Ngày 4-11, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2015, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Có lợi dụng để tham nhũng
Theo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, đến tháng 3-2016, có 1.761 xã (chiếm 19,7%) đạt chuẩn NTM, 2.061 xã (23%) và 27 đơn vị cấp huyện đạt tiêu chí NTM được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận. Khoảng 851.380 tỉ đồng đã được huy động thực hiện chương trình NTM trong 5 năm. Tuy nhiên, có 53/63 tỉnh, thành nợ đọng với số tiền hơn 15.200 tỉ đồng. Cá biệt, có địa phương mất khả năng thanh toán, gây dư luận không tốt; 3.637 xã có nợ đọng (chiếm 40,7% số xã xây dựng NTM) với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỉ đồng/xã.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhận xét chưa có chương trình nào được toàn dân ủng hộ và tham gia tích cực như xây dựng NTM. Chương trình đã trở thành một phong trào sôi nổi, sâu rộng, tạo đột phá đáng kể, làm cho bộ mặt nông thôn có những thay đổi; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện; tỉ lệ hộ nghèo giảm; y tế, giáo dục, văn hóa được nâng cao và cảnh quan môi trường đổi mới.
Tuy nhiên, theo ĐB Phương, trong quá trình thực hiện, nhiều xã chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, huy động cả hộ nghèo, cả người cao tuổi và hộ chính sách. Cá biệt, có nơi lợi dụng chương trình để tham ô nên có nhiều đơn thư khiếu kiện, tố cáo gây phức tạp, mất niềm tin trong xây dựng NTM.
ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng không thể không đặt vấn đề về mức độ tương xứng giữa kết quả đạt được với những chi phí bỏ ra; cũng như không thể phớt lờ những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài mà nhiều xã, thôn, nhiều gia đình nghèo phải gánh chịu khi bị huy động đóng góp quá sức. Vì vậy, đề nghị cần phải điều tra, thống kê, làm rõ tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình ở các địa phương. Trong đó, cần làm rõ tình trạng người dân bị huy động quá sức để xây dựng NTM.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo đột phá đáng kể. Ảnh: Văn Bình
ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho biết có những xã quy hoạch không căn cứ vào quy hoạch của huyện, tỉnh. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng xã nào cũng có nhà văn hóa, xã nào cũng có sân vận động, cũng phải có chợ, “bước qua bên kia đường là chợ rồi mà vẫn phải xây chợ mới”.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) dùng từ “sa lầy” để nói về tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Trong đó, có tỉnh nợ gần 1.000 tỉ đồng. Nhà văn hóa, thể thao được xây dựng là để nâng cao đời sống tinh thần của người dân song sau khi xây xong với số tiền hàng chục tỉ đồng, nhiều công trình cửa đóng then cài.
Phải nâng cao chất lượng sống
ĐB Trương Anh Tuấn (Nam Định) đề nghị phải bỏ tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích trong xây dựng NTM. Biểu hiện ở đây là huy động quá sức dân, là việc đánh giá kết quả thực hiện không sát các tiêu chí.
“Có tình trạng công nhận xã NTM nhưng cho nợ tiêu chí; có xã trở thành con nợ lớn. Vì vậy, chính quyền lo, nhân dân lo, kém hẳn đi phần phấn khởi” - ông Tuấn nêu thực trạng.
ĐB Lại Xuân Môn (Bến Tre), Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, khẳng định không ít địa phương nóng vội, chạy theo thành tích, chỉ lo cho đủ 19 tiêu chí mà không quan tâm chất lượng các tiêu chí đó ra sao. Một số nơi còn hình thức nên dẫn tới việc đồng ý nhưng không đồng thuận. Vì vậy, việc xây dựng NTM dù hoàn thành nhưng ở những nơi này không có sự thay đổi như tạo ra con người mới, nông dân mới, giá trị mới.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cũng nhấn mạnh đang có sự mâu thuẫn trong nông nghiệp, đó là: sản xuất nhỏ - thị trường lớn và đầu tư thấp - rủi ro cao. Nông thôn cũng đang gặp 6 “điểm nghẽn” gồm: đất đai, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng, năng suất, liên kết vùng và doanh nghiệp đầu tư. Trong khi đó, nông dân đang có 5 khó khăn: vốn, khoa học kỹ thuật, thị trường, ô nhiễm môi trường và sự lúng túng trong sản xuất nông nghiệp.
“Chính phủ cần rà soát lại các chỉ tiêu xây dựng NTM để có sự điều chỉnh cho phù hợp với từng địa phương nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm” - ông Môn bày tỏ.
Bình luận (0)