Lúc 22 giờ 40 phút: PV Báo Người Lao Động tại hiện trường cho biết lực lượng cứu hộ vẫn đang tiến hành việc khoan từ đỉnh xuống. Song song đó, họ vẫn tích cực hút nước trong hầm ra và bơm ô xy vào hỗ trợ 12 nạn nhân. Trước đó, sau thời gian hút nước liên tục, mực nước trong hầm được giữ ở mức 40cm, hiện mực nước này không thấp hơn nhưng lực lượng cứu hộ cũng nỗ lực khống chế không để dâng cao hơn.
Lúc 20 giờ 20 phút: Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết trước đây việc thi công công trình thủy điện này đã xảy ra một số sạt lở nhỏ, đơn vị thi công chỉ sửa chữa khắc phục tạm thời. Tối nay, lực lượng chức năng sẽ đưa vào đường hầm một loại dung dịch thuốc mà khi sử dụng các nạn nhân không cần ăn uống vẫn có thể đảm bảo sức khỏe trong những ngày tới.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc có phải những sạt lở nhỏ trước đây nhưng không được khắc phục là nguyên nhân gây nên vụ sập hầm lần này, ông Yên cho biết cần phải có cơ quan chức năng xác định nguyên nhân chính xác.
Hiện đường hầm bên phía phải đã đào được 6 m, hầm phía trái đã đào được hơn 3 m và chưa phải sử dụng thuốc nổ. Được biết, thủy điện này trước đây do một nhà thầu khác làm chủ đầu tư đã tạm ngừng một thời gian, sau đó chuyển sang cho nhà thầu này tiếp tục thi công. Theo các vị lãnh đạo, trước mắt sẽ tập trung vào công tác cứu hộ, sau đó mới điều tra nguyên nhân gây sạt lở hầm thủy điện này.
Lúc 17 giờ 50 phút: Tin từ các lực lượng cứu hộ, phương án khoan từ đỉnh xuống gặp sự cố do khi khoan xuống được hơn 40 m mũi khoan gặp đá bàn to đã bị hỏng. Vì vậy lực lượng chức năng đã khoan một vị trí khác. Lưỡi khoan mới có đường kính 15 cm. Khi khoan thành công sẽ đưa quần áo xuống cho các nạn nhân giữ ấm trước.
15 giờ 30 phút: PV Báo Người Lao Động tại hiện trường cho biết Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói có thể 3 ngày nữa mới đào thông được hầm hình thang bên phải để tiếp cận nạn nhân. Hiện nay tốc độ đào hầm khá chậm, mỗi ngày đào được 8 m.
Có khả năng mũi khoan từ trên hầm xuống sẽ thông trong đêm nay. Khi đó sẽ đưa được quần áo, thuốc men xuống cho những người mắc kẹt bên trong hầm, bảo đảm sức khỏe cho họ trong 3 ngày tới.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải bắt đầu đi vào đường hầm để thị sát. Ảnh: Cao Nguyên
Trong quá trình đào hầm, lực lượng cứu hộ cũng phải sử dụng các liều nổ nhỏ để phá đá nhưng phải làm hết sức thận trọng để tránh đất đá sập xuống, vùi lấp các đường ống tiếp nước, thức ăn, ô xy. Do địa chất quả đồi yếu, lại thường xuyên gặp đá nên việc đào và khoan rất khó khăn. Phó Thủ tướng đã giao cho Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Xây dựng, Công ty Cổ phẩn Sông Đà 505, Công Binh nghiên cứu tiếp cận người bị nạn từ phía hạ lưu đường hầm. Việc này sẽ gặp nhiều khó khăn vì nền địa chất rất yếu và phải đào 60 m nữa nhưng vẫn phải chuẩn bị tất cả các giải pháp.
