xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vững tin với Trường Sa

Bài và ảnh: Yến Anh

Tự hào, tin tưởng vào ý chí kiên trung của những chiến sĩ ngày đêm giữ gìn biển đảo, nhiều Việt kiều khẳng định sẽ đóng góp vật chất, tinh thần ủng hộ người lính Trường Sa

“Tạm biệt Trường Sa, hẹn gặp lại”. Điệp khúc ấy cứ vang lên, hòa nhịp cùng những bài hát nối tiếp nhau như sóng vỗ vào bờ. Dưới cầu tàu, những người lính xếp hàng hát vang những giai điệu hào hùng thay cho lời tiễn biệt. Trên tàu, những người khách đến từ đất liền cũng nghẹn ngào hát theo. Không chỉ rơi trong giây phút chia ly, nước mắt đã lăn rất nhiều lần trên khuôn mặt những Việt kiều lần đầu tiên đến thăm quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quần đảo này (29.4.1975-29.4.2015).

Hạnh phúc vô biên

Trong suốt hành trình đến thăm các chiến sĩ ở Trường Sa và nhà giàn DK1, ông Nguyễn Hữu Thao, Việt kiều Bulgaria, nhiều lần xúc động không nói lên lời. Đó là giây phút thắp nén nhang trên mộ những liệt sĩ nằm lại trên đảo Nam Yết. Nhìn các khuôn mặt trẻ măng ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, nghe kể về những cái chết bi hùng, cảm xúc chợt ùa về bật thành thơ, ông ghi vội rồi quay lại nghĩa trang thì thầm đọc. Không chỉ ông Thao, những người có mặt ở nghĩa trang lúc đó cũng không ai cầm được nước mắt trước sự hy sinh của những người lính đảo tiền tiêu.

Mang 2 lá cờ Việt Nam, Bulgaria lên chuyến tàu ra thăm Trường Sa, ông Thao cho biết dù đã sống ở nước ngoài nhiều năm nhưng với ông, Việt Nam luôn là máu thịt. “Việt Nam luôn trong trái tim tôi, Trường Sa - Hoàng Sa luôn trong trái tim tôi. Dù xa xứ nhưng tinh thần dân tộc luôn chảy trong huyết quản tôi. Được đặt chân lên vùng đảo thiêng của Tổ quốc trong những ngày tháng 4 lịch sử với tôi thật sự là một niềm hạnh phúc vô biên” - ông bày tỏ.

GS Chung Hoàng Chương - Việt kiều Mỹ, từng 35 năm giảng dạy về chuyên ngành xã hội và Đông Nam Á tại Mỹ, cho biết dù rời Việt Nam sang Pháp học năm 1965, khi mới 17 tuổi nhưng đến nay, biển đảo Việt Nam luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của ông. “Tôi nghiên cứu rất nhiều thông tin về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là những năm gần đây, khi vấn đề biển đảo trở nên nóng bỏng. Nhiều năm qua, tôi luôn ước ao được đến với Trường Sa. Và bây giờ, điều ước đã thành sự thật” - GS Chương tâm sự.

Niềm tin vững chắc

“Cảm phục” là từ mà GS Chương nhắc đi nhắc lại khi nói về người lính ở Trường Sa. “Khi gặp những chiến sĩ tuổi còn rất trẻ, tôi mới hiểu cuộc sống ngoài đảo xa thật sự như thế nào. 40 năm đã qua, nhiều thứ đã đổi thay nhưng tinh thần của những người lính vẫn vẹn nguyên. Dù vất vả, thiếu thốn đến đâu nhưng ở họ vẫn luôn là một tinh thần “chấp nhận hy sinh” để bảo vệ Tổ quốc, lãnh thổ” - ông xúc động.

Các Việt kiều tay chung tay cùng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa
Các Việt kiều tay chung tay cùng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa

GS Chương khẳng định khi về Mỹ, ông sẽ chia sẻ với cộng đồng người Việt những gì được nhìn, được nghe, được cảm để bà con kiều bào an tâm về vấn đề chủ quyền biển đảo. “Tôi cũng mong mình có thể trở thành cầu nối giữa đồng bào hải ngoại và các chiến sĩ hải quân” - GS Chương thổ lộ.

