xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia

GS-TS Võ Tòng Xuân

Từ năm 2015, gạo Campuchia được thế giới ưa chuộng và đã qua mặt Việt Nam trong xuất khẩu gạo thơm, cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan. Gạo thơm của Myanmar cũng đang “lên”. Mệnh hệ gạo Việt sẽ ra sao?

Gạo Việt Nam hiện nay dù đã và đang được xuất khẩu với khối lượng nhất, nhì thế giới nhưng chất lượng thua xa các nước khác vì hạt lúa của ta hiếm khi đi thẳng từ tay nông dân vừa gặt để đến nhà máy chế biến gạo thành sản phẩm có thương hiệu.

Cách làm không giống ai

Trái lại, hạt lúa ruộng này được trộn với hạt lúa khác giống của ruộng khác và cứ như thế cho đến khi đầy sà lan của thương lái người Việt. Có hàng ngàn thương lái người Việt được nuôi dưỡng bởi các công ty lương thực gốc nhà nước. Thương lái đem khối lúa trộn này phơi/sấy khô bằng phương tiện thô sơ, xay bóc vỏ trấu để có gạo nguyên liệu rồi giao cho các nhà máy lau bóng của thương lái lớn hơn hoặc của công ty lương thực, chờ lệnh xuất xưởng khi công ty lương thực có đầu ra xuất khẩu hoặc phân phối đi các vùng miền.

Về sau này, một số ít công ty lương thực muốn xuất gạo thơm để nâng cao giá trị gạo Việt nên đã khuyến khích ngành nông nghiệp địa phương và thương lái hô hào nông dân trồng lúa Jasmine và nàng thơm Chợ Đào.

 

Tình trạng pha trộn các giống lúa, đem chế biến và xuất khẩu khá phổ biến, làm giảm uy tín gạo Việt Nam Ảnh: NGỌC TRINH
Tình trạng pha trộn các giống lúa, đem chế biến và xuất khẩu khá phổ biến, làm giảm uy tín gạo Việt Nam Ảnh: NGỌC TRINH

 

Nàng thơm Chợ Đào là giống lúa thơm nhất của ĐBSCL nhưng chỉ thơm trong vùng khoảng 500 ha của xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Cũng giống đó, nếu đem ra khỏi xã Mỹ Lệ thì mùi thơm bớt dần đến không còn thơm nữa. Vậy nhưng hiện gạo nàng thơm Chợ Đào có mặt gần như khắp nơi, qua đó cho thấy tình trạng gạo trộn quá phổ biến.

Giống lúa thơm thứ hai, Jasmine 85, cũng như thế. Đây là giống lúa được lai tạo tại Viện IRRI Philippines bởi nhà khoa học Mỹ Hank Beachell, là sự phối trộn giữa giống cao sản IR262 với giống lúa thơm Khao Dawk Mali của Thái Lan. Dòng tốt nhất của cặp lai này là IR841-85. Ông Beachell đem giống này về Mỹ trồng ở bang Texas, sau đó Vụ Khoa học Nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp Mỹ cùng với các trạm nghiên cứu của bộ đặt tại ĐH Texas, ĐH Arkansas và ĐH Louisiana cùng Viện IRRI đồng đứng tên đăng ký vào năm 1989 cho ra đời giống lai đó có thương hiệu là Jasmine 85. Trong số các giống nhập nội từ IRRI cũng có dòng IR841-85 và một số dòng phân ly khác. Một vài người Việt từ Mỹ về nước cũng có mang theo Jasmine 85. Hiện nay, Jasmine 85 được trồng phổ biến, có mùi thơm cơ bản giống như gạo Thái Lan nhưng năng suất thấp và rất khó trồng, chi phí cao hơn đối với giống cao sản không thơm. Vì vậy, thương lái dùng giống Jasmine để trộn với nhiều giống cao sản khác có dạng gạo tương đương nhưng năng suất cao hơn và dễ trồng hơn.

Hai trường hợp gạo thơm của Việt Nam được đưa ra thị trường theo cách như thế, không ai dám bảo đảm nguồn gốc nên cũng không thể nào đăng ký thương hiệu.

