Chiều 12-8, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, đã chính thức thông tin về vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Làm rõ hành tung 11 cháu bé
Theo ông Long, Công an quận Long Biên phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an TP Hà Nội đã vào cuộc xác minh, điều tra thông tin 11 cháu bé nghi mất tích giai đoạn 2007-2012. Qua đó, cơ quan điều tra đã làm rõ được bố, mẹ, người thân của 11 cháu bé. Mọi thông tin về nhân thân các cháu đều đã được xác minh rất cụ thể.
“10 cháu đã được đưa về với gia đình của mình và 1 cháu bé được nhận làm con nuôi. Không có chuyện mua bán trẻ em hay mất tích như dư luận phản ánh” - ông Long khẳng định. Dự kiến ngày 14-8, Công an quận Long Biên sẽ tổ chức họp báo công khai về việc giải quyết đơn thư tố cáo 11 cháu bé mất tích ở chùa Bồ Đề.
Trong khi đó, việc mua bán cháu Cù Nguyên Công (thường gọi là Lãi) không liên quan gì đến ni sư trụ trì chùa Bồ Đề Thích Đàm Lan. Tuy nhiên, ông Long cho rằng ni sư Thích Đàm Lan quản lý tất cả công việc ở chùa nên để xảy ra những vấn đề như thời gian qua thì không thể tránh khỏi trách nhiệm. Hiện cơ quan chức năng đang làm rõ trách nhiệm của ni sư Thích Đàm Lan và chính quyền địa phương trong vụ việc này.
Tối 12-8, một nguồn tin cho hay VKSND TP Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, trú quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, trú tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) trong vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Công an TP Hà Nội cũng đã ký quyết định tạm giam 4 tháng đối với 2 bị can này.
Mong tiếp tục nuôi các cháu
Chiều 12-8, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ni sư Thích Đàm Lan cho biết đến nay, nhà chùa vẫn còn 106 người, cả các cháu bé và người già cơ nhỡ. Vừa qua, đoàn thanh tra của quận Long Biên đã thực hiện đầy đủ công tác kiểm tra nhân thân các cháu bé, cơ sở vật chất, môi trường sống, quá trình xây dựng… Tuy nhiên, đoàn thanh tra chưa có thông báo chính thức với nhà chùa.
Theo ni sư Thích Đàm Lan, khi chiến tranh mới chấm dứt, nhiều trẻ em bị chất độc da cam, chính quyền kêu gọi phật tử chăm nuôi, đóng góp cho các gia đình khó khăn. Nhà chùa đã góp phần nuôi 10 cháu từ năm 1989, sau này còn nuôi tới 50 cháu nữa. Đến nay, các cháu đều có công ăn việc làm và có gia đình. Kể từ đó, chùa Bồ Đề trở thành nơi nương nhờ của nhiều số phận kém may mắn.
Trụ trì chùa Bồ Đề khẳng định nhà chùa không chủ trương cho các cháu làm con nuôi. Từ trước đến nay, chỉ có 2 trường hợp được nhận con nuôi song gia đình nhận đã tìm gặp mẹ đẻ các cháu, rồi nhờ chính quyền can thiệp, thực hiện đầy đủ giấy tờ. “Việc xảy ra với Trang (Nguyễn Thị Thanh Trang - PV) rất bất ngờ. Nhà chùa nghĩ Trang làm, Trang phải chịu. Dù vậy, Trang đã làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà chùa và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Pháp luật cũng cần nghiêm minh” - ni sư Thích Đàm Lan nói.
Ni sư Thích Đàm Lan kể Trang tự nhận Công là cháu mình nên ni sư không để ý. Cho đến khi cháu bé biến mất thì Trang nói đã trả về cho gia đình nên nhà chùa không thắc mắc nữa.
Theo quan điểm của nhà chùa, công tác từ thiện là hàng đầu. “Trước nay, chưa ai chỉ dẫn nên công tác chăm sóc trẻ em chưa bảo đảm. Nhà chùa cũng hy vọng được sự quan tâm giúp đỡ của các ban, ngành để tiếp tục chăm sóc các cháu” - trụ trì chùa Bồ Đề bộc bạch.
Bình luận (0)