12 người bị nạn đang bị lạnh nhưng nhìn chung tình trạng sức khỏe vẫn đang tốt. Chiều nay, bệnh viện Chợ Rẫy sẽ đưa 1 loại thuốc dinh dưỡng cho các nạn nhân uống thay cho sữa và cháo.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải cẩn trọng khi đào hầm. Ảnh: Cao Nguyên
15 giờ: Công ty Anthi Việt Nam vừa soi xong 1 điểm trước cửa đường hầm, dự kiến đến chiều sẽ hoàn tất 20 điểm cần soi (khoảng 3 phút soi được 1 điểm). Sáng 19-12, đơn vị này sẽ đưa ra mô hình 3D của quả đồi, trong đó cung cấp độ dày quả đồi, các tầng địa chất, vị trí đường hầm và vị trí những mũi khoan.
14 giờ 30 phút: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đi vào đường hầm trực tiếp xem xét tình hình và yêu cầu Ban chỉ huy cứu hộ cứu nạn dùng mọi nguồn lực để cứu 12 nạn nhân bị kẹt trong đường hầm.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết đã đưa được 1 bóng điện vào nơi 12 nạn nhân đang bị kẹt. Theo ông Yên, việc cứu hộ tuy chậm mà chắc.
Mũi khoan từ trên đỉnh đồi nếu thành công sẽ khoét rộng để đưa nạn nhân ra.
Việc đào hầm chữ A có thể làm nước và cát tụt xuống, chèn mất 3 mũi khoan đã khoan thành công trước đó nên lực lượng cứu hộ đổi sang đào đường hầm hình thang, học tập từ kinh nghiệm của thợ mỏ.
13 giờ 45 phút: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có mặt tại hiện trường và bắt đầu họp với Ban chỉ huy cứu nạn cứu hộ.
Nạn nhân đang yếu dần do bị nhiễm lạnh.
Đường hầm hình thang bên phải hầm bị sập do Tập đoàn Than Khoáng sản đào đang đụng đá cứng nên chưa thể đào tiếp được. Hiện đang bàn đến phương án nổ mìn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ. Ảnh: Kỳ Nam
12 giờ 45 phút: Đại tá Du Trường Giang, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng, cho biết công binh đang đào thêm một đường hầm hình thang phía bên trái đường hầm bị sập. Đường hầm này tương tự đường hầm hình thang đang được đào trước đó (nằm phía bên phải đường hầm bị sập).
12 giờ 15 phút: Ông Phạm Đình Hiếu, chỉ huy trưởng công trường của Công ty Cổ phần Sông Đà 505, cho biết phương án đào hầm chữ A đã bị thay đổi thành hình thang. Hầm này có chiều cao 1,2 m, đáy lớn rộng từ 70 - 80 cm, đáy nhỏ rộng khoảng 50 - 60 cm. Hiện đã được 5 m.
Phương án đào hầm chữ A đã bị thay đổi thành hình thang. Ảnh: Cao Nguyên
Hầm hình thang đã đào sâu được 5 m. Ảnh: Cao Nguyên
Một công ty chuyên về dựng mô hình 3D do Bộ Xây dựng điều vào đưa thiết bị đến hiện trường để quét toàn bộ quả đồi nhằm tìm hiểu địa chất bên trong quả đồi, đồng thời dựng mô hình 3D những công việc mà lực lượng cứu hộ đã làm, qua đó lựa chọn phương án tối ưu khi cứu hộ.
11 giờ: Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đề nghị Bộ Quốc phòng điều 100 công binh (từ Cam Ranh vào) và 10 mũi khoan đến hỗ trợ công tác cứu hộ.
10 giờ 30 phút: Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết đang nỗ lực đào ngách chuột (hầm chữ A) để tiếp cận 12 nạn nhân và sẽ hoàn thành trong tối nay nếu không có gì trở ngại.
Cảnh sát PCCC Công an TP HCM đễn hỗ trợ cứu người. Ảnh: Kỳ Nam
10 giờ 10 phút: Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết hiện mực nước trong hầm còn khoảng 30 - 40 cm.
Khi đào ngách chuột, nếu gặp đá cứng sẽ cho khoan thủy lực hoặc nổ mìn (nổ om). Các mũi khoan từ trên xuống và từ phía sau đường hầm vẫn được triển khai.
Có 1 nạn nhân bị tụt canxi nhưng đã được hỗ trợ uống thuốc (pha với sữa). Hiện tại sức khỏe 12 nạn nhân vẫn đang ổn định.