Đề xuất lộ trình 5 bước

Thấy được vai trò quan trọng của thương hiệu gạo Việt Nam, Chính phủ vừa ban hành Quyết định 706/QĐ-TTg ngày 21-5-2015 để thực thi.

Xây dựng lại thương hiệu gạo Việt Nam trong bối cảnh thị trường bát nháo hiện nay với quá nhiều giống lúa cho nông dân tự chọn và do hàng ngàn thương lái mua bán quả là một thách thức lớn, càng khó hơn nữa nếu thực hiện theo lộ trình nêu trong Quyết định 706/QĐ-TTg. Từ tình trạng không cần đến thương hiệu chuyển sang một thái cực với những mục tiêu mà Quyết định 706/QĐ-TTg muốn đạt cho thương hiệu gạo Việt Nam rất rườm rà, quá nhiều tham vọng và mơ hồ. Thử hỏi một khách hàng ăn gạo Việt Nam ngoài mong muốn chọn một loại gạo có chất lượng ngon, hợp khẩu vị và an toàn vệ sinh thì liệu họ có chọn thêm mấy đặc tính khác, ví dụ như gạo phải có “lịch sử, văn hóa, truyền thống Việt Nam” hay không?

Quyết định 706/QĐ-TTg cho xây dựng nhiều cấp thương hiệu: Thương hiệu gạo quốc gia, thương hiệu vùng, địa phương; các doanh nghiệp cũng sẽ xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Ngoài việc đề ra rất nhiều nội dung khiến khâu thực hiện phải huy động rất nhiều bộ - ngành, chương trình sẽ tập trung ưu tiên cho 3 giống đặc sản của ĐBSCL: giống Jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản.

Nếu theo lộ trình này, chúng ta sẽ không thể đạt mục tiêu dễ dàng vì làm thế nào xác định giống quốc gia để từ đó sử dụng làm 3 giống đặc sản mà dự án nêu? Trong thực tế, Jasmine được dùng làm một giống gạo thơm mà trong số các giống gạo thơm hiện nay, ngay trong Jasmine đã có nhiều dòng do nhiều cơ quan tuyển chọn. Và giống nào là giống gạo thơm được chọn, giống nếp đặc sản nào sẽ được dùng, mỗi giống đó sẽ được trồng thế nào và ai sẽ đăng ký thương hiệu đưa ra thị trường?

Theo tôi, nếu thực hiện theo lộ trình đơn giản hóa như dưới đây, chắc chắn Việt Nam sẽ có gạo có thương hiệu để xuất khẩu từ năm 2020:

Bước 1: Tuyển giống lúa làm giống quốc gia có tính chất địa lý từ 10 giống lúa thơm, lúa cao sản và lúa nếp phổ biến nhất.

Bước 2: Tổ chức huấn luyện một số doanh nghiệp thật tâm với gạo Việt Nam có thương hiệu rồi chọn doanh nghiệp có khả năng cao nhất về quản lý thương hiệu, cơ sở vật chất có nhà máy chế biến gạo được trang bị hiện đại và có tổ chức vùng nguyên liệu.

Bước 3: Cho mỗi doanh nghiệp được chọn đứng ra cùng địa phương tổ chức lại nông dân trong vùng thích hợp để làm vùng nguyên liệu lớn. Tất cả nông dân tham gia sẽ được đào tạo theo Quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP) làm lúa nguyên liệu an toàn vệ sinh thực phẩm; có thể theo phương pháp hữu cơ, phương pháp đặc biệt (ví dụ như gạo mầm dành cho người bị tiểu đường).

Bước 4: Doanh nghiệp lo đăng ký thương hiệu mỗi loại gạo của mình.

Bước 5: Xúc tiến thương mại các loại gạo có thương hiệu ra khắp thị trường nội địa và thế giới qua các siêu thị, quảng cáo trên báo - đài, tham dự các hội chợ quốc tế.

 

Gạo đặc sản của một số doanh nghiệp tư nhân (lượng nhỏ) đã xuất ủy thác qua các công ty lớn hoặc xuất trực tiếp theo LC nhập khẩu của nước ngoài. Do các quy định về điều kiện được phép xuất khẩu quá khắt khe nên phần lớn các công ty này không thể vươn ra biển lớn. 

 

Kỳ tới: Tháo nút thắt xuất khẩu

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo