Tôi nghe tin mà bủn rủn tay chân, phải đi tìm luật sư giỏi trong hoàn cảnh thật bi đát vì gia đình các bị cáo quá nghèo, bản thân tôi cũng bắt đầu suy kiệt về tinh thần lẫn sức khỏe và nguồn lực tài chính” - ông Nguyễn Thận kể khi nhớ lại lúc ấy, lịch xét xử sơ thẩm lần 2 vụ giết bà Dương Thị Mỹ đã gần kề (27-7-2004). Trong tình thế gần như tuyệt vọng, ông lang thang trên internet tìm kiếm và may mắn biết về một dự án công lý của nhóm luật sư Trần Vũ Hải (Hà Nội) có thể giúp được người nghèo. Vậy là, với tư cách chủ tịch UBND xã, ông viết thư đề nghị các luật sư của nhóm này bào chữa miễn phí cả 2 vụ án.
Tiếp đó, khi được vợ gom cho một số tiền ít ỏi, ông Thận ra tận Hà Nội gặp các luật sư. Thấy ông là “quan đầu xã” mà quá nhiệt tình kêu oan cho dân, các luật sư Phạm Hồng Hải, Trần Vũ Hải, Bùi Đức Trường… đã nhận lời hỗ trợ. Họ đã có hàng chục chuyến đi về tận xã Tân Minh để nghiên cứu những gì mà ông Thận cung cấp.
Những luật sư này đã góp phần quan trọng trong việc minh oan cho tất cả bị cáo trong vụ án giết bà Dương Thị Mỹ (còn gọi là “Kỳ án vườn điều”). Nhờ đó, 9 người trong gia đình ông Nén được minh oan vào năm 2006. Riêng ông Nén không được minh oan vì đang là phạm nhân thụ án trong vụ giết bà Lê Thị Bông, cướp tài sản.
Không nản lòng
Ở vụ án giết bà Lê Thị Bông cướp tài sản, dù đã có nhiều căn cứ để tin là ông Nén ngoại phạm nhưng ông Thận nhớ ông quyết tâm minh oan cho Nén thực sự mãnh liệt nhất là từ ngày 3-9-2000. Khi ấy, ông Thận nhận được thư tố cáo của phạm nhân Nguyễn Phúc Thành (là dân xã Tân Minh) từ trại giam Sông Cái (tỉnh Ninh Thuận) gửi cho mẹ khi đi thăm nuôi, nhờ chuyển cho ông. Phạm nhân này khẳng định biết thủ phạm giết bà Bông và đấy không phải là ông Nén. Hơn nữa, đối tượng mà Thành tố cáo đã “biến mất” khỏi địa phương không lý do ngay sau khi vụ án xảy ra.
Ông Thận lại tiếp tục cùng các nhà báo và luật sư tìm mọi cách để đưa những thông tin này đến cơ quan chức năng. Tuy vậy, trong phiên tòa được mở ngay sau đó, TAND tỉnh Bình Thuận vẫn tuyên án chung thân đối với ông Nén.
Những việc làm của ông Thận được đông đảo người dân ủng hộ nhưng không ít lần là cái gai trong mắt nhiều người. Bi kịch đã xảy ra khi hàng loạt vụ việc “đau đầu” nhắm vào ông Thận.
Có lúc truyền đơn rải đầy 17 km trên Quốc lộ 1 đoạn qua xã Tân Minh với nội dung: “Anh em nhà Nguyễn Thận có cha làm xã trưởng, sau lên làm quận trưởng, bị cách mạng tử hình năm 1972 tại Quảng Trị, nay chui vào hàng ngũ của Đảng để...”. Rồi hàng loạt đơn gửi các cơ quan bảo vệ pháp luật tố cáo ông Thận lấy đất của dân bán cho các đại gia. Băng rôn, khẩu hiệu “Đả đảo Nguyễn Thận - Chủ tịch xã Tân Minh” được giăng cả trước văn phòng tiếp dân ở TP HCM. Thậm chí, ông còn bị thanh tra, điều tra đủ thứ việc...
Nhưng tất cả những việc ấy đều không làm nản lòng ông Nguyễn Thận trong việc kêu oan cho “người tù lịch sử” Huỳnh Văn Nén. Nhất là khi chuyển về làm phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hàm Tân, quyết tâm của ông Thận lại càng mãnh liệt.
Điểm nhấn quan trọng
Một trong những việc phóng viên Báo Người Lao Động tham gia trong hành trình minh oan cho ông Huỳnh Văn Nén mà ông Thận gọi là “điểm nhấn quan trọng”, đó là ngày 19-11-2013, nhân việc lịch họp QH có nội dung chất vấn “tư lệnh” các ngành hành pháp về án oan, ông Thận đang điều trị bệnh tim nhưng vẫn quyết định trực tiếp đưa cha của ông Nén ra Hà Nội tìm cách gặp lãnh đạo các cơ quan hành pháp. Để phục vụ cho chuyến đi mà ông Thận cho là lịch sử này, ông nhờ Báo Người Lao Động hỗ trợ bằng việc công khai quan điểm của báo cũng như những tư liệu, tài liệu mà phóng viên của báo dày công thu thập. Loạt bài mà Người Lao Động đăng lúc bấy giờ đã được báo trao tận tay các đại biểu QH và lần đầu tiên, nỗi oan của ông Nén được các đại biểu đưa lên bàn nghị sự.
“Tôi thực sự bất ngờ vì không những bài của Báo Người Lao Động ra đúng thời điểm cần phải có mà ra liên tục 5 bài liên tiếp trong 5 ngày khi nghị trường nóng lên với những chất vấn về án oan. Điều này đã tạo ra cơn địa chấn rung chuyển kéo dài cho đến ngày Nén được tại ngoại” - ông Thận nhớ lại.
Bình luận (0)