Được trải nghiệm vùng đảo mà trước nay chỉ biết trên báo chí, ông Nguyễn Khắc Hùng - Việt kiều Đức, Trưởng ban Điều hành cuộc vận động quyên góp vì biển đảo quê hương tại Đức - tâm sự qua nhiều buổi trò chuyện với chiến sĩ Trường Sa, ông cảm nhận được ý chí sắt đá của những người lính trẻ. “Dù còn rất nhiều thiếu thốn, vất vả nhưng các em đã truyền cho tôi niềm tin vững chắc rằng chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm vì chủ quyền biển đảo đang được canh giữ nghiêm cẩn” - ông bộc bạch.

Cho cây hòa bình đơm trái...

“Tôi có nhiều ấn tượng mạnh trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa. Chưa đến đây thì dẫu có tưởng tượng ngàn lần cũng không hiểu hết ý nghĩa của phong ba, bão táp” - TS Nguyễn Quốc Bình - Việt kiều Canada, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM - trải lòng.

TS Bình cho biết mục đích của chuyến đi lần này là tìm hiểu về dự án trồng rau ngoài đảo của Viện Công nghệ nhiệt đới Việt - Nga. “Tôi tưởng dự án thành công nhưng ra đến nơi thấy rất nửa vời, kết quả mang lại quá nhỏ so với kỳ vọng. Lời hẹn của tôi là sẽ thực hiện một dự án trồng rau trên đảo cho anh em” - ông cho hay.

Theo TS Bình, ý tưởng này của ông không chỉ được lãnh đạo hải quân mà ngay các Việt kiều đi cùng cũng rất ủng hộ. “Chúng tôi đã thống nhất cùng làm dự án đó, có thể khó khăn về kinh phí nhưng nhất định sẽ phải làm và làm ngay năm nay. Nó như một lời hứa, một món nợ sau chuyến đi Trường Sa này” - ông nhấn mạnh. Cùng chung ý tưởng, ông Nguyễn Trung Kiên, nghiên cứu sinh chuyên ngành nấm dược liệu tại Hàn Quốc, cho hay sẽ thực hiện đề tài chuyển giao công nghệ trồng nấm cho chiến sĩ Trường Sa để cải thiện đời sống.

Chia sẻ nhiều nỗi vất vả của các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, đặc biệt là những người lính ở đảo chìm, ông Lê Quang Dũng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Doanh nhân người Việt tại Áo - khẳng định sẽ có cách thức trực tiếp giúp đỡ các chiến sĩ nơi địa đầu Tổ quốc. Không chỉ dừng lại ở khoản tiền quyên góp hơn 200.000 euro đóng xuồng chủ quyền, ông Nguyễn Khắc Hùng cho biết cộng đồng người Việt tại Đức sẽ tiếp tục có những hành động thiết thực để cảm ơn những người lính đã hy sinh tuổi thanh xuân bảo vệ Tổ quốc.

Trước khi kết thúc hải trình, có 124 triệu đồng cùng 3.000 USD được các Việt kiều góp lại để mua kính thiên văn tặng chiến sĩ Trường Sa. Số tiền không lớn nhưng chứa đựng tình cảm của những người con xa xứ dành cho biển đảo quê hương. Nó cũng đong đầy cảm xúc như dòng thơ viết vội giữa đêm khi tàu nhổ neo rời đảo Nam Yết của một Việt kiều: Trường Sa ơi mai tàu sẽ quay về/ Nhưng tình người sẽ mãi còn ở lại/ Cầu chúc cho cây hòa bình đơm trái/ Mãi xanh tươi trong trời biển Trường Sa.

Khánh thành dự án lọc nước ở Song Tử Tây

Từ ngày 21 đến 28-4, Đại sứ Trần Đức Mậu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, cùng đoàn công tác 178 đại biểu gồm các đoàn ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, kiều bào... đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa.

Đoàn đã tới thăm, tặng quà cho các chiến sĩ, nhân dân trên các đảo Đá Nam, Song Tử Tây, Nam Yết, Len Đao, Trường Sa, Đá Lát, nhà giàn DK1.

Dịp này, tại đảo Song Tử Tây cũng khánh thành một dự án lọc nước biển thành nước ngọt để sử dụng trong sinh hoạt.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo