UBND tỉnh Hải Dương vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo vụ việc liên quan đến xe xúc của đơn vị thi công KCN Cẩm Điền - Lương Điền (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) cố tình cán bà Lê Thị Châm hôm 10-7.
“Chạm vào xe” (!)
Báo cáo nói trên nêu rõ: Trong các ngày từ đầu tháng 7 đến ngày 9-7, thường xuyên có nhiều người dân xã Cẩm Điền (từ 30- 50 người) tự ý vào KCN Cẩm Điền - Lương Điền chất đá, dùng cây tre chắn đường, cắm cờ Tổ quốc và biểu ngữ tại cổng KCN, không cho bất kỳ phương tiện nào vào. Tối 9-7, một số người dân đã đào rãnh cắt đường vào KCN tại vị trí cổng giáp Quốc lộ 5.
Đến khoảng 8 giờ ngày 10-7, một xe xúc của nhà thầu di chuyển từ Quốc lộ 5 vào KCN. Khi qua rãnh nêu trên, xe xúc này bị số đông người dân ngăn cản nên có xảy ra va chạm. Bà Lê Thị Châm (trú tại thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền) bị ngã, có chạm vào xe. Sau đó, bà Châm được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Theo thông tin từ phía bệnh viện, bà Châm bị xây xát, mẻ xương mỏm ở vai, không nguy hiểm đến tính mạng. Còn người lái xe xúc là ông Nguyễn Văn Sinh (quê ở xã Thúy Lâm, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) bị nhiều người dân đánh đập, chấn thương ở mặt, vùng đầu, xây xát toàn thân. Ông Sinh sau đó được đưa đến Bệnh viện Quân y 7 điều trị. “Như vậy, không có xảy ra việc xe xúc đất đè lên người như một số báo mạng đã phản ánh” - báo cáo khẳng định.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, còn cho rằng clip ghi lại hiện trường được người dân dàn dựng!
“Tôi lọt dưới bánh xe xúc...”
Báo cáo trên bị người dân phản đối, cho rằng cơ quan công an chưa xác minh điều tra cẩn thận sao đã khẳng định không có chuyện máy xúc cán qua người bà Châm?
Một số người dân có mặt tại hiện trường vào thời điểm xảy ra vụ việc bức xúc cho biết: Sáng 10-7, có khoảng 40 thanh niên lạ mặt xuất hiện tại khu vực bà con đang lập “chốt”. Khi xe xúc tiến đến cổng KCN, nhiều người dân ra đứng trước đầu máy xúc ngăn cản thì bị những kẻ lạ mặt lao đến đe dọa nếu không tránh sẽ cho xe cán chết. Anh H.C.N (SN 1974, người trực tiếp quay clip máy xúc chèn vào người bà Châm) kể lại lúc đó, người lái xe xúc dừng lại và nhảy khỏi ca-bin. Một người đàn ông khác nhảy lên thế chỗ, yêu cầu người thợ lái máy xúc lên khởi động, hướng dẫn cách lái. Sau đó, cả hai cùng ngồi trên ca-bin điều khiển xe xúc tiến về phía người dân. Một lát thì người thợ lái chính nhảy xuống còn người kia tiếp tục cho xe chạy và chèn qua người bà Châm trong lúc bà đang lúi húi dưới đất.
Thấy bà Châm nằm bất tỉnh dưới bánh xích xe xúc, mọi người lao vào nâng bánh xích nhưng bất thành. Chỉ đến khi người thợ chính lái máy xúc nhảy lên ca-bin, điều khiển máy xúc lùi lại thì người dân mới kéo được bà Châm ra và đưa đi cấp cứu. Đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), bà Châm xác nhận: “Tôi may mắn thoát chết là do bánh xích xe xúc đè lên 2 mô đất nổi khiến tôi bị lọt thỏm ở phía dưới”.
Điều tra còn bế tắc
Đại tá Bùi Như Luyến, Trưởng Công an huyện Cẩm Giàng, cho biết cơ quan công an vẫn đang điều tra, làm rõ sự việc có dấu hiệu hình sự hay không. Tuy nhiên, công tác điều tra, xác minh không tiến triển vì người dân không tin, không hợp tác, không khai báo cũng như cung cấp hình ảnh, tư liệu cho cơ quan điều tra.
Cũng theo ông Luyến, ngoài việc lấy lời khai của người lái xe xúc là ông Nguyễn Văn Sinh, cơ quan công an còn phải xác minh, thu thập tài liệu, hình ảnh cũng như lời khai của bà Lê Thị Châm và những nhân chứng khác. Ngoài ra, từ hôm xảy ra vụ việc đến chiều 15-7, đơn vị thi công là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thành Trung (trụ sở tại Ninh Bình) không quay lại KCN và cũng không đến làm việc với các cơ quan chức năng. Công an huyện Cẩm Giàng đã liên hệ với phía công ty đề nghị cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan chứng minh ông Sinh được phân công lái xe xúc thi công tại KCN Cẩm Điền - Lương Điền nhưng đến thời điểm hiện tại, công ty này chưa đến làm việc.
115 hộ dân chưa nhận tiền đền bù
UBND tỉnh Hải Dương cho biết đến nay vẫn chưa giải quyết xong vướng mắc đền bù giải tỏa thi công KCN Cẩm Điền - Lương Điền. Riêng tại xã Cẩm Điền, hiện còn 115/1.420 hộ chưa đồng ý nhận tiền đền bù, lý do là mức giá đền bù đất ruộng bị thu hồi quá thấp. Cụ thể, trong khi cùng một dự án nhưng người ở xã Lương Điền được bồi thường hơn 140 triệu đồng/sào ruộng nhưng ở xã Cẩm Điền chỉ được nhận 23,4 triệu đồng/sào. Các hộ dân đưa ra kiến nghị phải được đền bù 250 triệu đồng/sào, nếu không thì trả lại ruộng để họ tiếp tục sản xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho biết ngay trong ngày 10-7, UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu tạm dừng thi công để chủ đầu tư là Công ty TNHH VSIP Hải Dương tiếp tục hoàn tất các thủ tục giấy tờ và phải có phương án bảo đảm an toàn, báo cáo chính quyền mới được thi công.
Bình luận (0)