* Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các địa phương không được đến chúc Tết Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng, các thành viên Chính phủ. Nhìn nhận của ông về vấn đề này như thế nào?
- Ông Phạm Trọng Đạt: Tôi cho rằng đây là một chỉ thị thể hiện rất rõ thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong việc xây dựng một Chính phủ liêm chính.
Chỉ thị của Thủ tướng nói lên quyết tâm xây dựng một Chính phủ đổi mới, kiến tạo, liêm khiết, không tham nhũng; một Chính phủ phục vụ nhân dân. Thông điệp này là cảnh báo, thể hiện quyết tâm của Chính phủ. Thủ tướng cũng cho thấy quyết tâm tiết kiệm, chống lãng phí trong bộ máy nhà nước bởi việc tặng, nhận quà mỗi khi Tết đến cũng là một trong các dịp xảy ra nhiều lãng phí.
Là người đứng đầu Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng cũng nhắn nhủ rằng người lãnh đạo, người đứng đầu gương mẫu, thực hiện tốt thì cấp dưới rất hoan nghênh và làm theo. Trên mà loạn thì dưới mới loạn, nếu trên gương mẫu thì dưới sẽ gương mẫu theo.
* Năm nay, Thanh tra Chính phủ (TTCP) có tiếp tục triển khai việc tiếp nhận tố cáo tặng quà, nhận quà Tết không đúng quy định không?
- Giám sát việc tặng, nhận quà là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của TTCP, nằm trong chương trình về phòng chống tham nhũng nói chung. Hằng năm, TTCP có công văn chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo dõi, nắm tình hình và báo cáo những trường hợp sử dụng tài sản công lãng phí, tặng quà, nhận quà không đúng quy định. Năm nay cũng thế, chúng tôi đang chuẩn bị để tiếp tục thực hiện trong dịp Tết.
* Giá trị của quà tặng theo quy định rất thấp, trong khi thực tế thường tặng những món quà rất đắt tiền?
- Đã là quy định thì phải tuân thủ nhưng cũng không thể áp dụng quá máy móc. Nếu quà chỉ 1 triệu đồng nhưng lại sử dụng tiền ngân sách thì sai quy định. Nhưng nếu tặng chai rượu vài chục triệu đồng mà không sử dụng tiền của nhà nước, không vụ lợi, chỉ là món quà thể hiện tình cảm, không có ràng buộc nào thì không sao. Trong từng trường hợp phải xem việc tặng quà nhằm mục đích gì, món quà đó có phải sử dụng tiền của nhà nước, tiền công quỹ hay không.
* Ông có ngại quy định “cứng” sẽ làm mất đi ý nghĩa truyền thống của việc tặng quà để ghi nhận, cảm ơn nhau?
- Cũng có những trường hợp người ta làm ăn thuận lợi, cảm ơn người khác bằng tấm lòng chứ không mang tính vụ lợi. Những cá nhân tặng quà không vì động cơ, mục đích nào khác mà chỉ đơn giản muốn tặng quà cho người họ yêu quý hoặc người gặp khó khăn thì việc này hoàn toàn chính đáng. Nhưng việc cảm ơn ấy nó có thể diễn ra bất cứ lúc nào, sao phải chọn thời điểm Tết thì mới tặng? Đó là vấn đề. Làm rõ được nguồn gốc số tiền bỏ ra mua món quà, bản chất, sự vụ lợi trong ấy thì mới nói được nó có trái quy định hay không.
* Năm vừa qua, nhiều địa phương báo cáo không có tiêu cực trong khi đường dây nóng lại tiếp nhận nhiều thông tin tố giác?
- Phản ánh, tố giác của người dân về việc tặng quà, nhận quà không dễ xác minh. Người dân thường gọi điện tới đường dây nóng để phản ánh có hiện tượng biếu quà chứ ít có chứng cứ cụ thể. Trong khi đó, việc tặng, nhận quà Tết có dấu hiệu hối lộ, tiêu cực, tham nhũng hay không phải cần thời gian xác minh, thẩm định chứ không thể kết luận ngay được.
Số điện thoại đường dây nóng chống tham nhũng
Năm 2007, Thủ tướng ký quyết định 64 về quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng, nhận thay người khác hoặc nhận qua các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác. Cơ quan, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định phải giao lại cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan để xử lý theo quy định.
Số điện thoại đường dây nóng của Cục Chống tham nhũng (080.48228) sẽ tiếp nhận và xử lý tất cả những phản ánh của người dân về việc tặng, nhận quà của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước không đúng quy định cũng như phát giác các hành vi tham nhũng.
Bình luận (0)