9 giờ 50 phút: Tin từ lực lượng cứu hộ cho hay lượng nước bơm ra trong 24 giờ qua được 90 m3 (mỗi giờ bơm ra khoảng 3 m3). Lượng nước bơm ra và nước chảy vào đang cân bằng nên nước sẽ không dâng cao hơn nữa.
Ban chỉ huy họp bàn phương án cứu hộ cứu nạn. Ảnh: Kỳ Nam
9 giờ 30 phút: Lực lượng cứu hộ vừa bơm sữa và thuốc vào cho 12 người gặp nạn. Trung bình 4 giờ sẽ bơm tiếp tế sữa và thức ăn 1 lần.
Ban chỉ huy cứu nạn họp để thống nhất phương án cứu hộ hiệu quả nhất. Phương án được chọn vẫn là đào hầm nhỏ đi vòng qua điểm sạt lở (ngách chuột, hầm chữ A), hiện tại đã đào được 2 m. Ngách chuột này dài khoảng 40 m. Khi gặp đá cứng, lực lượng cứu hộ sẽ dùng mìn với khối lượng 0,06 kg/kíp nổ rồi cho nổ om để làm mềm đá. Hiện tại đã vận chuyển đến hiện trường 20 kg thuốc nổ.
Hiện có 100 chiến sĩ, bộ đội và 300 công an, lực lượng hỗ trợ đang ở ngoài hiện trường làm công tác cứu hộ.
Máy khoan vừa rút ra ngoài. Công binh đang bàn đến phương án nổ mìn để đẩy nhanh tiến độ.
7 giờ 30 phút: 55 cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn Công binh 293 (thuộc Bộ Tư lệnh Công binh đóng ở Cam Ranh) vừa đến nơi và đang hạ trại để hỗ trợ công tác cứu hộ.
Việc cứu hộ quá vất vả vì gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Cao Nguyên
7 giờ: Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó Chủ tịch huyện Lạc Dương, cho biết lúc 3 giờ sáng đã bơm được nước từ đường ống thứ 2 ra ngoài nhưng rất chậm, chỉ bơm cầm chừng. Mũi khoan thứ 3 cũng đã thông qua được nhưng đầu khoan bị kẹt.
Tổng cộng có 5 mũi khoan, gồm 3 mũi khoan theo đường hầm chính (khoan ngang), trong đó có 2 mũi đã khoan xong hiện đang rút nước ra nhưng rất chậm, 1 mũi bị kẹt.
Mũi khoan thứ 4 đã khoan được 40 m, còn 20 m nữa là có thể thoát nước và thông hơi.
Mũi thứ 5 có đường kính 15 cm, khoan theo hướng từ trên xuống để đưa đường ống tròn rộng 11-13 cm vào trong tiếp tế quần áo cho các nạn nhân. Mũi khoan này đã khoan được 30 m. Trung bình 20 phút, mũi khoan khoan được 7 m đất và chỉ khoan được 20 cm nếu đụng đá.
Mũi khoan thứ 5 từ trên đỉnh đồi xuống. Ảnh: Kỳ Nam
Tổ cứu nạn Tập đoàn Than khoáng sản đang đào đường hầm song song với đường hầm bị sập để tiếp cận nạn nhân. Song song đó, đường hầm chữ A vòng theo đường hầm cũ cũng đang được đào gấp rút. Hiện có 12 người đang đào, trong ngày hôm nay sẽ tăng cường 10 người nữa để đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến, từ 2-3 ngày mới đào xong đường hầm này.
Khơi thông dòng chảy để nước trong hầm nhanh chóng chảy ra ngoài. Ảnh: Cao Nguyên
Ngoài trời đang mưa nhẹ và rất lạnh. Những công nhân đào hầm khi trở ra đều run lập cập vì lạnh.
Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (do Công ty Cổ phẩn Sông Đà 505 thi công) xảy ra khoảng 7 giờ 45 phút ngày 16-12 khi 30 công nhân đang đổ bê tông vào hầm dẫn nước của công trình thủy điện. Một số người kịp chạy thoát ra ngoài, số còn lại chạy vào bên trong và bị kẹt lại.
Bình luận (0)