Chiều 5-10, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đã gửi công văn đến Thường trực Thành ủy, UBND, HĐND TPHCM và Sở Tài nguyên Môi trường TP đề nghị tạm ngưng tiếp nhận và xử lý khối lượng rác tăng thêm 2.000 tấn/ngày, từ bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi, TP HCM).
Vì sao VWS ngừng tiếp nhận?
Công văn cho biết VWS tiếp nhận và xử lý khối lượng rác tăng thêm 2.000 tấn/ngày của Công ty Môi trường Đô thị TP từ ngày 30-11-2014, theo Nghị quyết số 07/NQ/HĐND ngày 11-7-2014 của HĐND TP và Thông báo số 756/TB-VP ngày 19-9-2014 của Thường trực UBND TP HCM. Để thực hiện yêu cầu này, VWS đã hết sức nỗ lực, đầu tư thêm nhiều thiết bị mới, xây dựng nhà máy xử lý nước thải mở rộng công nghệ Nano, tuyển dụng thêm nhân công…
Một góc Khu Liên hịp xử lý chất thải rắn Đa Phước
Bà Huỳnh Thị Lan Phương, Phó Tổng giám đốc VWS, khẳng định VWS đã làm theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo TP HCM. “Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã gặp phải nhiều tình huống khó khăn, phức tạp, đặc biệt là trong một tháng qua” - bà Phương nhấn mạnh.
Để giảm thiểu khối lượng nước mưa, nước mưa pha lẫn nước rỉ rác bị tăng lên đột ngột do ảnh hưởng từ hai trận mưa ngày 26 và 27-9 và trong lúc chờ nhà máy xử lý nước thải mở rộng công nghệ Nano công suất 2.000m3/ngày hoàn tất việc xây dựng và bắt đầu chạy thử nghiệm vào đầu tháng 2-2017, VWS đề nghị tạm ngưng tiếp nhận, xử lý khối lượng rác tăng thêm 2.000 tấn/ngày nói trên. Việc tạm ngừng tiếp nhận và xử lý này còn nhằm bảo đảm an toàn cho quy trình vận hành, không để xảy ra sự cố cho Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước.
Theo đề xuất của VWS, 2.000 tấn rác tăng thêm mỗi ngày này chuyển qua xử lý tại khu xử lý rác dự phòng ở Khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp thuộcCông ty Môi trường đô thị TP. Thời gian tạm ngưng tiếp nhận bắt đầu từ ngày 10-10-2016. Khối lượng rác được giao cho đơn vị tiếp nhận bấy lâu nay vẫn thực hiện bình thường mỗi ngày, thời gian tiếp nhận từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
VWS cho biết thêm công ty sẽ tiếp nhận 2.000 tấn rác trở lại sau khi nhà máy xử lý nước thải mở rộng công nghệ nano đi vào hoạt động từ tháng 2-2017.
Cùng doanh nghiệp tháo gõ khó khăn
Trước đó, liên quan đến mùi hôi phát sinh từ các bãi xử lý rác ở khu Nam Sài Gòn, trong đó có Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước, tại cuộc họp báo mới đây, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP HCM, cho biết TP sẽ bắt tay cùng doanh nghiệp tìm biện pháp khắc phục.
Theo đó, TP giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Bình Chánh nhanh vận động người dân đồng thuận trong việc giải phóng mặt bằng, di dời người dân ra khỏi khu vực để trồng cây xanh cách ly. Theo chủ trương là nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân trồng và quản lý cây xanh. Đây là vành đai xanh cách ly rộng khoảng hơn 300 ha rất cần thiết và quan trọng mà khi lập dự án đã có. Với cao trình của bãi rác từ 25 đến 40 m thì vành đai xanh cách ly cũng không thể che phủ nhưng cây xanh sẽ lọc không khí làm cho không khí trong lành hơn…
Song song với việc trồng cây xanh, TP cũng quyết tâm đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn. Đây là vấn đề nan giải mà TP HCM đã triển khai nhiều năm nhưng chưa thực hiện được đồng bộ. Nhưng theo ông Hoan, điều đó không có nghĩa là chúng ta không làm mà trước mắt thành phố sẽ chỉ đạo làm thí điểm ở các quận trung tâm, khu đô thị mới Thủ Thiêm, Phú Mỹ Hưng, các cơ quan, doanh nghiệp…
Ngoài ra TP sẽ tác động các cơ quan bộ, ngành trung ương và tỉnh Long An sớm thực hiện dự án Khu Công nghệ môi trường Xanh Long An. Đây là khu liên hợp xử lý rác cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến sau năm 2020 chủ trương của TP là đóng tất cả các bãi chôn lấp đóng trên địa bàn TP HCM để chuyển rác về Khu Công nghệ môi trường xanh Long An xử lý và tái chế.
Chấn chỉnh thu gom, vận chuyển rác
Để làm triệt để công tác bảo vệ môi trường , tới đây, TP sẽ có những qui định, chế tài trong công tác phân loại rác tại nguồn. Công tác thu gom rác dân lập, các khu trung chuyển rác cũng phải chấn chỉnh, các xe vận chuyển rác cũng phải được đầu tư mới. Mặc dù những người vận chuyển rác đang làm công tác bảo vệ môi trường nhưng khi xe chở rác không đủ tiêu chuẩn để rơi vãi và nước rỉ rác chảy ra đường trong quá trình vận chuyển cũng phải xử phạt để làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường.
Đối với Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, lãnh đạo TP đã đề nghị nhà đầu tư làm tốt hơn nữa bằng cách tăng cường nhân công, trang thiết bị, che phủ bạt, phun xịt khử mùi liên tục, hạn chế thời gian mở bãi để hạn chế mùi hôi phát tán.
Bình luận (0)